Đào La Cả "gắn mác" Nhật Tâ
(Sóng trẻ) - Đào Nhật Tân là thương hiệu nổi tiếng trên đất Hà thành. Với những người “sành chơi” thì đào nơi đây có một nét riêng không lẫn với bất cứ địa phương nào. Nhưng từ khi diện tích đất trồng bị thu hồi, số lượng đào Nhật Tân giảm đi một phần rất lớn. Để đảm bảo lợi nhuận, nhiều chủ vườn đã mua đào Dương Nội, mang về “gắn mác” Nhật Tân.
Nhật Tân thiếu đất trồng đào, La Cả lên ngôi
Trước đây, diện tích trồng đào của Nhật Tân chừng 500 nghìn m2. Mỗi hộ trung bình trồng được hơn 1000 gốc đào mỗi vụ. Nhờ vậy, người trồng đào thu về hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng quá trình đô thị hóa đã khiến diện tích đất dần bị thu hẹp. Hiện tại, các hộ chỉ còn vài chục m2 đất để sử dụng. Nhiều người phải đem đào về nhà trồng trong chậu hoặc gửi họ hàng chăm sóc.
Diện tích đất trồng thu hẹp khiến số lượng đào giảm đáng kể
Đối với gia đình chị Liên (Lạc Long Quân – Tây Hồ), năm nay nhà chị có một dãy để trồng đào, ước tính khoảng hơn 70 gốc. Chị chia sẻ: “Trồng đào phải chăm bón, uốn nắn quanh năm. Trồng vài chục gốc không bõ công chăm sóc. Tính ra lãi chẳng được là bao. Chưa kể thời tiết thất thường có khi đào mất trắng. Nhiều người dân ở đây cũng không tha thiết trồng đào nữa mà chuyển sang trồng hoa cho thuê chụp ảnh”.
Cũng giống như gia đình chị Liên, còn rất nhiều hộ gia đình khác tại Nhật Tân lo lắng vì tương lai, diện tích đất không còn đủ để trồng đào.
Trong khi đó, suốt những tuần qua, làng trồng đào Tết La Cả (Dương Nội, Hà Đông) in đầy vết chân không phải của người chơi đào quất mà của hàng trăm lái buôn đào thế ở Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân (Hà Nội) tìm về… Họ phải tìm về ngôi làng này vì La Cả bỗng trở thành một vựa đào rộng tới hàng trăm héc-ta.
Chị Hồng, chủ một vườn đào có trên 200 gốc ở thôn Minh Quang hồ hởi:” Những năm trước phải đến áp Tết mới có khách đến hỏi mua. Thế nhưng năm nay, mới đầu tháng 11 Âm lịch, đã có rất nhiều người đến đặt mua đào với số lượng lớn”. Nói rồi, chị “khoe” gốc đào thế có giá gần chục triệu đồng được tỉa tót tỉ mỉ, nằm yên vị chờ khách hẹn quay lại để chở đi.
Mua đào La Cả “gắn mác” Nhật Tân
Nhu cầu mua đào Nhật Tân ngày một tăng cao. Thậm chí nhiều người không tiếc bỏ ra bạc triệu để mua một cây đào cổ. Trong khi đó, diện tích eo hẹp khiến nguồn cung không đủ. Nhiều chủ vườn Nhật Tân đã tìm ra giải pháp săn lùng đào được ươm tại các vườn đào quanh Hà Nội như Văn Giang (Hưng Yên), Từ Sơn (Bắc Ninh), Nam Trực (Nam Định) để mang về trà trộn… “Vựa đào” La Cả là nơi được các chủ vườn săn đón từ rất sớm bởi nguồn cung cấp dồi dào.
Chị Duyên – một chủ vườn đào tại Dương Nội dẫn chúng tôi đi ra vườn đào, nơi chỉ còn dăm bảy cây đào thế đã “đóng” chậu, xếp chen chúc một góc. Chị Duyên cho hay: “Do thiếu đất nên người Nhật Tân phải sang đây mua đào về bán. Các gốc đào đẹp thì “xuất” đi sang từ đầu tháng 10 rồi. Giá mỗi gốc từ 10 triệu đến 35 triệu. Còn vài cây tôi đang đánh nốt để chở sang bên đó. Thường họ hay mua trước Tết 3 tháng, đem về “mông má”, tỉa tót, tuốt lá, ép nụ là thành đào Nhật Tân, giá cả đội lên gấp 2,3 lần”.
Cây đào 11 năm tuổi chuẩn bị “xuất” sang Nhật Tân
Khi được hỏi lý do vì sao người tiêu dùng không phát hiện ra sự khác biệt, chú Viết, một người trồng đào lâu năm tại Dương Nội lý giải: “Không phải ai cũng biết phân biệt đào cổ Nhật Tân và đào xứ khác. Chỉ những người sành chơi đào mới có thể nhận ra dáng vẻ riêng. Đào Nhật Tân thường mỏng, có màu sắc rực rỡ, cành mập, hoa to, lâu tàn. Về độ tinh túy và sắc thắm của hoa, đào La Cả có thể chưa bằng Nhật Tân, nhưng không thua kém là mấy. Đào càng to, đẹp, cổ thụ và càng đắt tiền là càng có lắm khách mua”.
Lợi dụng điều này, nhiều thương lái đã nhập mua đào từ La Cả với giá thành rẻ về trồng. Sau một thời gian “hóa phép”, cây đào “nghễm nghệ” trở thành đào Nhật Tân. Nhờ đó, các chủ vườn vẫn thu được lợi nhuận từ việc trồng đào mà không cần mất nhiều thời gian chăm sóc và phụ thuộc diện tích đất.
Thúy Nga
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận