COVID-19: Phòng chống “tâm dịch” trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) – “Tâm dịch không phải đang ở Hà Nội, mà tâm dịch lại đang ở trên mạng xã hội”. Đây là câu nói không còn xa lạ khi tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà làm việc từ xa, học tập online, cập nhật tin tức thường xuyên khiến mạng xã hội trở thành một mặt trận quan trọng tác động đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong thời tránh dịch COVID-19 lượng truy cập các mạng xã hội tăng đột biến. Facebook ghi nhận sự bùng nổ số lượng người dùng. Tại những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, lượng truy cập vào Messenger tăng 50% so với tháng trước. Tại Ý, tâm điểm vùng dịch, thời lượng các cuộc gọi nhóm tăng 1.000%. Chính vì lý do này mà mới đây, nhiều nền tảng video đã phải hạ chất lượng để giảm tải cho cơ sở hạ tầng mạng cụ thể như Youtube, Netflix, Facebook,…

Trong một tháng tới các nền tảng video sẽ giảm chất lượng để tránh nghẽn mạng do số lượng người truy cập tăng đột biến. (Ảnh: Getty)
Những con số này cho thấy mạng xã hội đang là nền tảng chiếm ưu thế, mang lại hiệu quả truyền thông tương đối lớn trong mùa dịch.
Dẫn đầu xu thế, lan tỏa nhanh chóng thông điệp
Với khả năng lan truyền thông tin đến mức “chóng mặt”, mạng xã hội luôn đi đầu trong việc tạo nên các xu hướng. Mới đây, ca khúc “Ghen cô Vy” sáng tạo từ bản hit Ghen (2017) được sáng tác bởi nhạc sĩ Khắc Hưng dưới sự thể hiện của hai ca sĩ Min và Erik mang thông điệp kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát.
Ngay sau đó, tác phẩm gây sốt và tạo sự chú ý khi được khen ngợi trong chương trình talk show của John Oliver trên kênh HBO, và một số chương trình truyền hình quốc tế khác. “Ghen cô Vy” nhanh chóng trở thành “vũ điệu quốc dân”, khiến việc rửa tay vốn quen thuộc bỗng trở thành một “trend” cực hot từ nhà ở đến công sở, từ Instagram qua Tiktok.

Ca khúc đặc biệt do nhạc sĩ Khắc Hưng sáng tác lan tỏa sau khi xuất hiện trong chương trình talk show của John Oliver.
Mang sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, mạng xã hội trở thành một “KOLs khổng lồ”. Đặc biệt trong mùa dịch, đây được coi là nền tảng công nghệ lớn, phát đi những thông điệp ý nghĩa đến với đông đảo công chúng.
Cung cấp lượng thông tin lớn, nhanh chóng
Trước những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, số lượng ca nhiễm liên tục tăng, thông báo các trường hợp mới cũng được cập nhật liên tục trên mạng xã hội. Nhiều trang thông tin chính thống trên Facebook như Fanpage Trung tâm tin tức VTV24, Thời sự VTV, Thông tin chính phủ,… trở thành nơi cung cấp thông tin nhanh chóng, giúp mọi người có thể nắm bắt được tình hình, chủ động trong phòng tránh dịch bệnh.

Hàng loạt các format mới của VTV24 xuất hiện cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho khán giả

Fanpage của Thời sự VTV nhận được nhiều sự quan tâm trong mùa dịch. (Ảnh: VTV.vn)
Nài ra, các thông báo khẩn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cũng được đăng tải liên tục như Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Không chỉ cập nhật số ca nhiễm mà còn cung cấp các khuyến cáo, inforgraphic hướng dẫn y tế cụ thể. Nhiều người dân đã hình thành nên thói quen xem tin tức thường xuyên, theo dõi giá cả, thị trường – việc mà trước đây họ ít quan tâm đến.
Phòng dịch bệnh đi đôi với chống “tin giả”
Bên cạnh những thông tin chính thống, trong thời điểm “nóng” của dịch bệnh, các thông tin “xấu, độc” cũng tràn lan trên khắp mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân. Mặc dù, cơ quan chức năng đã có cơ chế xử phạt đối với các trường hợp này nhưng do tính rộng rãi và khó kiểm soát của các phương tiện thông tin mà tình trạng “fake, news” vẫn còn tiếp diễn.
Trên Youtube, xuất hiện nhiều clip lố bịch diễn cảnh nhiễm virus nhằm câu view. Nội dung xoay quanh những hành động giả cảnh bệnh nhân bị nhiễm bệnh có biểu hiện ho khan, sốt, co giật… để xem phản ứng của gia đình và nhiều người xung quanh. Mà người xem những clip này phần lớn là trẻ nhỏ, việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tạo ra nỗi sợ hãi.
Theo quan điểm của nhiều người, khái niệm tin giả không chỉ là những tin bịa đặt hoàn toàn và không đúng sự thật, mà còn bao gồm những thông tin nửa thật nửa bịa, phóng đại phi thực tế, bao gồm nhiều hình ảnh lố lăng… YouTube và Facebook hiện chính là hai nền tảng mạng xã hội mà tin giả nói chung và tin giả về COVID-19 nói riêng đang trở nên phổ biến.
Đây được coi là mặt trận lý tưởng để tuyên truyền, vận động phòng chống dịch hiệu quả tới cộng đồng. Nhưng công tác này cần phải gắn liền với việc chống tin giả, “tẩy chay” những hình ảnh tiêu cực, đi ngược lại với đạo đức. Mỗi người dân là một chiến sĩ góp phần đấu tranh cho “tâm dịch” không hình thành trên mạng xã hội và xóa bỏ tiêu cực ngay ở trong nhận thức.
Như Quỳnh
Cùng chuyên mục
Bình luận