Truyền hình tương tác – Tăng tính chủ động của khán giả
(Sóng Trẻ)- Năm 2007 có hơn 1 tỉ chiếc điện thoại di động mới đã được bán ra, nâng tổng số điện thoại di động của người sử dụng hiện nay lên gần 3 tỷ chiếc – tương đương gần nửa số dân thế giới. Đây là một trong những phương tiện góp phần không nhỏ gia tăng sự tương tác của khán giả với truyền hình. Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, sự tiếp nhận thông tin, mức độ tương tác của khán giả với chương trình truyền hình ngày càng chủ động và phong phú.
Một số mức độ tương tác giữa khán giả với truyền hình
Thứ nhất:tương tác đơn giản – có thể hiểu là sự tương tác với chiếc tivi. Người xem hoàn toàn chủ động trong việc tiếp nhận, lựa chọn nội dung thông tin. Chương trình phù hợp thoả mãn với nhu cầu của khán giả, họ tiếp tục theo dõi còn không thì người xem sẽ nhanh chóng chuyển kênh.
Việc tương tác - chuyển đổi thường được thực hiện thông qua chiếc điều khiển (remote). Hình thức tương tác này thể hiện sự quan tâm, tán thành hoặc không tán thành; yêu thích hoặc không của khán giả đối với chương trình. Chẳng hạn, khán giả đang theo dõi chương trình tin tức thời sự nhưng một số thông tin trong bản tin chậm hơn so với các loại hình báo chí khác đồng thời hình thức thể hiện lại không có gì sinh động, không hấp dẫn được người xem, để không mất thời gian họ có thể chuyển kênh và vô số chương trình, chuyên mục hấp dẫn khác đang chờ đón họ.
Thứ hai: Tương tác phức hợp - tương tác để mở rộng thông tin. So với mức độ thứ nhất thì ở đây hình thức tiếp cận thông tin của khán giả phức tạp hơn. Nài thông tin được cung cấp từ truyền hình, người xem có thể mở rộng thông tin về vấn đề đó bằng việc tìm kiếm, trao đổi, thảo luận với bạn bè, với những người làm chương trình qua mạng internet hay điện thoại di động. Với mức độ này thông tin mà khán giả nhận được không còn bị bó hẹp ở việc nhà đài cho “ăn” món gì được thưởng thức món đó nữa mà thông tin của đài chỉ là những chấm phá, gợi mở từ đó khán giả chủ động khám phá tận cùng của vấn đề.
Với hình thức này khán giả thực sự hiểu rất sâu vấn đề. Tuy nhiên để hình thức tương tác này có thể thực hiện được thì khán giả phải có trong tay ít nhất một phương tiện công nghệ đó có thể là một chiếc điện thoại di động hoặc một máy vi tính nối mạng.
Thực tế điều kiện này đặt ra cũng không phải là khó đối với đối với đông đảo bạn xem truyền hình sống trong thời đại công nghệ cao như hiện nay. Theo thống kê của hãng IDC (Công ty chuyên nghiên cứu thị trường điện thoại toàn cầu), năm 2007 có hơn 1 tỉ chiếc điện thoại di động mới đã được bán ra, nâng số điện thoại di động của người sử dụng hiện nay lên gần 3 tỷ chiếc – tương đương số dân nửa thế giới. Đây là một trong những phương tiện góp phần tăng sự tương tác của khán giả với truyền hình.
Tin nhắn SMS đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Trung bình mỗi tháng trong năm vừa qua có hơn 5 tỷ tin nhắn đã được gửi đi trên toàn thế giới so với con số gần 2,8 tỷ so với năm nái. Và việc số lượng máy tính nối mạng toàn cầu để truy cập thông tin ở các trang web hay xem phim, nghe nhạc xem tin tức truyền hình cũng ngày một gia tăng.
Như vậy, với sự hỗ trợ của công nghệ việc tham gia một cách chủ động của khán giả vào chương trình là hoàn toàn có thể chỉ có điều mỗi đài truyền hình tận dụng và phát huy những ưu thế của hình thức truyền hình mới này như thế nào mà thôi.
Hiện nay, để tăng khả năng tương tác ở mức độ này, nhiều chương trình, đài truyền hình đã cung cấp số điện thoại, địa chỉ emai, trang web…để khán giả có thể vào đó trao đổi, thảo luận làm rõ hoặc mở rộng thông tin.
Ở Việt Nam thời điểm này có rất nhiều chương trình đang sử dụng thường xuyên hình thức này. Chẳng hạn, kênh HTV9 có chương trình Nói và làm, Trung tâm truyền hình Việt Nam ở Cần Thơ có Toàn cảnh đồng bằng sông Cứu Long…và rất nhiều chương trình của các đài địa phương được phát sóng trực tiếp. Trong quá trình thực hiện liên tục số điện thoại được thông báo để khán giả cần trao đổi có thể kết nối được ngay với những người tham gia chương trình. Chương trình Sức sống mới, Làm giàu không khó phát sóng trên VTV1 nài số điện thoại, email còn cung cấp trang web, tại đây khán giả xem truyền hình có thể xem lại chương trình nếu chưa có điều kiện xem trên tivi và cập nhật mở rộng thêm những thông tin về chương trình.
Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam có thêm kênh VTV6 - kênh truyền hình tương tác dành cho thanh thiếu niên, nài được theo dõi những chương trình trẻ trung, hấp dẫn trên truyền hình, các khán giả đặc biệt là lứa tuổi “teen” còn có thể đăng nhập vào các diễn đàn để trao đổi, trình bày quan điểm về một vấn đề.
Thứ ba: Tương tác hợp tác – tương tác với nội dung chưong trình. Hình thức tương tác này có thể hiểu giữa nguồn phát và người xem truyền hình cùng hợp tác, có sự trao đổi để tạo ra một chương trình hợp lý, hấp dẫn. Ở hình thức này mức độ tương tác là rất cao. Nó mang tính bản chất nhất của hình thức tương tác truyền hình.
Ở đây thông tin trao đổi hai chiều rất rõ nét. Khán giả nài việc được bình luận, bày tỏ quan điểm còn có thể được trực tiếp tham gia vào diễn biến của chương trình, tham gia sáng tạo làm chương trình. Có thể kể ra một số ví dụ cho mức độ tương tác này đã được thực hiện ở Việt Nam chẳng hạn như VietnamIdol, Nhật ký Vàng Anh hay trong các chương trình trò chơi truyền hình.
Sức hấp dẫn của truyền hình tương tác
Năm 2006, Nhật ký Vàng Anh phát sóng trên VTV3 gần như là chương trình đầu tiên đưa đến một hình thức xem phim mới. Đó là việc đưa ra các phương án giải quyết tình huống phim, từ đó đạo diễn, biên kịch sẽ dựa vào ý kiến khán giả để xây dựng những tập tiếp theo của bộ phim. Không ít tập phim trở nên phong phú, khán giả là người quyết định số phận nhân vật.
Trong những chương trình trò chơi truyền hình tương tác, vai trò của khán giả cũng rất lớn. Người thực hiện chương trình không thể quyết định được ai thắng, đội nào thua. Khán giả, người chơi có vai trò quan trọng gần như định hướng, quyết định diễn biến của trò chơi. Chương trình Vui cùng Hugô (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội); Ai là triệu phú, Đấu trường 100 (Đài truyền hình Việt Nam), Thử thách (HTV7)… là ví dụ.
Hay trong chương trình Vietnam Idol - một cuộc thi chọn giọng ca trẻ tài năng của Việt Nam, thông qua hệ thống bình chọn tin nhắn SMS trực tiếp khán giả là người tham gia tích cực vào việc bình chọn, góp phần quyết định thứ bậc của giải. Gần đây nhất, Như chưa hề có cuộc chia ly được phát sóng trên kênh VTV1, Kết nối trẻ của VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam, Đấu giá cuối tuần của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, … là những minh chứng cho sự phong phú của hình thức, mức độ tương tác truyền hình, đặc biệt là mức độ thứ ba – tương tác với nội dung.
Từ kết quả phân tích, lựa chọn của khán giả những người làm chương trình lấy đó làm cơ sở để xây dựng nội dung tập tiếp theo của chương trình. Như vậy có thể thấy rằng ý kiến của khán giả có ảnh hưởng rất lớn tới chương trình, thậm chí thay đổi hẳn nội dung, hướng giải quyết của chương trình ở những số phát sóng sau. Có chương trình số lượng khán giả tham gia bình chọn đã lên tới hàng vạn người. Những con số đó không những phản ánh mức độ quan tâm của khán giả đối với chương trình mà nó còn thể hiện mức độ thích thú cuả người xem đối với một hình thức tiếp nhận, cung cấp thông tin mới.
Nắm bắt những thế mạnh này của truyền hình tương tác mà nhiều kênh truyền hình, đài truyền hình trên thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mới đây vào ngày 16/10/2007, kênh truyền hình Current TV (Mỹ) có sự tham gia của cựu Phó Tổng thống Mỹ Alre đã được trao giải thưởng Emmy – 1 giải thưởng danh giá cho những kênh truyền thông xuất sắc. Giật được giải thưởng lớn này bởi trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt nhưng Current TV đã biết tìm ra một hướng đi trong cách xây dựng thông tin, hình ảnh luôn mang phong cách riêng, kênh đã biết tận dụng tối đa ý kiến, ý tưởng của khán giả (30% chương trình của Current TV là do khán giả quan tâm, yêu thích chương trình sản xuất gửi tới). Currente TV đã tạo nên 1 kênh thông tin rộng rãi, 1 diễn đàn chủ động trong khán giả. Tất cả điều đó là cốt lõi của truyền hình tương tác.
Hiện nay, cùng với Currente TV nhiều kênh truyền hình của Mỹ và các nước có nền truyền hình phát triển trên thế giới cũng đang tìm thị trường ở hướng đi này đó là truyền hình tương tác. Công ty nghiên cứu thị trường Isuppli (Mỹ) dự đoán đến năm 2010, 63 triệu khách hàng toàn cầu sẽ thích thú và thành thạo với dạng truyền hình này và doanh thu đạt tới 27 tỷ đô so với thu nhập khiêm tốn hiện nay là 2 triệu.
Truyền hình tương tác - một hướng đi mới của truyền hình hiện đại. Tương tác trong truyền hình phản ánh sự kết hợp giữa sự tác động to lớn của truyền hình trong đời sống xã hội với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin đang đem lại cho truyền hình những khả năng mới, sức hấp dẫn mới. Những tiến bộ của công nghệ đã, đang cho phép tăng cường tương tác nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi để khán giả và những người sản xuất chương trình sát cánh bên những chương trình truyền hình hấp dẫn và thiết thực hơn.
Sức hấp dẫn của truyền hình tương tác với nhà đài, với công chúng ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội của hình thức truyền hình mới này đem lại thì không ít những thách thức cũng đang đặt ra cần giải quyết. Để truyền hình tương tác phát triển lành mạnh, để sự tham gia của công chúng ngày càng chủ động, tích cực thì cần tới nhiều yếu tố. Trong đó cần tính tới trang bị, tích hợp công nghệ hiện đại để có thể phát huy tối đa ưu việt của hình thức tương tác. Nhưng hơn thế nữa, như đã phân tích ở trên, truyền hình tương tác góp phần tăng tính chủ động của người xem, thúc đẩy sự tham gia của khán giả với chương trình. Song điều cần hướng tới là làm sao để sự tham gia của công chúng truyền hình thật sự tích cực, hiệu quả.
Để giải quyết tốt điều này cần phải tính tới cơ chế quản lý, cách thức phân tích, tổng hợp, thẩm định, sàng lọc ý kiến, phản hồi ngược từ công chúng để từ đó không chỉ xây dựng những chương trình gần gũi, thân thiện, phù hợp nhu cầu chính đáng của khán giả, mà còn hướng người xem tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Có như vậy truyền hình tương tác mới phát triển một cách lành mạnh và đó mới thực sự là hướng đi tích cực của truyền hình hiện đại./.
Ths. Xuân Hòa
Khoa Phát Thanh Truyền Hình