Điều quý giá “hơn mọi huân chương”
(Sóng Trẻ) - Với ông Nguyễn Thế Hiệp – ông chủ của khu trọ giá 15.000 đồng ở khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, người tử tế chính là huân chương cao quý nhất mà ông được trao tặng, trong suốt 70 năm cuộc đời. Và đằng sau tấm huân chương ấy là bao câu chuyện cảm động về tấm lòng "thương người" hơn cả "thương thân".
Chúng tôi tìm đến khu nhà trọ của ông Hiệp vào một buổi chiều tháng 12. Cả xóm trọ xôn xao, tất bật, nấu nướng, tắm giặt. Người ở trọ vừa thấy chúng tôi hỏi thăm, liền vui vẻ “tiết lộ”: “Cụ đang ở trên gác”. Lóng ngóng trèo lên những bậc thang cheo leo, hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp khác xa so với tưởng tượng ban đầu. Ông chủ Hiệp năm nay tuổi đã thất thập, song, cử chỉ vẫn nhanh nhẹn, tinh anh. Vừa cười nói với khách, ông vừa thoăn thoắt sắp xếp lại các giá treo đồ, để quần áo ướt và khô không bị lẫn lộn.
Hình ảnh ông chủ nhà trọ Nguyễn Thế Hiệp
Ông Hiệp, tên đầy đủ là Nguyễn Thế Hiệp. Nhưng ở khu này, người ta quen gọi là ông Hiệp “khùng” vì sự tốt bụng đến khó tin. Từ năm 2008, ông Hiệp bắt đầu mở một khu nhà trọ nằm trong con ngách nhỏ gần bệnh viện Nhi
Trung ương (Ngõ 879, đường La Thành, Hà Nội).
Khu nhà trọ của ông Hiệp có 43 phòng, phục vụ hơn 100 khách thuê, với mức giá 15.000 đồng/ngày-đêm cho phòng chung, và 70.000 đồng/ ngày-đêm cho phòng riêng. Mỗi phòng chung có thể ở từ 10 – 12 người.
Phòng trọ chỉ có giá 15,000 đồng nhưng sạch sẽ và đầy đủ
...thậm chí có cả ti vi và điều hòa
Điều đáng nói là dù thuê loại phòng nào, người ở trọ đều được sử dụng hoàn toàn miễn phí tất cả các tiện ích cơ bản, như: bếp ga, nồi xoong, bát đĩa, chăn chiếu, quạt, điều hòa, ti vi,… thậm chí cả Wifi để truy cập Internet. Trong câu chuyện chia sẻ cùng nhóm phóng viên, ông Hiệp đùa vui: “Các cháu có tìm thấy ở đâu nhà trọ mà ông chủ phục vụ từ cái tăm đến cốc nước đá như ở đây không?”
Người thuê trọ ở đây đa phần là dân ở xa, hoàn cảnh khó khăn, lại đang có con cái nằm viện, nên thiếu thốn đủ đường. Vì vậy, một nơi tá túc như khu trọ của ông Hiệp đã giúp họ bớt được phần nào lo toan trong cuộc sống.
Đối với một số trường hợp quá khó khăn, ông Hiệp chỉ thu 10.000 đồng/ngày-đêm, hoặc đôi khi là miễn phí. Như trường hợp anh Hoàng Văn Ngọt (Bảo Thắng, Lào Cai) có con là bé Hoàng Bảo An bị bệnh tim bẩm sinh đang trong cơn nguy kịch. Thấy hoàn cảnh éo le của anh Ngọt, ông Hiệp đã cho hai bố con ăn ở không lấy tiền suốt một thời gian dài.
Bên cạnh đó, ông Hiệp còn nhiệt tình giúp đỡ những người ở trọ về mặt thủ tục khám chữa bệnh. Thậm chí, với những trường hợp như anh Ngọt, ông đã trực tiếp đứng ra làm hồ sơ xin tài trợ, để người bệnh có cơ hội tiếp cận các chương trình khám chữa bệnh miễn phí.
Chuyện ông chủ cho người thuê vay tiền không cần ghi sổ nợ, giúp đỡ phương tiện đi lại đã là việc thường ngày ở xóm trọ này. Thế nên có những người gắn bó với khu trọ của ông Hiệp đến hàng năm trời, vì “không ở đây, thì chả ở đâu được nữa”.
Em Đỗ Bạch Dương (Thanh Ba, Phú Thọ) và bố của mình đã ở trọ nhà ông Hiệp được gần 2 năm. Dương 14 tuổi nhưng chỉ mang dáng vóc của một học sinh tiểu học. Căn bệnh suy thận không chỉ khiến cô bé gầy nhẳng, xanh xao, mà nó còn là gánh nặng đè lên đôi vai người làm cha, làm mẹ.
Em Đỗ Bạch Dương
Hiện tại, mặc dù Dương không còn điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hai bố con vẫn tiếp tục tá túc tại đây. Mỗi tuần ba lần chạy thận, anh Tuấn phải mất thêm tiền thuê xe để đưa con đi. Tốn một khoản cho việc đi lại, nhưng anh chia sẻ: “Nếu chuyển trọ, chi phí ăn ở cao hơn, có lẽ gia đình không kham nổi.”
Ông Hiệp quan tâm và hết lòng giúp đỡ người ở trọ
Là chủ của một khu nhà trọ rộng, nhưng ông Hiệp chỉ ở trong căn phòng khiêm tốn, vỏn vẹn gần 6m2 và ở trên tầng cao nhất. Có lần, giữa đêm người ta đến thuê trọ, mà phòng đã hết, ông lại nhường cả phòng mình cho họ rồi lên kho ngủ. Nghe được những câu chuyện như vậy, người thì bảo ông “thương người” hơn cả “thương thân”, người lại bảo ông bị “khùng”.
Lòng tốt của ông Hiệp cũng không tránh khỏi sự đa nghi của người đời. Để tăng độ tin cậy, ông Hiệp phải in và treo các bài báo viết về khu trọ.
Những bài báo ông Hiệp treo để "làm tin"
Dù bận rộn “luôn tay luôn chân” suốt cả ngày, ông Hiệp vẫn dành tới 2 tiếng đồng hồ để trò chuyện với nhóm phóng viên. Ông bảo mình nhiệt tình với các cơ quan, đơn vị truyền thông không vì sự nổi tiếng của bản thân. Dân ta trước nay thường quan niệm “Của rẻ là của ôi”, ông Hiệp chỉ mong "người ta đọc báo, nghe đài, sẽ thêm tin tưởng lòng tốt của ông, và tìm đến khi cần giúp đỡ. Đối với người lính năm nào, “được xã hội công nhận việc làm tử tế là điều còn quý hơn mọi huân chương trên đời”.
Thu Hà – Thanh Thanh
Cùng chuyên mục
Bình luận