Đại lộ nghìn tỷ tại Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập
(Sóng trẻ) - Sau 3 năm đi vào hoạt động, tuyến đường đại lộ Chu Văn An ở Hà Nội bị sử dụng sai mục đích, nhiều người chiếm dụng làm bãi gửi xe, nơi trung chuyển hàng hóa khiến giao thông tại đây lộn xộn, bát nháo.
Đại lộ Chu Văn An (tuyến đường nối Nguyễn Xiển với khu vực Xa La), được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, thiết kế với 10 làn xe trong đó có 6 làn xe ô tô và 4 lần còn lại dành cho xe gắn máy, xe thô sơ... với tuyến đường chính dài 2,5 km.Từ khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường đại lộ Chu Văn An thuộc địa phận 2 quận, huyện Hoàng Mai và Thanh Trì, Hà Nội được kỳ vọng sẽ giúp người dân di chuyển thuận tiện, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, sau 3 năm thông xe, tuyến đường này bị sử dụng sai mục đích, chiếm dụng thành nơi tập kết xe tải để kinh doanh, thậm chí các điểm trông giữ xe trái phép cũng “mọc” lên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đại lộ hay bến xe?
Vào khung giờ cao điểm, hàng chục xe tải chở hàng hóa nối đuôi nhau xếp hàng dài trên tuyến đường đại lộ Chu Văn An khiến tình trạng giao thông của khu vực này thường xuyên ùn tắc.
Nhiều xe tải treo biển quảng cáo các nhà xe, hãng vận tải đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đỗ dọc hai bên đường Chu Văn An, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để tổ chức bốc xếp hàng hóa, nhận và chuyền hàng dưới lòng đường như một trạm trung chuyển.
Mặc dù lòng đường khá rộng nhưng việc đỗ xe không đúng nơi quy định, thậm chí dàn hàng hai, hàng ba để kinh doanh của nhiều nhà xe khiến nơi đây vừa mất mỹ quan, vừa cản trở việc đi lại của người dân. Cũng vì làn xe máy đã bị chiếm dụng nên người tham gia giao thông phải di chuyển sang làn ô tô tiềm ẩn nguy hiểm.
Chị Minh Thảo (23 tuổi, Thanh Xuân) người thường xuyên lưu thông qua tuyến đường chia sẻ: “Mình cảm thấy khá khó chịu vì việc bốc dỡ hàng hóa này diễn ra thường xuyên, gây ùn tắc khó khăn trong việc di chuyển”.
Thậm chí, nơi đây đã từng có những vụ tai nạn bởi xe cộ di chuyển tốc độ cao, còn những người vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa vẫn cứ bất chấp những nguy hiểm lấn chiếm lòng đường trái phép.
Trong vai người có nhu cầu gửi đồ, PV được biết: “Ngày nào, tôi cũng đỗ ở đây từ 10h đến 13h, không giới hạn đồ gửi, nhiều đồ thì nhiều tiền. Lúc nào cũng có người ở đây nhận hàng, đảm bảo không bao giờ bị mất”.
Bên cạnh đó, khi PV thắc mắc liệu hàng hóa ở đây có bị kiểm tra hay công an trật tự đến dẹp thì nhận lại câu trả lời rất tự tin từ phía chủ hàng: “Công an không mấy khi kiểm tra, chỉ thị trường mới kiểm tra. Còn khi bị công an kiểm tra chỉ cần đưa công an 200 - 500 nghìn đồng, họ sẽ bỏ qua”.
Điều đáng nói, ngay cạnh đại lộ Chu Văn An có một bãi đỗ xe tĩnh và trung chuyển hàng hóa rộng rãi của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận lại trong cảnh đìu hiu, vắng khách. Qua tìm hiểu được biết, bãi đỗ xe và trung chuyển hàng hóa này rộng hơn 29.000 m2 được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2021 và đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì cơ sở này lại không thể cung cấp dịch vụ trung chuyển hàng hóa.
Cụ thể, Thông tư này ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/7/2020 quy định, không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa. Do vậy, phần lớn diện tích được quy định làm khu vực trung chuyển hàng hoá của bãi đỗ xe để lãng phí, trong khi bãi đỗ xe này mới đáp ứng được 10% công suất thiết kế.
Sự bất cập trên gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi trung chuyển hàng hóa của các chủ xe khiến đại lộ Chu Văn An trở nên nhếch nhác và tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.
Nhếch nhác vì rác
Đến nay, dù đại lộ đã được đưa vào hoạt động nhưng phần cầu vượt nút giao nối thẳng qua Phúc La - đoạn cuối của đại lộ Chu Văn An vẫn đang nằm "đắp chiếu" do mặt bằng chưa được giải phóng. Phía trên cầu vượt trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của công trình, qua thời gian dài phơi nắng, phơi sương đã hoen rỉ không thể sử dụng và thậm chí cây dại mọc xung quanh gây mất mỹ quan đô thị.
Đại lộ Chu Văn An được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế khu vực Tây Nam, Thành phố Hà Nội, nhưng sau 3 năm thông xe, con đường ngày càng trở nên nhếch nhác vì rác thải đổ bừa bãi 2 bên tuyến đường.
Chị Linh Phương, người dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường Chu Văn An cho biết: “Khu vực này thường xuyên có rác, nhiều đến mức người dân coi đây là chuyện bình thường. Việc rác thải vứt bừa bãi này đã diễn ra từ lâu nhưng không hề có biện pháp xử lý”.
Theo quan sát của PV, những biển cấm đổ rác, bị phạt tiền khi đổ rác sai quy định được đặt dài khắp đại lộ, nhưng ai là người chịu trách nhiệm xử lý và ai là người bị phạt vẫn là dấu hỏi lớn.
Bên cạnh đó, rải rác trên tuyến đường còn có nhiều xe hoa quả bán hàng rong tự tin ngồi giữa lòng đường. Dẫn đến việc ô tô, xe máy thản nhiên dừng đỗ mua hàng, tiềm ẩn nguy cơ va chạm.
Một yếu tố khác cũng đang khiến đại lộ Chu Văn An trở nên hỗn loạn, đó là không ít bãi trông giữ xe xung quanh cổng bệnh viện K Tân Triều “mọc” lên bất hợp pháp. Mặc dù có biển cấm dừng xe, nhưng hàng chục ô tô vẫn xếp hàng dài dưới lòng đường đại lộ.
Thậm chí, vé gửi xe nơi đây cũng cao hơn so với quy định, không có bảng giá niêm yết, theo ghi nhận của PV giá trông giữ xe nơi đây với xe máy là 10.000 đồng/xe ban ngày và ô tô có giá chung là 50.000 đồng/xe. Tình trạng “chặt chém” người nhà bệnh nhân đã diễn ra từ lâu nhưng chưa thấy có cơ quan chức năng nào xử lý.
Theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15-12-2017 của UBND thành phố Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy tại địa bàn các quận là 5.000 đồng/lượt ban ngày và 8.000 đồng/lượt ban đêm; ô tô là 10.000 - 30.000 đồng/lượt tùy vị trí đường phố. Quy định này áp dụng từ ngày 1-1-2018.