Chàng trai khiếm thị và nỗ lực tìm lại “ánh sáng”

(Sóng trẻ) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, chàng trai khiếm thị Trần Việt Hoàng (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên khẳng định mình. Kết quả, cậu bạn này đã xuất sắc dành học bổng hơn 2,2 tỷ đồng đến từ Đại học Fulbright – một trường Đại học tư thục danh giá tại Việt Nam.

Vậy câu chuyện của Hoàng có gì đặc biệt? Hãy cùng lắng nghe những lời tâm sự sau đây nhé.

Xin chào Việt Hoàng, cảm ơn Hoàng vì đã nhận lời phỏng vấn ngày hôm nay. Được biết, Hoàng đã từng trải qua một tuổi thơ vô cùng khó khăn. Vậy bạn có thể chia sẻ cho mọi người được biết về hoàn cảnh trước đây của mình hay không?

Kể từ khi mình có khả năng nhận thực được mọi thứ thì mình biết rằng gia đình chỉ có 4 người, bao gồm: bà ngoại, mẹ và chị gái. Có thể vì tình yêu thương, sự dạy dỗ của bà, của mẹ và chị quá đủ đầy khiến bản thân chưa bao giờ thắc mắc về việc tại sao lại thiếu vắng một người đàn ông trụ cột trong gia đình.

thao-1.jpg
Việt Hoàng và mẹ của mình – cô Trần Thị Sen

 

Nhà mình rất nghèo, mọi thu nhập trong gia đình đều trông cậy vào mấy sào ruộng. Kết thúc vụ mùa, mẹ mình phải đi làm thuê để kiếm từng đồng nuôi 2 chị em ăn học và chữa bệnh cho bà. Cuộc sống gia đình trở nên bấp bênh và khó khăn hơn bao giờ hết.

Tuổi thơ mình trải qua khá nhiều biến cố. Lên 5 tuổi, mắt mình bắt đầu mờ dần. Mẹ đưa mình đi khám và mình được bác sỹ chẩn đoán bị bong võng mạc. Hành trình chữa mắt gian nan bắt đầu kể từ ngày đó. Ngoài thời gian ở quê thì Bệnh viện mắt Trung ương là nơi mình lưu trú nhiều nhất. Song, mọi nỗ lực, hi vọng của gia đình và bản thân mình chỉ dừng lại ở con số không bởi sau lần phẫu thuật thứ tư, mắt mình không còn nhìn thấy gì nữa. Mẹ và mình ra về với hai hàng nước mắt và sự thất vọng ê chề.

Như Hoàng đã nói, tuổi thơ của Hoàng trải qua khá nhiều biến cố. Vậy đâu là biến cố khiến Hoàng nhớ nhất?

Từ một đứa bé bình thường, mắt chỉ hơi mờ và vẫn đủ nhìn thấy để học và sinh hoạt. Nhưng chỉ sau một ca phẫu thuật, mình như chuyển sang một thế giới khác, thế giới không có ánh sáng. Mình phải thích nghi với cuộc sống mới. Dường như mọi thứ đều phải thay đổi, từ nề nếp sinh hoạt, đến học tập và cả ước mơ nữa. Đó cũng là biến cố lớn đầu tiên trong cuộc đời mình.

Mình đã từng phải nghỉ học với lý do học sinh mù không thể theo kịp các bạn bình thường. Nhưng một năm sau đó, mình được trở lại trường học. Trong quá trình học tập, mình không có đủ sách và dụng cụ học tập chuyên biệt cho người khiếm thị, việc học trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều nên đòi hỏi mình phải tập trung và cố gắng hơn. Và rồi mọi thứ cũng qua đi, nhờ vào sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè nên mình dần tiến bộ hơn, có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

46620c92c6ce32906bdf.jpg
Sau những biến cố từng trải qua, Hoàng như trưởng thành hơn từng ngày

 

Biến cố thứ 2 xảy ra vào năm mình học lớp 8. Có lẽ sau những năm tháng làm lụng vất vả để chạy vạy chữa mắt cho mình, chu cấp cho chị gái học đại học và chữa bệnh cho bà thì mẹ mình đã bị vắt kiệt sức. Mẹ mình nằm viện cả năm trời vì mắc bệnh suy thận, chị gái lại đi học xa, ở nhà chỉ còn mình với bà. Thời điểm đó bà cũng bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường. Mình vừa đi học, vừa chăm bà ốm. Lúc đó, mình cảm thấy vô cùng bất lực vì mẹ bị như thế mà bản thân không làm được gì để sức khỏe mẹ trở nên tốt hơn.

Động lực nào khiến bạn cố gắng vượt lên hoàn cảnh đó?

Với biến cố thứ nhất; có lẽ sự lạc quan, hồn nhiên của trẻ con cộng với tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình là động lực cho mình vượt qua khó khăn. Còn biết cố lớn thứ hai, đó thực sự là cuộc chiến của riêng mình. Với mình, việc mắt mình có vấn đề không đau đớn bằng việc phải chứng kiến người thân yêu chịu những nỗi đau về mặt thể xác.

Tuy nhiên, mình nhận ra rằng, mình không thể trực tiếp làm người thân bớt đau đớn nhưng mình có thể thay đổi bản thân, từ đó khiến hoàn cảnh xung quanh trở nên tốt hơn. Suy nghĩ này đã giúp mình cởi trói tâm lí và vượt qua được khủng khoảng. mình sau đó tập trung và cố gắng hơn nữa trong việc học tập, sức khỏe của mẹ cũng dần tốt hơn. Còn bây giờ, mình tin là chúng ta có quyền ước mơ và quyền thực hiện ước mơ. Thử thách chỉ là những bài học giúp ta trưởng thành. Khi vũ trụ gửi đến cho mình một thử thách thì vũ trụ tin rằng mình đủ khả năng vượt qua nó.

df38c7f00dacf9f2a0bd.jpg
Góc học tập đơn sơ của chàng trai khiếm thị trong những năm tháng học sinh

 

Bạn đã bao giờ bị người khác coi thường và dè bỉu bởi khiếm khuyết của mình hay chưa? Nếu có, tâm trạng của bạn lúc đó như thế nào?

Mình đã từng bị rất nhiều người coi thường và xa lánh chỉ vì mình bị khiếm thị. Mình cũng từng nghe rất nhiều lời dè bỉu từ mọi người, rằng: “Một đứa như mày chỉ làm khổ gia đình thôi chứ không thể làm gì khác nữa đâu”. Tuy nhiên, mình không bị tổn thương bởi những điều đó. Tất cả chỉ khiến mình có thêm động lực để phấn đấu mà thôi.

Bạn đã làm gì để chứng minh cho mọi người rằng: “Mắt ta mù nhưng trí tuệ ta thông”?

Mình nghĩ rằng đôi mắt cũng chỉ là một phương tiện giúp ta đi đến bến bờ tri thức thôi. Nếu không còn nhìn thấy thì mình có thể sử dụng phương tiện khác để đạt được điều đó. Một người chỉ có thể chinh phục ước mơ với những phẩm chất bên trong như là niềm tin, sự khát khao, kiên trì,... mà thôi. Vậy nên, mình tin là nếu cố gắng thì mình có thể rèn luyện được những phẩm chất đấy để có được sự thông thái.

Được biết, hiện tại bạn đang theo học tại trường Đại học Fulbright Việt Nam. Bạn có thể chia sẻ về cơ duyên giúp bạn đến với ngôi trường này hay không?

Mình biết đến Fulbright nhờ vào sự giới thiệu của người sáng lập và điều hành quỹ Khát Vọng - một quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và khó khăn. Sau buổi định hướng tại Hà Nội, cô thấy mình có tìm năng và khá phù hợp với Fulbright nên đã khuyến khích và đào tạo để mình có thể apply.

Tháng 11/2018, mình bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển trực tuyến qua mạng. Hồ sơ gồm bài luận, những giải thưởng và video thuyết trình về lý do chọn trường. Mình đã mất một khoảng thời gian để tìm hiểu và gửi các yêu cầu như trường đã đề ra. Mọi văn bản đều được làm trên máy tính, thông qua phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị.

Trong quá trình học tập tại trường, bạn có gặp phải khó khăn gì không? Nếu có, bạn đã làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó? Và thành quả bạn có được là gì?

Khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ, từ trước đến nay mình chưa bao giờ học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng anh. Mình đã khá vất vả trong việc thích nghi với điều đó. Thứ hai là sự khác biệt về nền tảng, hầu hết các bạn xung quanh mình đều là học sinh trường chuyên, lớp chọn, có những bạn đã từng đi du học, đạt giải quốc gia, quốc tế. Điều này khiến mình hơi áp lực. Tuy nhiên, càng nhiều thử thách, khó khăn thì mình càng học được nhiều thứ hơn. Năm vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn đầu năm, mình đã phải cố gắng rất nhiều, hầu như mình chỉ biết học và học, có những đêm phải thức trắng để làm bài.

Sau khi kết thúc chương trình “Cầu nối Đại học” (Bridge Program) của trường, mình vinh dự được đại diện cho sinh viên của trường phát biểu trong buổi lễ khai giảng. Kết thúc học kỳ II, tất cả các môn học của mình đều được điểm A. Ngoài ra, mình còn có cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Hiện tại, mình đang là người đồng sáng lập của dự án Inner Light, là đại sứ của dự án đào tạo Green Entrepreneurship Program. Tuy nhiên, thành tựu lớn hơn cả mà mình có được trong năm vừa rồi là những người thầy tốt và những người bạn thân thiện, gần gũi, giỏi giang, có thể học hỏi lẫn nhau.

1ddabd71772d8373da3c.jpg
Việt Hoàng (ngồi thứ 2, hàng dưới từ phải qua) và những người bạn của mình

 

Ước mơ và dự định của bạn trong tương lai là gì?

Trước mắt, mình muốn hoàn thành thật tốt chương trình học ở trường. Sau đó mình sẽ tìm cơ hội đi du học để sau này có thể chăm lo cho gia đình và đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Bên cạnh đó, mình đang làm một số dự án xã hội dành cho trẻ mồ côi và người khiếm thị và giờ mình đang phát triển các dự án đấy. Hi vọng là dự án sẽ sớm được nhân rộng và hỗ trợ được nhiều bạn trẻ cần giúp đỡ. Ngoài ra bị có một dự án start up nho nhỏ, vì đại dịch đang bùng phát nên phải tạm dừng. Mong rằng thời gian tới có thể tiếp tục quay lại hoạt động bình thường.

Nếu có một điều ước, bạn sẽ ước điều gì ngay lúc này?

Thực sự, trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp ở trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mình chỉ mình chỉ muốn đại dịch sớm kết thúc. Một khi đại dịch kết thúc thì cả xã hội sẽ yên bình hơn. Đặc biệt, mình mong bản thân mình và những người thân yêu có thật nhiều sức khỏe để sống vui sống khỏe mỗi ngày. Chỉ cần nhiêu đó là mình đã cảm thấy mãn nguyện rồi.

Cảm ơn Việt Hoàng về những chia sẻ của bạn ngày hôm nay. Chúc Hoàng sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường mà mình đã chọn.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN