COVID-19: Số ca bệnh ở Nhật tăng đột biến, nhân viên y tế bày tỏ nỗi lo ngại trước “kịch bản xấu nhất”

(Sóng trẻ) – Ayako Kajiwara, y tá tại một bệnh viện ở Saitama, Nhật Bản lo rằng hệ thống y tế đất nước này chưa kịp chuẩn bị để đối phó với những “tình huống xấu nhất” có thể xảy ra tiếp theo.

Là y tá trưởng của một bệnh viện tại Saitama, Ayako Kajiwara chứng kiến sự căng thẳng của một đơn vị chăm sóc đặc biệt, làm nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona ở tình trạng nguy kịch.

“Thật khó khăn làm sao, mỗi khi chúng tôi nghĩ rằng sức khỏe bệnh nhân đang được cải thiện, thì ngay sau đó bệnh tình của họ lại đột ngột tệ đi”.

Trong vài tuần qua, số ca bệnh dương tính với COVID-19 tại Nhật bỗng tăng đột biến. Điều này đã đập tan hy vọng kiểm soát thành công virus corona của Chính phủ Nhật, sau một loạt các phản ứng mạnh mẽ nhằm đối phó dịch bệnh này. Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến thứ sáu, Nhật Bản có khoảng 9.787 trường hợp xác nhận dương tính, trong đó có 190 ca tử vong. Trước đó, vào ngày 1/3, cả nước chỉ có 243 trường hợp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Ông cũng hứa sẽ cung cấp các thiết bị y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, tấm chắn mặt cho các bệnh viện hiện đang chịu cảnh thiếu thiết bị trầm trọng.

7f10f2750_covidjapan1.jpg

Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Nhật (Ảnh: CNN)

Hồi đầu tuần, một nhóm các chuyên gia Chính phủ đã cảnh báo: có khả năng Nhật Bản sẽ có hơn 400.000 ca tử vong vì SARS-CoV-2, nếu như các biện pháp cách ly xã hội không được thực hiện. 

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia trên cũng cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong có thể xuất phát từ việc thiếu máy thở.

Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế bắt đầu thể hiện rõ trong tuần này, khi thị trưởng Osaka – Ichiro Matsui – kêu gọi người dân quyên góp áo mưa cho các nhân viên y tế để họ dùng làm trang phục bảo hộ, sau khi xảy ra sự việc đội ngũ cán bộ y tế phải đeo túi rác để bảo vệ bản thân.

Các chuyên gia cũng cho biết, lý do trên kết hợp với tỉ lệ xét nghiệm thấp, cùng vấn đề Nhật Bản thiếu biện pháp làm việc từ xa sẽ dễ khiến quốc gia này “vỡ trận”.

Ổ dịch bệnh viện

Trong khoảng thời gian Nhật Bản phải đối chọi với đại dịch, một số ổ dịch đã bắt đầu xuất hiện tại các bệnh viện.

Theo chính quyền Tokyo, vào ngày 12/4, có 87 trường hợp lây nhiễm COVID-19 giữa các bác sĩ, y tá và bệnh nhân nội trú tại một bệnh viện ở Nakano, Tokyo. Vì virus corona có khả năng lây lan rộng trong cộng đồng, nên rất dễ hình thành các ổ dịch ngay tại bệnh viện.

“Điều quan trọng là chúng ta phải chuyển địa điểm xét nghiệm sang những nơi khác, tách khỏi các phòng khám và bệnh viện” – Kenji Shibuya, giám đốc Viện Sức khỏe Dân số thuộc Đại học Hoàng đế London cho biết.

“Những thiếu sót trong biện pháp xét nghiệm ở Nhật đã dẫn đến sự việc lây lan virus trong cộng đồng trên diện rộng. Nhân viên các bệnh viện thì không được chuẩn bị vì họ không rõ tình trạng lây nhiễm của bệnh nhân”.

7f10f2750_covidjapan2.jpg

Nhân viên y tế ở Tottori, Nhật Bản “tập trận”, chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch COVID-19 hồi 7/2 (Ảnh: CNN)

Tại Yokohama, nhân viên y tế tên Sho Hayakawa chứng kiến cảnh số lượng bệnh nhân dương tính với virus corona tăng lên từng ngày trong những tuần gần đây. Là một người cha, anh lo rằng bản thân có thể sẽ mang virus về cho vợ và đứa con nhỏ. “Tôi sợ bị nhiễm bệnh chứ, nhưng giờ vẫn phải cố gắng cẩn thận hết sức thôi” – anh tâm sự.

Tokyo và Osaka bắt đầu chuyển những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ tới khách sạn để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế. Một số tỉnh thành khác cũng dự tính sẽ thực hiện biện pháp này. Trước tình hình hiện tại, anh Hayakawa bày tỏ niềm hy vọng biện pháp trên sẽ sớm được thực hiện ở Yokohama.

Một bác sĩ gây mê tên Mio Shin tâm sự, sau khi đồng nghiệp của cô phải tự cách ly vì anh này vô tình làm việc chung với một bác sĩ từ bệnh việc khác nghi bị mắc corona, Mio Shin buộc phải đảm nhận lượng công việc của người đồng nghiệp kia.

“Nhiều bác sĩ phải làm việc theo ca tại các bệnh viện khác nhau. Tôi cảm thấy các cơ sở y tế khắp nước Nhật đang bị quá tải vì mất đi nguồn nhân lực, sau khi những người này tiếp xúc với các đối tượng dương tính với COVID-19 mà không biết” – Shin chia sẻ.

Cô cũng cho biết, khi số lượng nhân viên y tế cần để chăm sóc các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 càng nhiều, thì số lượng y bác sĩ còn lại đảm nhiệm việc điều trị các căn bệnh khác sẽ càng ít đi.

“Có lẽ người dân Nhật không nhận ra sự thiếu thốn này ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức nào, không chỉ riêng ở việc điều trị COVID-19 mà còn nhiều căn bệnh như ung thư, vô sinh,…”

Tiếp cận các ổ dịch

Kể từ khi Nhật Bản ghi nhận những trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 2, thay vì tổ chức xét nghiệm rộng trên toàn quốc như các quốc gia khác, nước này lại tập trung vào việc tập hợp các trường hợp bị nhiễm thành một cụm. 

Nhật chỉ mới xét nghiệm khoảng 90.000 ca trên tổng số 126 triệu dân. Nhiều chuyên gia nghi ngờ con số lây nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê chính thức được tung ra trước đó.

7f10f2750_covidjapan4.jpg

Nhật chỉ mới xét nghiệm khoảng 90.000 ca trên tổng số 126 triệu dân (Ảnh: Internet)

Biện pháp xét nghiệm của Nhật Bản được cho là có mục đích xác định chính xác bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, từ đó tránh tạo sức ép lên các bệnh viện. Quốc gia này có khả năng tiến hành 12.000 ca xét nghiệm mỗi ngày, nhưng theo phát ngôn viên của Bộ Y tế, thực tế, Nhật Bản hiện chỉ mới thực hiện xét nghiệm từ 6.000 – 7.000 ca mỗi ngày.

Vào thứ Tư, Hiệp hội Y khoa Tokyo tuyên bố sẽ thành lập 20 địa điểm xét nghiệm mới. Eiji Kusumi, một bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm, cho biết ông đã đăng ký tham gia quản lý những nơi này. "Khi có sẵn nơi để xét nghiệm cho những người mang biểu hiện mắc bệnh nhẹ, có lẽ chúng tôi sẽ phát hiện được nhiều ca bệnh khác hơn”.

Chính phủ đất nước này từng nhiều lần khẳng định niềm tin vào chiến lược và phương pháp xét nghiệm của mình.
“Chúng tôi hiện vẫn đang tập trung tiếp cận các ổ dịch, vì tới giờ vẫn chưa thấy các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt” – một phát ngôn viên của Bộ Y tế cho biết. 

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đất nước này không xác định được nguồn lây bệnh. Vào thứ bảy tuần trước, Tokyo ghi nhận 197 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Theo chính quyền thành phố này, 77% số ca không xác định được nguồn lây.

“Rất khó để ngăn chặn và theo dõi các ổ dịch ở những thành phố lớn, vì có quá nhiều hướng lây nhiễm khác nhau” – Ông Shibuya cho hay.

Để xác định nguồn gốc lây bệnh, nhân viên y tế phải hỏi những người nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên, vì virus corona có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, công tắc đèn, nên việc xác định nguồn gốc lây nhiễm chính lại càng khó hơn.

Cũng theo ông Shibuya, chiến lược hiện tại của Nhật Bản chỉ hiệu quả trong giai đoạn đầu, khi tỉ lệ lây lan còn thấp và có sự giới hạn. Còn ở hiện tại, khi các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải chịu một áp lực lớn vì quá tải, phương pháp này nên được xem xét lại.

Đưa ra những cảnh báo cộng đồng mang tính thiết thực

Takayuki Miyazawa, một nhà nghiên cứu virus tại Đại học Tokyo cho rằng Chính phủ cần trung thực với người dân, cho người dân biết về những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai, như việc mọi người có thể sẽ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như tập làm quen với chuyện làm việc từ xa. 

“Các chính trị gia đang khiến mọi người đặt quá nhiều niềm hy vọng. Họ nói với người dân hãy cố chịu đựng cảnh báo về tình trạng khẩn cấp cho tới ngày 6/5 – thời điểm dự kiến gỡ bỏ cảnh báo” – ông Miyazawa nói – “Chính vì thế, mọi người cứ nghĩ rằng rồi mọi chuyện sẽ kết thúc vào ngày 6/5. Nhưng họ không hiểu rằng trong thực tế, chúng ta vẫn phải cảnh giác, tìm hướng đối phó với chủng virus này”.

7f10f2750_covidjapan3.jpg

“Mọi người cứ nghĩ rằng rồi mọi chuyện sẽ kết thúc vào ngày 6/5. Nhưng họ không hiểu rằng trong thực tế, chúng ta vẫn phải cảnh giác, tìm hướng đối phó với chủng virus này” (Ảnh: Internet)

Y tá trưởng Kajiwara chia sẻ: bệnh viện của cô đã thành lập một đơn vị chăm sóc đặc biệt, dành riêng cho các bệnh nhân  dương tính với COVID-19 hồi đầu tháng 4. Nhưng đơn vị này chỉ có 6 giường, và 3 bệnh nhân đang được điều trị. Kajiwara sợ rằng bệnh viện nơi cô công tác sẽ sớm quá tải khi số lượng người nhiễm tăng lên.

Trên toàn quốc, Nhật Bản có tỷ lệ 7 giường ICU/100.000 người, chỉ bằng 1/5 so với Mỹ. Nài ra, việc thiếu hụt trang thiết bị cũng là một vấn đề nan giải. Theo đó, đất nước này chỉ có 22.000 máy thở, trong khi tổng số dân Nhật Bản là hơn 126 triệu người. Vào cuối tháng 2, 40% số máy này đã được sử dụng.

Kajiwara cho biết, đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện của cô đang cố hết sức để chăm sóc cho các bệnh nhân, dẫu biết rằng sẽ có những người không thể qua khỏi, và bản thân các nhân viên y tế cũng có khả năng nhiễm bệnh cao.

“Tôi muốn giữ hy vọng” – cô nói – “Toàn bộ trải nghiệm này khiến tôi cảm thấy có lẽ chúng tôi đã sống quá thoải mái ở Nhật, và coi vạn sự trên đời như là điều hiển nhiên. Có lẽ giờ mọi người đã bắt đầu nhận ra họ thực sự cần gì, và thứ gì mới là quan trọng nhất”.

Phạm Phương Linh (Theo CNN)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN