"Danh tướng Phạm Kiệt - bản lĩnh và tài đức" qua những bức ảnh đen trắng
(Sóng Trẻ) - Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp tổ chức tuần triển lãm ảnh “Danh tướng Phạm Kiệt – Bản lĩnh và tài đức” tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của tướng Phạm Kiệt – một vị tướng tài đã dành cả cuộc đời cho cách mạng, tổ quốc và nhân dân.
Gần 300 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau đã khái quát lại cuộc đời Trung tướng Phạm Kiệt với những thăng trầm cùng cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, Nhật, Mỹ. Phần lớn các bức ảnh đều là ảnh đen trắng, miêu tả cuộc đời vị tướng Phạm Kiệt - từ những ngày ông chịu tù đày cực khổ ở nhà lao Buôn Ma Thuột mà vẫn lập kế hoạch giải thoát thành công cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Lê Tất Đắc, cho đến ngày ông cùng với đồng bào các dân tộc Ba Tơ thành lập Chính quyền Nhân dân, thành lập đoàn quân du kích Ba Tơ với lời thề quyết hy sinh vì tổ quốc.
Cuộc đời Trung tướng Phạm Kiệt qua gần 300 bức ảnh đen trắng
Những bức ảnh sinh động được kỳ công sưu tầm đã kể lại những câu chuyện thú vị về cuộc đời chiến đấu anh dũng mà trí tuệ của Trung tướng Phạm Kiệt để thế hệ sau này cùng được biết đến, noi gương. Câu chuyện lịch sử được kể lại trong căn phòng triển lãm 45 Tràng Tiền không hề khô khan mà ngược lại, rất ấm cúng, gần gũi, chân thực mà thiêng liêng. Từ những chi tiết nhỏ thú vị như nguồn gốc bí danh “Tê Đơ” của Tướng Phạm Kiệt; truyền thuyết “đi mây về gió”, “thoắt ẩn thoắt hiện” cùng con ngựa xích thố tiêu diệt kẻ thù của ông mà đồng bào các dân tộc các địa phương khu 5 truyền tụng; câu nói khẳng khái mà ông nói với các đồng chí mình: “Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại”…, cho tới những câu chuyện hào hùng như Chiến dịch 101 ngày đêm phòng thủ tại Nha Trang mà Tướng Phạm Kiệt là chỉ huy trưởng; về lời góp ý cho Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ mà chính Đại Tướng cũng phải thốt lên rằng: “Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế!…”; hay như phát kiến chủ trương biến các đồn biên phòng thành các trận địa phòng không vô cùng hiệu quả.
Khi tuổi cao, dù sức khỏe hạn chế do nhiều năm chịu tù đày khổ sai, tra tấn dã man, ông vẫn trèo đèo, lội suối, băng rừng đến thăm các đồn biên phòng tiền tiêu dọc biên giới. Ông thường nói: “Có đứa con nào tôi cho vào quân đội, ra chiến trận cả”, và các con ông cũng đều là những tên tuổi được tổ quốc ghi công, như chính truyền thống cách mạng của gia đình ông từ trước. Đó là tinh thần hết mình cho cách mạng mà cả đời ông gìn giữ.
Đưa con trai đến xem triển lãm về Tướng Phạm Kiệt, cô Hoàng Minh Ngọc chia sẻ: “Tôi đưa cháu đến đây để cho cháu biết đến một vị tướng tài của nước mình và hiểu thêm về lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc mình. Thấy cháu có vẻ rất hào hứng, ban tổ chức đã gửi tặng một cuốn sách và một đĩa DVD nói về Tướng Phạm Kiệt, chúng thật sự rất bổ ích”.
Em nhỏ được mẹ đưa đến xem triển lãm
Triển lãm đã khai mạc từ ngày 10/01 và kéo dài cho tới hết ngày 16/01/2014.
Trường Giang
Lớp Báo in K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận