Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay
(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.
Buổi workshop được tổ chức vào chiều 14/11 tại Rạp Khăn Quàng Đỏ với sự tham gia của nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc Ian Richter cùng giám tuyển giáo dục, truyền thông, điều phối sự kiện Ngụy Hải An.
Mở đầu workshop, giám tuyển Ngụy Hải An chia sẻ nguồn cảm hứng tổ chức buổi workshop này: “Dạo gần đây, tôi cảm thấy việc tập trung lắng nghe vô cùng khó khăn và dễ dàng bị phân tâm. Trong cuộc sống bận rộn khi ta phải suy nghĩ nhiều, giác quan nghe sẽ bị hạn chế, từ đó ít cảm thấy tò mò, hào hứng muốn lắng nghe. Vì vậy, buổi workshop này có thể coi như một bộ phim tài liệu về âm thanh. Khán giả khi tới đây không cần sử dụng các giác quan khác mà chỉ cần thả lỏng cơ thể, tập trung hơi thở sâu để lắng nghe một cách trọn vẹn”.
Xuyên suốt buổi workshop, khán giả được phiêu du qua 5 chương âm thanh từ những thông tin bổ ích về các dạng thức âm thanh đến những bài tập trải nghiệm - tương tác âm thanh thú vị. Các hoạt động bao gồm âm thanh ghi sẵn phát qua hệ thống của Rạp Khăn Quàng Đỏ và âm thanh do người tham gia tương tác trực tiếp tạo ra với các đồ vật, nhạc cụ sắp đặt trong rạp.
Đặc biệt, trong phần cuối của trải nghiệm, khán giả được xem một trích đoạn đóng diễn dưới ba phiên bản nhạc nền khác nhau. Tú Anh (26 tuổi, Hà Nội) bày tỏ sự thích thú với phần dàn dựng độc đáo này: “Mình cảm thấy nhạc nền khác nhau sẽ đem đến những cảnh tượng với những cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm âm thanh này khiến mình liên tưởng đến những bộ phim đã từng xem dù chỉ sử dụng mỗi thính giác”.
Kết thúc buổi workshop, khán thính giả có cơ hội nêu ra những cảm nhận và đóng góp ý kiến về phần trải nghiệm âm thanh, để từ đó ban tổ chức sẽ hoàn thiện và cải tiến thêm từ mô hình thử nghiệm này.
Một khán giả hy vọng sẽ có thêm những âm thanh đời thường hơn nữa trong workshop: “Với thông điệp ‘Lắng nghe sâu’, tôi cảm thấy sẽ ý nghĩa hơn nếu mình có những âm thanh đời thường mà đôi khi mình thường không quá để ý như tiếng vòi nước chảy, tiếng rau muống xào... - đây đều là những âm thanh khá mới lạ với người nước ngoài. Theo tôi, đây cũng là một điểm độc đáo có thể tiếp cận thêm”.
Với mục tiêu mang đến trải nghiệm âm thanh trọn vẹn cho người tham gia, “Lắng Nghe Sâu” giới hạn số lượng tối đa 50 người với thời lượng tổ chức là 45 phút và chỉ dành cho những khán giả từ 10 tuổi trở lên. Thông qua việc tương tác với âm thanh và không gian, người tham gia có cơ hội khám phá vẻ đẹp và sự phong phú của nghệ thuật âm thanh. Việc tương tác cũng khuyến khích sự tự sáng tạo và khám phá, đóng góp sự hiểu biết, chia sẻ và cùng cộng hưởng sáng tạo của cộng đồng, đó cũng là một trong những thông điệp của Lễ hội muốn truyền tải. |