Đi xe buýt những điều “được và mất”
(Sóng Trẻ)- Hành trình trên mỗi chuyến xe buýt ẩn chứa khá nhiều điều bất ngờ, bạn có thể có những hành trang kinh nghiệm quý giá song cũng có thể đối mặt với nhiều vấn nạn trên xe. Bạn vẫn sẽ chọn đi xe buýt?
Những bài học
Bất cứ ai có nhu cầu sử dụng xe buýt đều có thể lên xe, trên xe tất cả đều được tôn trọng như nhau. Bạn rất dễ bắt gặp hình ảnh những sinh viên, thanh niên khỏe mạnh nhường ghế cho người già, trẻ em,phụ nữ mang thai và những người khuyết tật. Nài việc đó là quy định bắt buộc trên xe buýt,những hành động ấy còn xuất phát từ truyền thống yêu thương, tinh thần nhân ái của người Việt Nam. Món quà trao lại những nghĩa cử giản dị là những ánh mắt cảm ơn, lấp lánh nụ cười.
Bạn Nguyễn Thị Nhung (sinh viên năm nhất đại học Nại Thương) tâm sự: “Mình nhớ lần đầu tiên đi xe buýt, thấy các anh chị ai cũng sẵn lòng nhường ghế cho người già trẻ em…Vì vậy mặc dù chưa quen với xe buýt mình vẫn nhường ghế cho mọi người, thấy ai cũng tươi cười cảm ơn, vui lắm”.
Vào giờ cao điểm, ở mỗi trạm xe buýt, xuất hiện bóng dáng những chiếc áo xanh tình nguyện, không quản ngại nắng mưa giúp đỡ mọi người lên xuống xe thuận tiện, hướng dẫn giúp đỡ tận tâm để mọi người có những lộ trình thuận tiện nhất. Một góc nhìn về tuổi trẻ, thế hệ thanh niên Việt Nam nhiệt huyết,có ý chí và nhân cách đạo đức.
Hình ảnh thanh niên làm tình nguyện tại các trạm xe buýt
Những câu chuyện bông đùa trên mỗi chuyến xe cũng giúp chúng ta làm quen và nảy sinh những tình bạn mới. Xe buýt nghiễm nhiên trở thành cầu nối gắn kết mọi người.
Những nỗi lo thường trực…
Nếu một ngày tất cả những người sử dụng xe buýt quay sang sử dụng các phương tiện cá nhân, tình trạng tắc đường sẽ đáng sợ như thế nào? Khi bây giờ nó đã là một vấn đề nan giải. Đặc biệt, xe buýt giúp mọi người tiết kiệm một số tiền không nhỏ so với di chuyển trên các phương tiện khác trên cùng một lộ trình.
Số người sử dụng xe buýt ngày một đông trong khi số lượng xe buýt không thay đổi, nạn quá tải trên xe vào những giờ cao điểm xảy ra thường xuyên. Xe đông, chen chúc, chật chội chính là điểm yếu làm nảy sinh nhiều vấn đề trên xe.
Xe buýt chở quá số người quy định.
Thời gian gần đây, nạn trôm cắp trên xe buýt đang có xu hướng tăng, những kẻ móc túi ngày một tinh vi, hành động nhanh chóng. Hành khách biết có người móc túi quay lại kiểm tra, chúng chuyển ngay cho đồng bọn, một số kẻ liều lĩnh còn đe dọa… Vì vậy, nhiều người bị mất chẳng biết kêu ai, tự ý thức lo giữ gìn đồ đạc của mình.
Bạn Phạm Thị Ngũ Linh - sinh viên trường Cao đẳng du lịch kể: “Ngày học năm thứ nhất mình bị móc mất điện thoại, ví tiền, lúc đó sợ khóc suốt mấy ngày, sau này mọi người dặn dò đồ đạc phải khóa chặt bỏ trong túi, cầm túi cẩn thận, chứ đừng quên không khóa và tuyệt đối không nên để ở túi quần kẻo rồi mất mà không thể làm gì cả".
Trạm dừng xe buýt đông kín vào giờ cao điểm
Trên xe buýt đôi khi vẫn xuất hiện những lời nói tục tĩu, những hành vi cố tình động chạm vô văn hóa … làm xấu đi hình ảnh chiếc xe buýt. Những lời phát ngôn thiếu ý thức của một người gây ảnh hưởng và khó chịu cho nhiều người. Bạn Nguyễn Thị Nhài ( sinh viên năm cuối, đại học Thương Mại ) chia sẻ : “Hôm trước mình có việc đi xuống Mai Động, bắt xe 38 từ sớm nhưng xe đi đến bến đối diện siêu thị HC có một chị văng tục chửi bậy đòi đánh người, chú lái xe buộc phải đưa chị vào công an phường, điều này làm lỡ dở công việc của rất nhiều người”.
Đó chính là hai mặt của xe buýt. Không thể phủ nhận lợi ích mà xe buýt mang lại nhưng xe buýt vẫn tồn tại nhiều hạn chế đáng lo. Các cơ quan quản lý cần có những chính sách quản lý, hỗ trợ hiệu quả đối với loại hình phương tiện này. Quan trọng nhất là ý thức của mọi người, điều này không mới, không dễ thay đổi, hi vọng mọi người suy nghĩ và hành động tích cực để xe buýt làm tròn nhiệm vụ.
Cát Thy
Phát thanh k31