Độc đáo công nghệ “cầu thang máy” đưa cá xuống sông Hồng
(Sóng trẻ) - Sáng tạo, nhiệt tình, ý nghĩa... là những gì mà người dân dùng để nói về hoạt động của nhóm “Cá chép” – nhóm tình nguyện viên giúp người dân thả cá và thu m rác thải trên cầu Long Biên nhân dịp tiễn ông Công ông Táo về trời. Năm nay, chỉ với một chiếc thùng nhựa và dây thừng, cá được “đi thang máy” xuống mặt nước thay vì phải lao từ trên cầu xuống như mọi năm.
Nhóm “Cá chép” được thành lập từ năm 2014, đến nay đã được 5 năm hoạt động. Với số lượng hơn 100 tình nguyện viên, số lượng rác thải dịp tết ông Công ông Táo năm nay đã được kiểm soát đáng kể, không còn hiện tượng trên cầu ngập túi nilong như những năm trước.
Bắt đầu túc trực trên cầu từ 19 tháng Chạp để tuyên truyền cho người dân. Đến ngày 23 tháng Chạp, nhiều người đổ về cầu Long Biên để phóng sinh, các tình nguyện viên phải hoạt động hết công suất để thu m và xử lý rác thải.
Rác thải chủ yếu là túi ni lông và đồ thờ cúng được gia chủ mang đến. Tại đây, túi ni lông được các bạn trẻ giữ lại. Còn đồ thờ cúng như chân nhang, ban thờ... được buộc dây và thả xuống dưới chân cầu để tiêu hủy. Rác thải sau đó được đưa đi tập kết và chờ xử lý.
Đặc biệt, phát minh “cầu thang máy” giúp người dân thả cá vừa nhanh, lại vừa tránh cá chết. Với 2 sợi dây thừng được thiết kế như ròng rọc, một đầu buộc vào thành cầu, đầu còn lại buộc vào xô. Gần đến mặt nước, xô lật lại, cá được tiếp nước “an toàn”. Anh Trịnh Gia Bảo (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy cách thả cá này rất là tiện và nó có ích, nên mình luôn ủng hộ hết mình”
Trưa 23 là thời điểm mà người dân đến thả cá đông nhất. Tuy nhiên, các tình nguyện viên đều có mặt ở đây từ 8h sáng đến lúc tối muộn hoặc cho đến khi hoàn thành công việc. Do khối lượng công việc nhiều, cùng với không phải ngày nghỉ, nên các tình nguyện viên vẫn phải đổi ca cho nhau để đảm bảo việc học. Nài các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên tại các trường THPT, đại học, thì còn có sự tham gia của người dân quanh khu vực. Anh Nguyễn Hùng Cường (Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) cho biết: “Mình rảnh lúc nào thì tôi chạy qua giúp các bạn thôi” .
Bạn Nguyễn Huyền Trang (lớp 11 trường Chu Văn An) lần đầu tiên tham gia tình nguyện chia sẻ: “Em thấy hoạt động này rất ý nghĩa. Bởi vì như mọi năm em đi qua thấy trên thành cầu cũng như trên những nắp cống buộc rất nhiều túi ni lông. Tết ông Công ông Táo là một phong tục đẹp nhưng vì rác thải mà nó bị biến tướng, thậm chí trở thành phản cảm. Bởi vậy năm nay em tham gia tình nguyện với mong muốn đóng góp một chút sức lực của mình để giữ vệ sinh môi trường. Em mong rằng ý thức của người dân sẽ ngày được nâng cao hơn nữa”.
Theo khảo sát của phóng viên, đa số người dân đến thả cá đều ủng hộ hoạt động của nhóm và mong muốn trong những năm tới, nhóm sẽ tiếp tục những hoạt động ý nghĩa này, trên phạm vi lớn hơn.
Bạn Đỗ Phương Loan, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Năm nay người dân đến đây đều ủng hộ hoạt động của nhóm rất nhiều. Vì đã nhóm đã hoạt động khoảng 5 năm rồi nên có những cô bác đến nơi thì đưa luôn cá cho nhóm thả giúp, chứ nhóm không cần thuyết phục hay giải thích gì cả. Phải gọi là các cô bác đã quá quen với công việc của nhóm rồi. Điều đó làm bọn mình cảm thấy rất vui và cũng lấy đó làm động lực để tiếp tục chiến dịch trong những năm tới”
Điểm mới trong hoạt động của nhóm so với mọi năm là tập trung đẩy mạnh truyền thông. Bắt đầu chiến dịch từ cuối tháng 9 với các hoạt động truyền thông như du ca trên phố đi bộ, sử dụng các inphograpic, bộ tranh truyền thông “Ám ảnh”, kêu gọi trên fanpage... Đến sát chiến dịch, hoạt động đạp xe tuyên truyền đã được diễn ra dọc các tuyến phố tại Hà Nội với thông điệp “thả cá đừng thả túi ni lông”. Nhờ đó, cầu Long Biên trong tết ông Công ông Táo năm nay đã không còn trong cảnh “ngộp thở” vì túi ni lông.
Thùy Trang
Cùng chuyên mục
Bình luận