Hoàng Thị Diệu Thuần - bông hoa hướng dương xứ Nghệ
(Sóng Trẻ) - Chủ nhân của giọng hát trong trẻo ấm áp vang lên vào mỗi buổi chiều tại Viện huyết học truyền máu Trung Ương không phải ai xa lạ mà chính là cô bạn Hoàng Thị Diệu Thuần - bệnh nhân phòng 803 Khoa Ghép tế bào gốc.
Đến
bệnh viện hỏi thăm về Thuần không ai là không biết. Người ta kể về cuộc đời em
như một câu chuyện cổ tích nhưng cái kêt ngọt ngào được tạo nên không phải bởi
phép màu kì diệu của ông bụt, bà tiên mà bởi tình yêu thương của cộng đồng và
hơn hết là nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ này.
Cô
Nguyễn Thị Lan, một bệnh nhân ở đây không giấu được xúc động khi nói về Thuần: “Thuần là một cô gái rất mạnh mẽ và nghị lực.
Vì trong hoàn cảnh bệnh tật như thế không phải ai cũng làm được như em. Thuần
hát rất hay, nghe em hát tôi thấy vừa cảm phục vừa thương em nhiều hơn, tuổi
còn trẻ mà đã phải trải qua những chuyện như vậy”.
Mới
25 tuổi nhưng đã gần một phần ba quãng đường ấy Thuần phải đối diện với căn bệnh
ung thư máu quái ác. Măn mắn chỉ mỉm cười khi đầu tháng 9 vừa rồi Thuần được
các bác sĩ ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương thực hiện ca phẫu thuật ghép
tủy thành công. Thuần tiếp chuyện tôi bằng chất giọng Nghệ An ấm áp. Em có đôi
mắt sáng, nụ cười trong trẻo thuần khiết dễ gieo vào lòng người những cảm tình
sâu lắng. Nhìn nụ cười ấy, ít ai có thể ngờ rằng cách đây gần hai tháng Thuần
đã phải đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Và khi nghe em kể về cuộc đời,
tôi càng khâm phục hơn nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ này.
Thuần
sinh ra ở huyện Quỳ Hợp, mảnh đất nghèo của quê hương xứ Nghệ. Bố mẹ đều là
giáo viên, lương ba cọc ba đồng, tằn tiện lắm mới lo đủ cho anh em Thuần ăn học.
Ý thức được điều đó, Thuần luôn cố gắng học giỏi. Lên lớp 10, vượt qua hàng
trăm bạn bè đồng trang lứa, Thuần thi đậu vào trường chuyên của tỉnh - Trường
Trung học phổ thông Phan Bội Châu.
Những
dấu hiệu của căn bệnh hiểm nghèo bắt đầu xuất hiện từ khi em học lớp 11 và càng
trở nên rõ ràng hơn vào lớp 12: em luôn cảm thấy mệt mỏi với những cơn đau đầu
choáng váng; em thường xuyên bị ngất trên lớp, những giờ học bỏ trống ngày càng
nhiều. Thời điểm nước rút khi bạn bè ngày đêm tất bật với lò luyện thi, em phải
lặng lẽ gói ghém quần áo trở về nhà vừa chống chọi với những cơn đau hành hạ vừa
tự ôn thi Đại học. Kì thi năm ấy, Thuần đạt 24,5 điểm, em hãnh diện đặt chân
vào giảng đường ĐH Quốc gia Hà Nội , Khoa Tài chính ngân hàng.
Nhưng
chưa được hưởng trọn vẹn niểm hạnh phúc của một tân sinh viên, Thuần đã suy sụp
hoàn toàn khi nhận được kết quả chính thức từ viện Huyết học truyền máu Trung ương,
kết quả mà với nhiều người có thể là án tử chấm hết tất cả: Thuần bị ung thư
máu. Tưởng chừng Thuần sẽ ngã gục. Nhưng không, em vẫn đứng dậy bước tiếp trong
ánh mắt ngỡ ngàng khâm phục của mọi người.
Một hình ảnh Hoàng Thị Diệu Thuần trẻ trung, yêu đời.
(Nguồn: Internet)
Từ
đó, con đường từ phòng trọ đến bệnh viện dần trở nên quen thuộc với cô gái bé
nhỏ. Em quen dần với những phác đồ điều trị đọa đày, những lần chọc tủy buốt
nhói, những lúc thời tiết chuyển mùa bạch cầu lên cao khiến cơ thể dần suy kiệt.
Em tâm sự với tôi như thế này: “Thường
thì mỗi tháng em phải đến viện chọc tủy 3 lần. Đợt vừa rồi em phải lấy tủy làm cả
hai xét nghiệm cùng lúc trước khi phẫu thuật. Nhưng tủy thì cứ sệt sệt chứ
không loãng giống máu mà lại lấy sau lưng. Đợt rồi lấy nhiều mà rút thì tủy không ra, chị
y tá phải xóc xóc đau lắm chị ạ…”
Bố
mẹ ở xa không thể ra chăm sóc thường xuyên, Thuần tự động viên mình phải cố gắng
tự lập. Thậm chí ngày phải nhập viện, mẹ ra chăm sóc nhưng những lúc đau quá em
cũng cắn chặt môi không dám khóc vì sợ mẹ lo.
Ngày tháng sinh viên gắn liền với
sự đọa đày của những cơn đau hành hạ, có khi sáng tới lớp chiều đã ở bệnh
viện, nhưng em vẫn kịp hoàn thành khóa học với bằng tốt nghiệp cử nhân loại
khá. Và trước khi bước vào phòng phẫu thuật cũng là lúc em hoàn thành cuốn tự
truyện “Như hoa hướng dương”.
Thuần
khoe với tôi đã ăn uống được bình thường, giấc ngủ cũng không còn chập chờn bởi
những cơn đau hành hạ như trước. Bàn tay nhỏ bé, gầy guộc vân vê gấu áo rồi vô
tình xoa xoa lên mái đầu trọc lóc, em gượng cười “chắc chỉ vài tháng nữa tóc em sẽ mọc lại thôi chị ạ.”
Chia
sẻ về những dự định trong tương lai, em tâm sự: “Có thể
ra tết em sẽ tính đến chuyện đi làm. Nếu không được làm đúng chuyên ngành ngân
hàng thì em muốn thử sức bên lĩnh vực bất động sản hoặc là làm về mảng xuất nhập
khẩu.”
Còn
ước mơ của mẹ Thuần thì giản dị lắm, bác chia sẻ với tôi thế này: “Sau này tôi cũng không nghĩ đến chuyện được
đền đáp chỉ cần con khỏe mạnh, có công việc ổn định là được rồi.”
Chia
tay Thuần khi trời đã nhá nhem tối, muốn nói thật nhiều mà cổ họng cứ nghẹn lại.
Ra khỏi cổng bệnh viện mà sao tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây giọng hát
trong trẻo của cô gái bé nhỏ Hoàng Thị Diệu Thuần. Chợt tôi nhớ tới đoạn kết “Như hoa hướng dương”, Thuần đã viết: “Giá như những điều không may mắn đã xảy ra
với Thuần có thể khép lại, giống như đọc xong một cuốn sách”.