Cảnh giác “bẫy” đầu tư tiền ảo
Kinh doanh tiền ảo hiện nay chưa được công nhận tại Việt Nam. Thế nhưng mô hình này đang bị biến tướng và tự do lộng hành trong nền kinh tế thị trường cùng với những chiêu trò lừa đảo để khiến nhiều bạn trẻ đâm đầu vào mà không lường trước được hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tương lai.
Cạm bẫy từ những chiêu trò ăn hoa hồng đầy mê hoặc
Những câu chuyện “tiền mất tật mang” khi tham gia sàn giao dịch điện tử không phải mới xuất hiện mà đã được cảnh báo từ lâu. Vừa qua, hàng loạt sự vụ về các hội nhóm tự xưng là những “chiến thần đầu tư” bị lật tẩy đã cho thấy những dấu hiệu của đa cấp biến tướng và xu hướng “trẻ hoá” ở nạn nhân tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của Ng. 20 tuổi - từng là hội viên V.I.P của một sàn giao dịch điện tử - cô đã từng “xuống ngay” hơn 2 triệu đồng khi được những “chiến thần tiền tệ” hứa hẹn, đảm bảo đầu tư sẽ sinh lời gấp nhiều lần. Những “chiến thần” còn hứa hẹn sẽ đào tạo cô trở thành chuyên gia tài chính mới với tư duy tầm nhìn đi trước thời đại.
Th. 21 tuổi chia sẻ, chỉ cần đặt cược một khoản tiền để dự đoán xu hướng lên hoặc xuống của đồng tiền ảo trong khoảng 30 giây. Đoán đúng ăn tiền (95% lãi), đoán sai sẽ mất toàn bộ tiền đặt cược. Mỗi lần giao dịch tối thiểu là 1$ (hay còn gọi là trade).
Có thể thấy, về cơ bản đây là trò đỏ đen trá hình của những kẻ mang danh “chuyên gia tài chính”.
Một trong những chiêu trò tinh vi được sàn giao dịch tiền ảo sử dụng để “hốt bạc” chính là những “kẻ cầm đầu" (admin hệ thống) có thể thay đổi được kết quả của các nhà đầu tư, can thiệp vào hệ thống với những người đặt lệnh to tiền để bắt buộc họ phải thua. Chúng lợi dụng tâm lý háo thắng, ăn một muốn ăn hai và khi thua muốn gỡ lại của nhà đầu tư trẻ, những kẻ lừa đảo đã nhanh chóng tạo ra lòng tin thuở ban đầu và ăn chặn, chiếm đoạt tài sản khi về sau.
Đa số những “chuyên gia tài chính” tại đây phải kiếm chác bằng việc kêu gọi những người mới vào hệ thống để nhận về quyền lợi là những khoản hoa hồng và tiếp tục đầu tư vào sàn giao dịch. Đây cũng là ví dụ điển hình nhất của kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp (hay còn gọi là mô hình Ponzi).
Chiêu trò thường thấy nhất chính là khoe khoang ở trên mạng xã hội, chia sẻ cách làm giàu nhanh chóng của những đại gia trader phất lên nhờ tiền ảo. Họ “phông bạt”, tô vẽ cho bản thân một hình tượng rất được giới trẻ hiện nay ngưỡng mộ: sành điệu, cá tính, tự lập tài chính, …
Đánh mạnh vào tâm lý chung muốn đổi đời nhanh chóng của nhiều bạn trẻ, các “chiến thần tiền tệ” đã thành công đưa hơn 32.000 “con mồi” vào cạm bẫy. Đặc biệt trong thời buổi COVID-19 khi nhiều người trẻ đang “lạc bước” trước những khó khăn về kinh tế của xã hội. Kèm theo áp lực về tài chính và gia đình là sự thiếu kinh nghiệm cùng trải nghiệm thực tế khiến họ dễ mất tỉnh táo và bị lợi ích “dẫn đường”.
Đa phần những bạn trẻ tham gia đầu tư tiền ảo mà không hề biết bất kỳ nguyên lý căn bản về bản chất sản phẩm tiền ảo hay nguyên lý nào của đầu tư tài chính. Trong phỏng vấn với một tờ báo, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng chia sẻ rằng, lợi nhuận, sự kỳ vọng và cam kết lợi nhuận được trả khi tham gia góp vốn, đầu tư là điều duy nhất làm cho họ “xuống” tiền. Ông nhấn mạnh rằng đây là một thủ đoạn tinh vi khi nhắm vào tâm lý chung của những nhà đầu tư trẻ với mong muốn làm giàu nhanh chóng- một bước lên tiên, tiền về như nước.
Mất tiền, mất cả tương lai
Đằng sau những hứa hẹn về các phi vụ siêu lợi nhuận ấy, những nhà đầu tư trẻ được gì?
Một nhà đầu tư trẻ - Ng. sinh viên năm 2 – tâm sự rằng, vì tin vào lời quảng cáo việc nhẹ, lương cao, hứa hẹn hào nhoáng nên đã nghỉ học để theo các “chuyên gia tài chính” vào Sài Gòn khởi nghiệp. Thậm chí, Ng. còn vay nợ để làm giàu nhưng không thể thu hồi lãi và nợ chồng nợ khiến cuộc sống khốn đốn một thời gian dài.
“Không chỉ tiền bạc, tôi đã đánh mất đi cả lòng tin của bạn bè và người thân. Cái được duy nhất chắc là bài học xương máu về đầu tư tài chính. ”, Th. - sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế, một nạn nhân đã từng “bỏ nhà ra đi” vì trò “tài xỉu” này cho hay.
Ng. hay Th. không phải là trường hợp cá biệt, mà còn rất nhiều những nạn nhân khác vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho đa cấp. “Họ lừa thầy, dối bạn, lôi kéo mọi mối quan hệ thân tình tham gia vào vòng xoáy tiền ảo với mục đích hồi vốn để rồi mất đi lòng tin của bạn bè, bỏ dở cả một tương lai rộng mở phía trước vì hám cái lợi trước mắt.” - Ng. cho biết thêm.
Trung tá Bùi Thế Ngọc, Phòng điều tra án công nghệ cao, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công An) đưa ra khuyến cáo đối với những bạn trẻ đang có ý định đầu tư tiền ảo: “Phải thực sự hiểu biết và chọn được kênh đầu tư có tính ổn định và được các tổ chức tài chính có uy tín công nhận. Nếu là đầu tư theo xu hướng đám đông thì thực sự bạn sẽ nhận được thất bại, chấp nhận dừng lại càng sớm thì càng giảm thiểu thiệt hại. Nếu còn tiếp tục trong “vòng vây” của đầu tư tiền ảo, góp vốn đầu tư theo phương thức đa cấp hoặc chọn tỷ lệ thắng thua thì còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đừng để đến lúc “ Tiền mất, tật mang”.
Còn bạn - những độc giả thông thái, bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề trên?
Hãy cùng Sóng Trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Ý kiến của các bạn có thể gửi về hòm thư [email protected] hoặc viết trực tiếp vào bình luận ở cuối bài.