Chùm ảnh: Nét cổ kính trong lòng Đường Lâm
(Sóng Trẻ )- Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của nền kinh tế thị trường, hàng loạt những công ty, nhà cao tầng hiện đại mọc lên như nấm thì làng cổ Đường Lâm vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn chất riêng, bản sắc truyền thống văn hóa Việt. Mái ngói đình, chùa xưa cũ hay viên gạch lát đường, tường đá tổ ong, cây đa, giếng nước,những ngôi nhà cổ mấy trăm năm nhuốm màu thời gian luôn làm nao lòng du khách mỗi lần đặt chân tới mảnh đất Đường Lâm.
Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nhắc đến nơi đây du khách không thể không nghĩ đến nét cổ kính, mộc mạc của những nếp nhà tranh Mông Phụ đã bạc màu sương gió nhưng vẫn mang trong mình nét đơn sơ, bình dị.
Những bức tường đá tổ ong xưa cũ hằn dấu thời gian là điểm nhấn cho từng ngóc ngách, ngõ hẻm Đường Lâm.
Những chiếc Giếng cổ là địa danh văn hóa không thể thiếu của Đường Lâm. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
Đến thăm làng cổ, du khách đắm mình trong không gian của những ngôi nhà truyền thống mấy trăm năm được xây bằng gỗ lim, xoan, tre, nứa hay đá tổ ong với mái ngói vảy cá mang vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng.
Đình Đông Sàng mang kiến trúc văn hóa đặc trưng, cổ kính, tôn nghiêm
Đình Phùng Hưng - nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761-802) ông là một trong 2 vị vua nổi tiếng vùng đất này với chiến công lẫy lừng đánh tan quân nhà Đường năm 791. Hàng năm chính quyền và người dân vẫn tổ chức lễ hội quy mô và long trọng để tưởng nhớ đến ông.
Chùa Mía là danh lam nổi tiếng Xứ Đoài có hiệu là Sùng Nghiêm Tự, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia với 287 pho tượng được làm từ vôi và mật mía. Gần gác chông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức Phật với kiến trúc tinh tế.
Trong tương lai diện mạo làng cổ Đường Lâm ít nhiều có sự thay đổi. Nhưng hi vọng rằng những giá trị văn hóa truyển thống ở nơi đây sẽ được bảo tồn và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Như Hương, Hằng Nhung
Báo mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận