Bỏ việc công sở, chàng trai theo nghề xe ôm giúp đỡ người bị nạn
Từ một người có công ăn việc làm ổn định trong cơ quan công sở, anh Phạm Quốc Việt đã bỏ ngang công việc, gắn bó với nghề xe ôm để giúp đỡ những nạn nhân không may bị tai nạn giao thông trên đường.
“Không muốn bỏ rơi ai cả”
Năm 2016, khi còn sống ở Tuyên Quang, anh Phạm Quốc Việt (33 tuổi, quê ở huyện Xuân Trường, Nam Định) đi bộ không may xảy ra va chạm với xe máy, anh phải nằm bất động trên đường. Những người đi đường “sợ bị liên lụy” đều lướt qua và bỏ mặc anh khi bị tai nạn. Anh cố gắng dồn hết sức, tập trung vào tay phải rồi giơ lên báo hiệu, cầu cứu sự giúp đỡ của người đi đường sau đó cũng may, anh được đưa vào bệnh viện.
“Tôi không oán trách họ vì họ không biết tôi là ai, kỹ năng tiếp cận hiện trường của họ không có nên việc họ lướt đi cũng dễ hiểu. Từ đó, tôi bắt đầu để ý đến việc cứu những người không may bị tai nạn”, anh Việt nhớ lại.
Sau đó một thời gian, anh Việt bỏ hẳn công việc công sở với mức lương 8 – 9 triệu đồng mà anh đang làm đến Hà Nội gắn bó với nghề tài xế xe ôm. “Tiếp xúc các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân không được giúp đỡ thấy rất tội nghiệp. Việc quan trọng nhất là sơ cứu cho họ khi không may xảy ra tai nạn, nghề xe ôm thường xuyên đi ngoài đường, dễ tiếp xúc để giúp đỡ nhất”, anh Việt nói.
Anh Việt trong một lần giúp đỡ người bị thương do tai nạn (ảnh: NVCC)
Anh Việt cho biết, làm việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, anh thường xuyên bị hiểu nhầm và đổ oan. Nhiều khi đi đường thấy một gã say xỉn rồi ngã ra anh lại giúp đỡ thì bị người nhà nghĩ oan là người gây ra tai nạn. Có người còn “ăn vạ” dù va chạm không quá lớn, đó cũng là những hành động anh Việt muốn xóa bỏ khi chẳng may xảy ra tai nạn.
Gắn bó với công việc tài xế xe ôm của anh suốt thời gian vừa qua là túi đựng đồ dùng y tế phục vụ cho công việc sơ cứu người khi bị tai nạn. Chiếc túi anh mang theo bên người có đầy đủ bông băng, banh nhíp, nước muối sát khuẩn,… để người bị thương được sơ cứu kịp thời, không bị chuyển biến nặng.
Túi đựng đồ sơ cứu luôn được anh mang theo bên người
Anh Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống về ngành y. Ông bà ngoại, mẹ và em trai đều là y, bác sĩ nên anh tự học những kiến thức về sơ cứu từ người thân của mình.
Khi tham gia nghĩa vụ quân sự, từ quá trình tham gia chữa trị vết thương trong quân ngũ, anh tự tích lũy kiến thức cho bản thân. Anh còn tham gia các khóa học về sơ cứu tại “Kỹ năng sinh tồn Việt Nam – SSVN” để nâng cao khả năng giúp đỡ người bị nạn với độ chính xác cao nhất.
Thành lập đội giúp đỡ người bị nạn
Tháng 9/2019, với mong muốn giúp đỡ người bị nạn khi xảy ra tai nạn giao thông, anh Việt thành lập đội hỗ trợ, sơ cứu “Angel” (thiên thần - PV) hoạt động khắp đường phố với tất cả các khung giờ trong ngày.
Đội hỗ trợ, sơ cứu của anh có 20 thành viên chính thức cùng nhiều tình nguyện viên khác. Các thành viên trong đội đều làm nghề tài xế xe ôm để có thể dễ dàng giúp đỡ người đi đường trong thời gian nhanh nhất.
Đội hỗ trợ, cứu nạn “Angel” hoạt động với ba chức năng: sơ cứu người bị nạn, giữ nguyên hiện trường và bảo vệ tài sản cho nạn nhân. Các thành viên trong đội đều được tham gia các buổi đào tạo về sơ cứu, được trang bị thêm kiến thức khi giúp đỡ người bị nạn ngay tại hiện trường.
Ứng dụng định vị vị trí được đội của anh Việt sử dụng để giúp đỡ khi có tai nạn
“Chúng tôi muốn duy trì sự sống và ở bên những người không may bị tai nạn giao thông để họ tiếp tục được sống. Không cần phân biệt đúng sai, nếu ai bị thương nặng hơn sẽ cứu người đó trước, cùng góp ý, hòa giải với mọi người nếu va chạm nhẹ”, anh Việt nói về ý nghĩa của cái tên “thiên thần” khi thành lập đội hỗ trợ, sơ cứu.
Hằng ngày, nhóm của anh Việt sẽ theo dõi các trang đăng tin về các vụ tai nạn giao thông, hoạt động online 24/24 giờ. Khi có hình ảnh về vụ tai nạn, anh Việt sử dụng phần mềm định vị để biết các thành viên trong nhóm đang ở đâu và sẽ gọi cho người đang ở gần địa điểm đó nhất đến hiện trường giúp đỡ và bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản.
Anh Việt làm việc thiện xuất phát từ những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống
“Các tài xế hoạt động nhiều ở ngoài đường nên sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người một cách nhanh nhất. Vì sơ cứu chỉ diễn ra trong khung giờ “vàng”, nên chúng tôi sẽ cố gắng đến sớm hết mức với niềm tin giúp được cho người ta sống hoặc trường hợp xấu nếu họ ra đi vẫn có người ở bên an ủi động viên để họ không bị cô đơn, lạnh lẽo trong xã hội này”, anh Việt chia sẻ.
Nói về những khó khăn của đội hỗ trợ, cứu nạn, anh Việt cho biết, hằng ngày các thành viên trong đội phải trích một phần thu nhập từ nghề chạy xe để mua sắm đồ dùng phục vụ cho công tác sơ cứu nên kinh phí hoạt động của đội còn hạn hẹp.
Thêm vào đó, đội hỗ trợ, cứu nạn của anh còn thiếu thành viên trong khi có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày. Ở Việt Nam luật sơ cứu còn chưa phổ biến nên những người như anh phải gặp nhiều áp lực trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh và các thành viên trong đội chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ dừng công việc cứu người của mình. “Tôi luôn suy nghĩ dù những người bị nạn không phải là người thân của mình nhưng cũng là người thân của một ai khác, giúp được người ta cũng chính là xây dựng niềm tin giữa cộng đồng vì cuộc sống này không phải cân đo, đong đếm bằng tiền”, anh Việt nói.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Việt cho biết sẽ lan tỏa đội hỗ trợ, cứu nạn anh đến khắp mọi nơi để thay đổi suy nghĩ chỉ xe ôm mới cứu được người. Anh Việt mong muốn thành lập được các trạm cứu hộ, cứu nạn ở khắp nơi để dễ dàng giúp đỡ mọi người.
Chị Phùng Thị Chinh (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Đại Nam) là người được đội hỗ trợ, sơ cứu “Angel” giúp đỡ. Chị Chinh cho biết, khoảng 11 giờ đêm ngày 5.6.2020, chị đi xe ôm qua đoạn Láng Hạ (quận Đống Đa) xảy ra va chạm với một chiếc ô tô khác.
“Sau khi va chạm, chủ xe ô tô bỏ chạy còn mình được các thành viên trong đội nhóm giúp đỡ sơ cứu, hỗ trợ đưa đi bệnh viện. Cũng may, vết thương của mình và anh tài xế xe ôm không quá nặng, được mọi người giúp đỡ nên cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập”, chị Chinh kể lại.
“Mình thấy nghĩa cử của đội nhóm tình nguyện rất cao đẹp, mình mong nhóm ngày càng phát triển để nhiều người được giúp đỡ trong cộng đồng”, chị Chinh nói.
Anh Trần Đức Ân (31 tuổi, quê ở Cao Bằng) tham gia vào đội hỗ trợ, sơ cứu ừ tháng 3.2020. Anh Ân cho hay, bản thân biết anh Việt từ hồi sinh viên và ấn tượng về tinh thần giúp đỡ mọi người của anh ấy.
“Năm 2009, hồi sinh viên tôi đi làm phục vụ, lúc nhà hàng bị cháy mọi người chạy hết chỉ có anh Việt cầm bình chữa cháy để dập lửa từ đó tôi có ấn tượng về anh Việt. Một thời gian sau tôi và anh ấy mất liên lạc với nhau, gần đây theo dõi trên mạng mới nhận ra anh Việt và thấy đội nhóm hỗ trợ của anh ấy rất ý nghĩa nên tham gia cùng”, anh Ân kể.