Cùng Zó Project hòa nhịp với "Vũ điệu của Giấy"
(Sóng trẻ) - Vào ngày 9/3 vừa qua, tại không gian Hanoi Rock City (27 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) đã diễn ra triển lãm đặc biệt mang tên "Vũ điệu của Giấy". Kéo dài ba tiếng trong không gian nhỏ mà ấm cúng, triển lãm đã mang đến những tiết mục đặc sắc, kết hợp hiện đại và truyền thống.
Buổi triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động của dự án Zó Project. Đây là một dự án do chị Trần Hồng Nhung và các bạn đồng nghiệp có cùng niềm đam mê với giấy, các sản phẩm từ giấy được xây dựng và phát triển từ năm 2013.
Check in trước khi vào triển lãm
Rất giản dị nhưng không hề giản đơn
Đó là những từ được dùng để nói về những sản phẩm từ loại giấy truyền thống – giấy dó, một chất liệu đã gắn với dòng tranh rất đỗi quen thuộc ở nước ta là tranh Đông Hồ. Với vẻ khác biệt, tách bạch hẳn với không gian tĩnh lặng bên nài vào lúc chiều muộn, Hanoi Rock City đem đến cho những ai tham quan triển lãm một thế giới nghệ thuật rất riêng - một thế giới tràn ngập giấy dó.
Ở nơi cửa ra vào của phòng triển lãm, người ta đặt những vật liệu để làm giấy dó và tất cả các công đoạn đều được các nghệ nhân làm giấy thao tác tại đây. Một điều vô cùng có ý nghĩa cho những ai muốn được chứng kiến quy trình làm giấy dó của một làng nghề truyền thống như thế nào.
Nghệ nhân làm giấy dó
Đi sâu vào bên trong, ở gian thứ nhất là những hình ảnh thân quen của cuộc sống hằng ngày - những chú vịt giấy, vịt mẹ, vịt con, những chú lợn giấy, voi giấy; hay đó là những vật dụng hằng ngày như bao diêm, những cuốn sổ tay. Vốn dĩ đã thân thuộc, nay, bằng chất liệu giấy dó, chúng ngày càng trở nên gần gũi đến kì lạ và hiện ra như thật ngay trước mắt. Không những thế, ở đó còn có những băng giấy dài là văn tự bằng chữ Hán. Gian nhất cũng trưng bày các tác phẩm dự thi được lọt vào vòng Chung kết "Vũ điệu của Giấy" từ những tác giả trẻ. Những đèn lồng, túi thời trang giấy dó, truyện tranh cho bé, hay quyển sổ chun đều mang đậm dấu ấn sáng tạo của những người trẻ hiện đại và làm phong phú thêm những “Vũ điệu của Giấy”.
Những hình ảnh của cuộc sống dân dã
Văn tự chữ Hán trên giấy dó
Những sản phẩm của các tác giả trẻ
Bước sang gian bên cạnh, người xem lạc vào thế giới của những bức tranh vẽ màu nước trên giấy dó của những nghệ sĩ tài năng, cộng tác với dự án Zó Project. Ở đó, ngay chính giữa gian, có một chú ngựa “may mắn”. Mọi người có thể tương tác với chú ngựa bằng cách sử dụng những màu vẽ đã được chuẩn bị sẵn để tô lên mình chú ngựa. Một điều đặc biệt nữa ở triển lãm là những bức tường được dán giấy dó. Trên những bức tường đặc biệt này, khách đến tham dự có cơ hội được thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Chú ngựa may mắn tại triển lãm
Những gam màu sáng tối
Các bạn trẻ sáng tạo những tác phẩm của riêng mình
Ngôn ngữ chính được sử dụng tại buổi Triển lãm là song ngữ Anh – Việt. Vì thế, đến tham dự buổi triển lãm không chỉ có các bạn trẻ Việt Nam mà còn có đông đảo các du khách nước nài. Qua trò chuyện, các bạn đều thể hiện sự yêu mến đối với hoạt động văn hóa mang đậm tính dân tộc này. “Đây là lần đầu tiên mình được trải nghiệm một cuộc triển lãm như thế này. Mình có bạn làm cho dự án Zó Project, nên cũng đã hiểu phần nào về ý nghĩa của nó. Nó thực sự rất thú vị, những bức tranh ở đây đều rất đẹp”, Musbaba, nhạc sĩ người Malaysia chia sẻ.
Những tài năng mang khát vọng gìn giữ giấy dó
Nét chính làm nên thành công của buổi triển lãm là những bức tranh được vẽ trên giấy dó. Ngay tại sân khấu triển lãm, nghệ sĩ Lê Quốc Việt, người nổi tiếng trong lĩnh vực giấy dó với bức tranh “Trường Sa – Hoàng Sa”, cùng với nghệ sĩ Hetter Chan (Hàn Quốc) và YoYo (Việt Nam) thực hiện những bức vẽ trên giấy dó.
Bức tranh "Hoàng Sa - Trường Sa" trên giấy dó của họa sĩ Vũ Quốc Việt
Hetter Chan và YoYo tập trung cho bức vẽ
Người xem chăm chú theo dõi từng nét bút của các nghệ sĩ
Bên cạnh đó, người xem cũng thực sự bị cuốn hút bởi âm nhạc ở đây. Những bản nhạc mang đậm nét Việt Nam như Bèo dạt mây trôi, Con cò, hay Quê nhà đều được các nghệ sĩ Việt Nam và nước nài phối lại theo phong cách hiện đại, tạo sức truyền cảm lớn tới người nghe.
Không gian âm nhạc đầy màu sắc
Không phải ngẫu nhiên mà chị Trần Hồng Nhung, người sáng lập dự án lại chọn giấy dó, mà không phải là một loại giấy nào khác, để làm đề tài cho dự án quan trọng của mình. Qua những chia sẻ trước công chúng trong buổi triển lãm, chị nhấn mạnh việc gìn giữ nghề sản xuất giấy dó bởi nó đang gặp những khó khăn do nguồn cung cấp nguyên liệu làm giấy khan hiếm và hiện nay không còn mấy ai quan tâm đến nghề này nữa. Thông qua hoạt động này, những người thực hiện dự án mong muốn những người trẻ sẽ tiếp nối những hoạt động như thế này để gìn giữ nghề giấy Zó đang có nguy cơ bị mai một dần.
Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm, triển lãm "Vũ điệu của Giấy" cũng đã trao giải cho các tác giả trẻ trong cuộc thi “Vũ điệu của Giấy” của dự án vì sự nối dài mãi những mầm tài năng. Cùng với đó là cuộc trò chuyện với nghệ nhân làm giấy dó Phạm Văn Tâm đến từ huyện Phong Khê, Bắc Ninh giúp khán giả thấy được những khó khăn của nghề làm giấy.
Chị Trần Hồng Nhung trao giải cho các tác giả trẻ
Trò chuyện với nghệ nhân Phạm Văn Tâm
Ba tiếng của triển lãm với những hoạt động tôn vinh, gìn giữ giấy dó là những minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của ban chủ nhiệm dự án. Qua triển lãm, khán giả thấy được một thông điệp rõ ràng: không một cái gì khác mà chính con người làm nên những “Vũ điệu của Giấy”.
Lê Thị Loan
Lớp Báo mạng Điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận