Đinh Tiến Dũng: “Tôi không muốn dùng nỗi đau để gây cười trong kịch bản Táo quân”

(Sóng trẻ) - Nhắc tới Đinh Tiến Dũng, người ta nghĩ ngay về những điều mới, lạ, độc. Tuy nhiên anh cũng có những nguyên tắc riêng để giữ cho những tác phẩm của mình hài hòa giữa tính giải trí và tính nhân văn. Nói cách khác, đó là sự sáng tạo nằm trong khuôn khổ.

9h sáng ngày 25/10 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với anh Đinh Tiến Dũng, hiện là Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT, còn được biết đến bằng cái tên Giáo sư Xoay. Chương trình do trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức với chủ đề “Giáo sư Cù Trọng Xoay: Từ chàng sinh viên nông nghiệp đến người viết kịch bản”, đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo độc giả.

Tại buổi giao lưu, anh đã có những chia sẻ về chặng đường sự nghiệp nhiều ngã rẽ của mình cũng như sự băn khoăn, trăn trở trong nghề biên kịch, đặc biệt khi tham gia viết kịch bản cho Táo quân. 

Thi vào nông nghiệp vì có sân khấu hoành tráng

Đinh Tiến Dũng có xuất phát điểm không phải từ nghệ thuật. Anh là sinh viên khóa 44 chuyên ngành Cây trồng của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp).

Chia sẻ về lý do chọn học tại ngôi trường này, Đinh Tiến Dũng kể: “Thực ra lựa chọn này xuất phát từ phía gia đình là chủ yếu. Khi còn học cấp III tại tỉnh Nam Định, tôi đã được bố mẹ định hướng lựa chọn nghề nghiệp với ưu tiên hàng đầu là Đại học Y. Nhưng trong quá trình ôn thi giáo viên lại gợi ý cho tôi con đường khác là nông nghiệp. Sau đó tôi thi đỗ cả hai trường: Đại học Y Thái bình và Đại học Nông nghiệp. Quyết định chọn theo nông nghiệp của tôi thời điểm đó cũng xuất phát một phần vì sân khấu nài trời của Đại học Nông nghiệp hoành tráng quá”.

4f66741da_44824240_341291793286889_5890405624780423168_n.jpg

Đinh Tiến Dũng chia sẻ về sự nghiệp nhiều ngã rẽ của mình tại buổi giao lưu

Không ít người tò mò về công việc hiện tại của “Giáo sư” nếu như anh tiếp tục theo đúng chuyên ngành đã học tại Học viện Nông nghiệp, bởi thật khó hình dung với vẻ nài đậm chất nghệ sỹ như thế anh lại làm công việc nào khác nài nghệ thuật. Đinh Tiến Dũng cười: “Tôi sẽ trở thành kỹ sư cây trồng. Bộ môn tôi yêu thích là Trồng hoa vì tôi muốn mình lãng mạn, sẽ được nhiều cô gái để ý hơn. Nếu theo ngành nông nghiệp thì có thể bây giờ tôi đang làm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên tôi nghĩ mình đừng làm nông nghiệp thì tốt hơn”.

Bốn năm suy nghĩ mới dám nhận vai Giáo sư Xoay

Nhiều người cho rằng việc cái tên Đinh Tiến Dũng bất chợt nổi tiếng bằng một vai diễn duy nhất trong sự nghiệp (Giáo sư Cù Trọng Xoay) là sự may mắn. Đinh Tiến Dũng cũng từ tốn đáp lại rằng đúng là mình “ăn may” thật, vì kinh nghiệm diễn không nhiều mà lại nhận được sự giúp đỡ của các tiền bối trong nghề và sự yêu mến của khán giả.

Tuy nhiên nếu biết rằng anh đã mất 4 năm suy nghĩ rồi mới dám nhận lời đóng vai này, và 4 năm đó cũng bao gồm cả  sự kiên nhẫn chờ đợi của đạo diễn Đỗ Thanh Hải thì có lẽ ai cũng phải công nhận may mắn không còn quá quan trọng nữa.

Nói về cơ duyên đến với vai diễn có thể xem là để đời của mình, Đinh Tiến Dũng chia sẻ: “Năm 2007, trong một hội diễn, tôi được giao vai giáo sư trong bộ truyện Harry Potter - một người tinh thông mọi phép thuật. Sau lần đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải liên hệ với tôi, đại ý hỏi rằng tôi có muốn mang tiếp hình tượng giáo sư như vậy lên format truyền hình không. Lúc đó tôi xin anh cho suy nghĩ một đêm, hết một đêm tôi vẫn chưa dám chắc chắn nên lại xin lùi thời gian.... Bẵng đi 3-4 năm, anh hỏi lại một lần nữa và tôi khi ấy mới trả lời dứt khoát: “Ok, đủ rồi”, và nhận vai”. 

4f66741da_i_3753.jpg

Đinh Tiến Dũng không ngại ngần thừa nhận thành công từ vai Giáo sư Xoay của mình là sự "ăn may"

Chương trình Hỏi xoáy đáp xoay với những đoạn tung hứng ăn ý và hài hước giữa Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Xoay) và NSƯT Xuân Bắc (MC Trần Xoáy) thời đó đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả. Nhưng Đinh Tiến Dũng lại không chọn đi tiếp con đường diễn viên hài mà chuyển sang công việc biên kịch. Anh giải thích: “Đối với ngành giải trí bạn chỉ thấy được phần nổi là cái hào nhoáng, còn phần chìm là sự khổ luyện. Thành công qua một vai diễn như vậy theo tôi là sự ăn may. Cái tôi làm tốt hơn là viết kịch bản, công việc này bình yên hơn là một công việc không chuyên nhiều mạo hiểm như diễn viên. 

Khi tôi đóng vai Giáo sư Xoay, vì là diễn viên mới nên tôi có cách thể hiện nhân vật cũng mới. Có lúc tôi diễn được 8-9 điểm, khi lại chỉ có 3-4 điểm. Trong khi đó người nghệ sĩ chuyên nghiệp phải biết cân bằng cảm xúc, tức là luôn cố gắng phấn đấu để đạt 7 điểm trở lên. Tôi cho rằng mình không giỏi việc này lắm nên vẫn chọn biên kịch”.

Cho đến tận bây giờ cái tên Đinh Tiến Dũng vẫn thường được gọi kèm theo biệt danh “Giáo sư Cù Trọng Xoay” như một sự ghi nhận về thành công của anh khi thủ vai này. Tuy nhiên đó không phải biệt danh mà anh thích nhất mà là một cái tên thoạt nghe có vẻ hơi thiếu… thiện cảm: “Dũng đê tiện”.

Anh giải thích: “Thực ra những cái tên "Dũng đê tiện", "Dũng đại tiện", "Dũng đẹp trai" có nguồn gốc từ truyền thống đặt biệt danh  ở công ty tôi (Tập đoàn FPT – Ban biên tập). Chẳng hạn anh Trần Chí Hiếu có tên viết tắt là "Hiếu TC" sẽ có biệt danh "Hiếu tụt quần". Tôi là Đinh Tiến Dũng, viết tắt Dũng DT, từ đó chữ DT được suy ra nhiều nghĩa như các bạn đã thấy.

Tôi thích "Dũng đê tiện" nhiều hơn vì khi tự đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác thì bạn sẽ chẳng có áp lực gì cả,. Còn nếu ở đỉnh cao thì sẽ có rất nhiều gánh nặng, nhiều khuôn khổ mà bạn không được vượt qua. Hình tượng Giáo sư Xoay được xây dựng như một  con người uyên bác, còn hình tượng "Dũng đê tiện" thì thoải mái, dân dã hơn”.

Sáng tạo cũng cần có nguyên tắc

Đinh Tiến Dũng bắt đầu viết kịch bản từ rất sớm. Ngay từ năm lớp 11, 12 anh đã có thể kiếm ra tiền từ công việc này và tiếp tục duy trì nó khi lên đại học. Anh chia sẻ: “Đôi lúc ngồi nghĩ lại tôi thấy việc mình đến với nghề biên kịch như một giấc mơ có chút hão huyền. Hồi xưa khi thấy các nghệ sĩ lão làng như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Tự Long, Xuân Bắc,... trên TV, tôi ao ước được gặp họ một lần. Khi chia sẻ mong muốn đó với bạn bè, tôi bị chê cười vì họ cho rằng tôi học nông nghiệp, làm sao có cơ hội gặp được những ngôi sao sân khấu. Nhưng tôi không từ bỏ và vẫn nuôi hy vọng. Khi lên đại học, tôi vào đội kịch rồi dần dần được gặp hết những người mà mình từng ao ước, thậm chí còn được diễn cùng sân khấu với họ. Mọi người thường coi nhẹ ước mơ vì nghĩ không thể đạt được nhưng nếu cố gắng, bạn sẽ chạm được đến nó”.

Táo quân vẫn là dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp biên kịch của Đinh Tiến Dũng. Hiếm có một chương trình nào xuất phát ban đầu chỉ là chương trình giải trí mà sau đó lại trở thành bản tổng kết đặc biệt cho cả một năm đậm tính thời sự - xã hội. Điều đó đòi hỏi ở người biên kịch phải nắm được hơi thở của cuộc sống biến động hằng ngày, dùng nó làm chất liệu để tạo nên những tình huống vừa gây cười vừa khiến người xem phải suy ngẫm.

Tuy nhiên không ít trường hợp người biên kịch rơi vào tình huống trớ trêu: lựa chọn giữa việc đem lại tiếng cười cho số đông khán giả hay tôn trọng nỗi đau của số ít nạn nhân? Đặc biệt với một chương trình khai thác nhiều vào các điểm nóng, các bức xúc của xã hội như Táo quân, vấn đề này càng xuất hiện nhiều và càng khó để dung hòa được.

Đinh Tiến Dũng khẳng định quan điểm của mình rất rõ ràng: không lấy nỗi đau của người khác để đem ra mổ xẻ, gây cười. Anh nói: ‘Đương nhiên phải có sai phạm, mất mát như tai nạn giao thông, tắc đường, sự cố y tế thì mới có Táo quân. Nhưng những mất mát đó tôi không đưa vào kịch bản vì có thể nó đem lại tiếng cười cho cả triệu người nhưng với gia đình nạn nhân thì không. Tôi quan niệm cuối năm là lúc vui vẻ, chúng ta không nên đi sâu vào đau thương của người khác. Vì thế tôi chỉ chọn những vấn đề vui vẻ, lạc quan để viết kịch bản Táo quân”.

Theo anh, điều quan trọng nhất để viết được một kịch bản tốt là phải duy trì được nguyên vẹn cái hồn của ý tưởng từ đầu đến cuối. “Kịch bản được tạo ra từ một ý tứ nào đấy, có thể là một ý tứ rất hay nhưng nếu bạn không đủ kiên nhẫn để duy trì cái hay ấy từ đầu đến cuối thì đó sẽ là một kịch bản đầu voi đuôi chuột. Điều quan trọng là phải vượt qua sự nhàm chán. Ý tưởng có thể nảy sinh rất nhanh còn để làm ra sản phẩm thì vất vả hơn nhiều, đó là cả quá trình dài. Một công ty phát triển được là nhờ những nhân viên biết vượt qua sự nhàm chán”, anh chia sẻ.

Sự thành công của Đinh Tiến Dũng có một phần rất lớn nhờ tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Anh không chỉ học từ những người làm công việc biên kịch mà còn học từ “những người thầy không chính danh” như các đạo diễn (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải), diễn viên (NSƯT Chí Trung), thậm chí cả khán giả. Anh dí dỏm: “Tôi thường nói với sinh viên và nhân viên của mình là thế giới có một quỹ dốt, mỗi ngày hỏi một câu thì nhân loại sẽ đỡ dốt đi một chút. Phải luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, cởi mở với cái mới”.

Ở con người Đinh Tiến Dũng tổng hòa nhiều yếu tố thú vị: vừa hiểu biết rộng về xã hội lại vừa có thừa sự hài hước, vừa sáng tạo vừa nguyên tắc, vừa tự do bay bổng lại vừa trầm lắng sâu sắc - một màu sắc lạ và hiếm trong giới truyền hình Việt Nam.
 
BBT Sóng Trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN