Black Friday: Nhà buôn 'sale' ảo - Khách hàng mua thật
(Sóng trẻ) - Núp bóng sau biển hiệu “sale sập sàn” là cạm bẫy mua sắm: thổi giá lên cao rồi vờ hạ giá, chiêu trò này không mới nhưng đã đánh lừa nhiều người tiêu dùng.
Black Friday (Ngày thứ Sáu đen tối) là một trong những đại hội giảm giá lớn tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm nay, Black Friday nhằm vào 24/11.
“Ảo” từ trên mạng…
Từ nhiều ngày trước, không khí mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đã diễn ra sôi nổi khi hàng nghìn mặt hàng đều được gắn mác giảm giá 50 - 70%. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng lại tỏ ra thờ ơ với chiêu khuyến mãi sâu dịp Black Friday.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương (Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Chị chia sẻ trải nghiệm mua sắm "dở khóc dở cười" : “Năm ngoái, gia đình tôi hí hửng săn được chiếc nồi chiên không dầu với mức giảm 40%. Nhưng mãi sau mới ngã ngửa vì nhận ra giá ưu đãi chẳng khác gì ngày thường.”.
Năm nay, tình trạng thổi phồng giá vẫn xuất hiện nhan nhản. Theo quảng cáo từ một trang thương mại điện tử, chiếc nồi chiên không dầu hãng Phillips từ mức giá gốc hơn 11,7 triệu đồng giảm chỉ còn 6,9 triệu (tức giảm đến 41%). Tuy nhiên, cũng chiếc máy này, giá chính hãng chưa giảm ở vài trung tâm điện máy lớn chỉ xấp xỉ 9 triệu. Như vậy, 41% là con số “ảo” nhằm che mắt người mua. Nhưng đây không phải nơi duy nhất áp dụng chiêu trò này.
… “Ảo” đến ngoài đời
Dọc các tuyến phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Chùa Láng,..., không khí ngày hội mua sắm lớn nhất năm cũng nhộn nhịp không kém. Nhiều cửa hàng “đua nhau” trưng bày biển “Sale off” từ 50 - 70%, thậm chí giảm giá “sập sàn” lên tới 80 - 90%. Đi kèm với giá ưu đãi là gói quà tặng hấp dẫn, voucher mua hàng giảm giá cho lần sau.
Nhưng trên thực tế, không ít cửa hàng lợi dụng ngày hội mua sắm để đẩy giá sản phẩm lên cao rồi gắn mác sale, lừa dối người tiêu dùng. Thêm vào đó, các cửa hiệu còn xem Black Friday như dịp dọn hàng tồn kho, kém chất lượng.
“Mặc dù giảm giá sâu, thậm chí đến 80 hay 90%, các nhà buôn vẫn ‘dư sức’ lãi đậm”, bạn Hoàng Vân Khánh (22 tuổi, Hà Nội), từng là nhân viên part-time tại một cửa hàng thời trang khẳng định.
Tuy vậy, Vân Khánh cho rằng người tiêu dùng không nên mất niềm tin vào Black Friday chỉ vì vấn nạn trên. “Đây vẫn là dịp mình chi nhiều nhất trong năm. Một khi biết cách khảo sát thị trường, lựa chọn nguồn mua uy tín thì người mua vẫn làm chủ được ví tiền. Bản thân mình năm nay khá hài lòng vì ‘tậu’ được nhiều sách tiếng Trung với giá hợp lý”, Khánh chia sẻ thêm.
Tỉnh táo trước cạm bẫy mua sắm
Theo khảo sát từ nhiều khách hàng, trước những món đồ gán mác “sale sập sàn”, họ thường chấp nhận xuống tiền dù món hàng không nằm trong danh sách mua sắm.
Thạc sĩ Vũ Việt Phương, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Việc thổi phồng giá gốc sản phẩm là chiêu trò, thủ thuật rất bình thường của các nhà bán lẻ, đã tồn tại từ lâu. Đương nhiên với vai trò người mua, chúng ta không thích điều này, nhưng ở vai trò người bán, đây là cơ hội để thu hồi vốn hoặc tăng doanh số”.
Nhằm giúp người tiêu dùng tỉnh táo trước cạm bẫy mua sắm, thạc sĩ đưa ra lời khuyên: Một là, cần có kế hoạch mua sắm cụ thể, tránh tình trạng ham giá rẻ dẫn đến mua nhiều món đồ không cần thiết. Hai là, với những sản phẩm có giá trị, cần nghiên cứu kỹ về mô hình sản phẩm và khảo sát giá cả trên thị trường trước dịp mua sắm lớn.
Đối với doanh nghiệp và nhà bán lẻ, cần hiểu điều khách hàng mong đợi là một khuyến mãi thực chất. Có như vậy, Black Friday mới thật sự là dịp kích cầu tiêu dùng, xứng đáng trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm.