Phong trào phân loại rác 3R tại Hà Nội đã bị lãng quên?
Được thực hiện từ năm 2006, nhưng đến nay, mô hình 3R (Reduce – giảm thiểu, Recycle – tái chế và Reuse – tái sử dụng) nhằm phân loại và xử lí rác thải gần như đã bị lãng quên tại Hà Nội.
Một dự án thiết thực góp phần bảo vệ môi trường
3R là tên của dự án phân loại rác tại nguồn do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn và được thực hiện từ năm 2006. Sau 3 năm triển khai, JICA đã chuyển giao toàn bộ dự án 3R cho công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội – URENCO.
Theo đánh giá, dự án 3R khi được triển khai tại Hà Nội bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan: giảm 30 – 40% lượng rác thải phải chôn lấp, có thể sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ nguồn rác đã phân loại, giúp tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường,…và đặc biệt, hiện tượng người dân vứt rác bừa bãi cũng giảm rõ rệt.
Video: Tìm hiểu về 3R và cách phân loại rác
Tuyên truyền rầm rộ… nhưng vẫn “chết yểu”
Đã từng có khoảng thời gian 3R được tuyên truyền rầm rộ qua các phương tiện truyền thông đại chúng, với clip cổ động phong trào phân loại rác cùng ca khúc “Những ngôi sao 3R” vô cùng quen thuộc đối với mọi người. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, mô hình xử lý rác 3R với mục tiêu giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải dường như chỉ còn tồn tại trong… ký ức của người dân.
Những thùng rác phân loại rác tại nguồn như thế này hiện nay không còn phát huy hiệu quả
Trên đường phố đặt hai loại thùng rác phân: thùng màu xanh (rác vô cơ) và thùng màu vàng (rác hữu cơ). Những hộ gia đình thuộc phạm vi thí điểm dự án sẽ được phát thêm một túi vải màu xanh dương để đựng rác thải tái chế như giấy báo, chai, lọ,… Vậy nhưng trên thực tế, người dân vẫn vứt rác lẫn lộn, không phân biệt hai loại thùng rác, công nhân thu m rác cũng đổ lẫn và thậm chí những người thiếu ý thức vẫn xả rác ra đầu ngõ, ra vỉa hè.
Chia sẻ về chiến dịch 3R, bà Nguyễn Thị Ngà (phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Chiến dịch 3R kết thúc từ lâu lắm rồi nhưng nhà tôi đến tận bây giờ vẫn phân loại rác như một thói quen vậy. Nhưng mà mỗi khi đổ rác thì họ lại đổ chung như cũ. Không biết có nhiều nhà thay đổi ý thức như nhà tôi không chứ cá nhân tôi thấy việc phân loại rác là rất có ích, cần phải duy trì chứ không nên bỏ.”
Các khu vực được cho là đầu nguồn thải rác lớn nhất như quán cóc, hàng rong hay chợ tạm,… dự án 3R vẫn phải “bó tay” bởi cơ chế xử phạt không hợp lí, thiếu tính răn đe và giáo dục hành vi. Về phía người dân, rất nhiều người cho rằng việc phân loại rác thải là phức tạp, mất thời gian hoặc vẫn giữ tâm lý “đó là việc của công nhân vệ sinh môi trường”.
Vì đâu nên nỗi?
Một trong những nguyên nhân chính dẫn dẫn đến việc phân loại rác không thể tiếp tục thực hiện được là thiếu sự đồng bộ và chỉ đạo từ các cấp các ngành.
Đại diện của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thừa nhận, việc dự án như 3R không thành công là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải.
Còn đại diện URENCO cho biết, công ty cũng thiếu kinh phí để thực hiện nên có tình trạng dự án 3R “chết yểu” như hiện nay.
Lối đi nào cho phân loại rác ở Việt Nam?
Năm 2016, Việt Nam đón nhận sự xuất hiện của trung tâm thương mai Aeon thuộc tập đoàn AEON, một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới tại Nhật Bản.
Cũng giống như nhiều trung tâm thương mại hiện đại khác, Aeon chú trọng khá cao vấn đề vệ sinh môi trường. Nhưng điều gây chú ý nhất cho nhiều khách hàng Việt khi tới đây mua sắm là những chiếc thùng rác thùng rác ba ngăn hiện đại.
Thùng rác phân loại tại trung tâm thương mại Aeon
Thay vì sử dụng các cụm từ chuyên môn như vô cơ, hữu cơ hay tái chế giống như các thùng rác 3R, hệ thống siêu thị này lại lựa chọn những tên gọi đơn giản hơn nhiều, như nhựa, giấy hay chai – lọ được ghi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Chị Mai Lan Phương (quận Long Biên, Hà Nội), một khách hàng tại Aeon Mall cho biết: “Tôi thường nhắc nhở các con vứt rác đúng chỗ quy định để giúp bảo vệ môi trường. Khi mua sắm tại đây, tôi thấy mô hình thùng rác như thế này là một ý tưởng tốt, ngay cả trẻ em cũng dễ dàng phân loại rác.”
Chính bởi tên gọi dễ hiểu, cùng với sắc màu rực rỡ bắt mắt, hình vẽ và cỡ chữ rõ ràng, những chiếc thùng rác này đã phát huy tối đa công dụng của mình. Khách hàng thường xuyên ghé tới AEON Mall hầu như không gặp quá nhiều rắc rối trong quá trình phân loại rác, dần dần họ đã tạo được cho mình thói quen “nhìn trước – thả sau”.
Hẳn chúng ta vẫn luôn tâm niệm câu nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, song “Gieo hành vi, gặt thói quen” cũng là một bài học “nằm lòng”. Ý thức quả đúng là thứ khó suy chuyển, nhưng những hành động nhỏ lặp lại liên tục vẫn có thể hình thành thói quen tốt và tạo nên sự thay đổi. Không hẳn dân Việt ta thiếu ý thức, có thể ý thức đó chưa được khơi gợi đúng cách. Và rất có thể sự đơn giản chính là chiếc chìa khóa cho bài toán phân loại rác ở Việt Nam.
Bùi Vân Anh – Nguyễn Ngọc Thảo Ly
Đa phượng tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận