Bình cũ rượu mới: "Sát nhân" mang tên áp lực thi cử trong thời đại 4.0

(Sóng trẻ) - Dù được nghe nhiều về áp lực điểm số trong thi cử nhưng những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra vẫn khiến không ít người cảm thấy xót xa. Sự ra đi đột ngột của những đứa trẻ vị thành niên còn quá non nớt có phải do áp lực điểm số như người ta vẫn đồn đoán hay không? Với tôi, yếu tố này chỉ là ngòi nổ, thứ giết chết các em là quá trình tinh thần bị “giày vò” từ những người kề cận nhất.

Chẳng đâu xa, những “xứ sở nổi tiếng với các câu chuyện đẹp như trong tranh” lại có tỉ lệ học sinh tự tử vì áp lực học tập cao khủng khiếp. Khi đọc những số liệu này, tôi không khỏi rùng mình, tôi vẫn luôn nghĩ thế giới chưa bao giờ màu hồng dù đôi khi người ta cố tình sống trong thực tại hư ảo mà “hạnh phúc” do bản thân vẽ nên. 

Theo “Báo cáo điều tra xã hội năm 2018” của Cục Thống kê Hàn Quốc, quốc gia này trở thành nơi mà tôi hay gọi là có “nhiều tiếng khóc ai oán nhất” do có tỉ lệ học sinh tự tử cao nhất trong số những quốc gia phát triển trên thế giới. Con số 5% người dân Hàn Quốc có ý định tự sát theo nước này khiến truyền thông các nước trong khu vực và quốc tế kinh ngạc. Cũng theo tổng kết của Cục Thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở học sinh. 

Tỉ lệ tự tử ở học sinh tại Nhật Bản cũng cao hơn trung bình thế giới tới 60%, theo báo cáo của WHO vào năm 2015, với 70 trường hợp tự tử mỗi ngày.

The Paper trích dẫn thống kê từ The Economist, cho thấy tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên Trung Quốc đứng đầu thế giới. Cụ thể, con số lên đến 100.000 người mỗi năm. Trung bình cứ 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người khác có ý định tương tự.

Tại Việt Nam, hơn 75% học sinh ngủ ít hơn 8 tiếng/ ngày. Thời gian còn lại, hầu hết các em đổ dồn vào việc học và không có thời gian để tham gia các hoạt động cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cơ thể. Việc ngủ không đủ, hoạt động học tập với tần suất lớn khiến sức khỏe về thể chất của các em bị suy giảm, kéo theo sức khỏe về tinh thần cũng trở nên tồi tệ. 

Không chỉ vậy, quả thực chương trình giáo dục ở Việt Nam rất nặng, các kỳ kiểm tra với tần suất lớn, các kỳ thi dựa trên kết quả điểm số đánh giá bằng cấp trực tiếp gây sức ép không nhỏ đến một đứa trẻ. Khiến các em phải gồng mình lên để vừa qua nó. Đặc biệt vào các giai đoạn mấu chốt như kỳ thi vào 10 và kỳ thi vào đại học.

Những con số biết nói, chúng vẫn luôn ám ảnh tôi. Điều này cho thấy một thực tế rằng: áp lực học sinh sinh viên các nước phương Đông, trong đó có quốc gia của chúng ta là quá lớn, vượt ra khỏi phạm vi chịu đựng của thế hệ làm chủ nước nhà.

Tôi vẫn nhớ mãi cái đêm hôm mình biết được thông tin cậu bé 16 tuổi nhảy lầu tự tử, nghe tiếng hét thất thanh của bố em, đến giờ tôi vẫn còn rùng mình. Với sức mạnh lan truyền của mạng xã hội, nỗi đau ấy lại càng thêm âm ỉ, trái tim người cha rỉ máu vì mất con càng khó lành hơn bao giờ hết. Cư dân mạng cứ bàn tán, đổ lỗi và định tội như những vị quan tòa mà không cần biết người trong cuộc đang cảm thấy như thế nào.

Tôi nghĩ lại những lần mình ôn thi, ấm ức khóc một mình, những lần mình tổn thương khủng khiếp vì sự tác động từ ba mẹ, tôi đã vượt qua giai đoạn đó thế nào nhỉ? Nếu tôi không nghĩ tích cực hơn, nếu nhà tôi cửa số không có khung, nếu không phải vì tôi sợ đau… thì liệu tôi có hành xử như cậu bé kia không? 

Bố mẹ tôi không phải người thể hiện quá nhiều cảm xúc với con cái, đôi khi áp lực cuộc sống khiến họ mệt mỏi đến mức về nhà là chỉ muốn yên lặng. Cả bố mẹ và tôi không hay thể hiện cảm xúc với nhau. Đôi khi thứ tôi nhận được là những lời to tiếng, thậm chí là đòn roi vì bố mẹ quan điểm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đến giờ tôi nghĩ lại, ngày đó tôi cũng nóng tính hơn nhiều, cũng hay cãi lại bố mẹ, cái “tôi” bất cần trở nên khó kiểm soát.

Ngày đó, tôi may mắn được rất nhiều anh chị đã từng trải qua cái tuổi “nổi loạn” động viên, khuyên nhủ, và an ủi, nhưng tôi biết không phải ai cũng may mắn có người chia sẻ. 

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, áp lực học tập chỉ là một trong rất nhiều yếu tố. Sự thật là những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện, khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc bất toại (không được toại nguyện). Cụ thể các bạn trẻ thường có suy nghĩ tiêu cực khi bản thân mình đối diện với một nỗi thất vọng lớn như thi trượt, thất bại trong một công việc gì đó hay đã rất cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả mình mong đợi...

Học sinh tự tử nguyên nhân không chỉ là áp lực thi cử học tập, cũng không chỉ là áp lực từ cha mẹ mà chính các em cũng tự tạo áp lực cho mình.

Tôi vẫn nhớ như in ngày cấp 1,2, tôi đã từng bị bạn bè làm tổn thương, bị tẩy chay, nói xấu, đến mức tôi chỉ luôn muốn thoát ra khỏi cấp và lên một môi trường mới. Nhiều khi tôi cũng mệt và buồn, tôi bảo: “Mẹ có thể đừng so sánh con với hàng xóm được không? Mẹ có thể mắng con ít đi không?” nhưng mẹ chưa một lần hỏi tôi đang gặp vấn đề gì, hay vì sao tôi buồn thế. Do đó, tôi không tài nào chia sẻ câu chuyện của bản thân với bố mẹ của mình được.

Quả thật, giai đoạn vị thành niên là thời kỷ trẻ cực kỳ nhạy cảm và dễ tổn thương. Đôi khi các em gặp những vấn đề  mà bản thân không kiểm soát được, các em sẽ lựa chọn trốn tránh nó và thậm chí kinh khủng hơn là lựa chọn kết thúc cuộc đời.

Sự trốn tránh là sự tổng hợp của nhiều câu chuyện, và không thể giải quyết một sớm một chiều. Đặc biệt là giai đoạn nhận thức của trẻ chưa thật sự trọn vẹn.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Việc em nhỏ nhảy lầu hẳn em ấy đã tập dượt trong đầu rất nhiều lần, tôi không biết nếu như tối hôm đó bố em ấy thay vì cư xử như mọi lần thì ôm em ấy một cái, nói chuyện một chút về mọi thứ, để cho em ấy quyền được chia sẻ, thì không biết câu chuyện có khác đi không? Hành vi của con là hệ quả từ bố mẹ, từ những người thân cận nhất. 

Nhiều người cứ bảo “có mỗi việc học thôi mà cũng áp lực”, những câu chuyện đâu phải đơn giản như thế. Áp lực từ gia đình, từ trường lớp và đôi khi từ bạn bè, đã bao giờ mọi người nghĩ điều đó là quá sức với con cái không? Vấn đề không nằm ở hai chữ “áp lực”, vấn đề nằm ở chỗ cách người lớn cùng đồng hành, chia sẻ, giáo dục con cái vượt qua áp lực đó. 

Người ra đi đã đau đớn bao nhiêu mới đưa ra quyết định tàn nhẫn ấy - nhảy khỏi chung cư trước mặt bố mình. Và như một lẽ dĩ nhiên, người ở lại cũng chẳng sung sướng gì, có lẽ họ sẽ sống cùng nỗi đau ấy đến cuối đời cùng với sự dằn vặt và hối hận khôn nguôi. Vậy nên, chính bố mẹ của những đứa trẻ kia đã như “chết đi nửa cuộc đời”, hà cớ gì cứ phải đào sâu vào nỗi đau ấy thêm lần nữa?

Người trẻ thời xưa thì bị áp lực bởi “miếng cơm manh áo” - những thứ chỉ cần tiền đã giải quyết được thì những đứa trẻ hôm nay phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn như: rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu, sức khỏe tinh thần sa sút, áp lực điểm số, áp lực đồng trang lứa, áp lực bởi sự kỳ vọng của người thân và xã hội,...

Điểm số - thang đo mức độ tiến bộ, sự vươn lên của học sinh từ bao giờ lại bị gắn mác “kẻ sát nhân” trong những vụ việc đau lòng như thế! Thậm chí có thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp dự thảo quyết định không đánh giá học sinh bằng thang điểm từ 1 đến 10 nhưng chúng ta quên rằng, điểm số không phải mấu chốt của vấn đề. 

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với mục tiêu trở thành nước hùng cường khi Việt Nam tròn 100 tuổi. Một lần nữa, sứ mệnh cao cả này được kỳ vọng vào tuổi trẻ. Xã hội càng phát triển, áp lực đè nặng lên lứa tuổi này càng lớn. Đừng để điểm số bị gắn mác “sát nhân” khi nguyên nhân nằm ở sự xem nhẹ cảm xúc của hàng ngàn thanh thiếu niên Việt Nam.

Đừng áp đặt cảm xúc của người lớn lên con trẻ. Vì trải nghiệm của hai thế hệ là khác nhau, sinh ra trong thế kỷ này, bản thân các em cũng đã phải đối diện với những loại áp lực khác, người lớn nên là người đồng hành, hàn gắn, sẻ chia thay vì lại chính là một trong những nguyên nhân dồn trẻ vào bước đường cùng.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN