Đổi thay ở Hang Kia, Pà Cò: Tuyên chiến với cây anh túc (Bài 1)

(Sóng trẻ) - Trở lại hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) sau 23 năm khi tỉnh thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện, tận mắt chứng kiến những đổi thay nơi đây, chúng tôi hiểu hơn về công sức của những người lính Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hòa Bình. Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò chia sẻ: Bây giờ cuộc sống người dân đã đỡ khó khăn hơn trước kia, nhiều gia đình trở nên giàu có, đời sống tinh thần phong phú, con em đều được đến trường... và địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện. Trong tình cảm của người dân Pà Cò những “chú bộ đội tỉnh” làm công tác dân vận, theo lời Bác làm “đội quân công tác” đã trở thành những người con, người anh, người em, người bạn thân thiết của mỗi gia đình nơi đây.

Từ thành phố Hà Nội ngược lên huyện vùng cao Mai Châu bây giờ nhanh thật, xe bon chỉ mất có 4 giờ đồng hồ. Cũng phải thôi, khi hệ thống đường xá giao thông được quan tâm đầu tư, tất yếu việc đi lại của con người sẽ thuận lợi, nhanh và an toàn hơn.
 
Mùa hạ về. Những tưởng thị trấn Mai Châu đang khoác trên mình chiếc áo xanh mướt. Trước mắt chúng tôi là khung cảnh một thị trấn “phố núi” đẹp và thơ mộng quá. Đêm về lung linh ánh điện, còn ban ngày thì nhộn nhịp chợ búa, người người đi lại. Khách ta, khách tây từ nhiều nước đến đây có cả. 

"Phố núi” Mai Châu không ồn ào, mà cứ chầm chậm người người dạo bước chiêm ngưỡng cảnh vật, mua sắm, thưởng thức đủ loại ẩm thực đặc sản vùng cao. Thượng tá Hà Văn Du, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Mai Châu chia sẻ rằng, vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển du lịch ở đây rất mạnh. Lượng du khách đến đây ngày một đông, mùa hè thì bình thường thôi, chứ mùa đông luôn tăng đột biến, có ngày “cháy” cả phòng nghỉ, nhất là cuối tuần và dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc. 

Đồng nghĩa với đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc nên như nấm, đủ loại, từ hạng sang đến bình dân. Bộ mặt thị trấn huyện Mai Châu vì thế mà thay đổi rõ rệt. Hiện ngành du lịch, dịch vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển, tạo lập các mô hình truyền thống như: Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của từng dân tộc gắn với các hoạt động dịch vụ, du lịch; quảng bá rộng rãi những địa chỉ phong cảnh tự nhiên, nét văn hóa đặc trưng làng, bản các anh tộc anh em...  

Con đường liên xã bây giờ đã khác hẳn vài năm trước, mở rộng ra nhiều và hoàn toàn được bê tông hóa. Đường thoáng, chiếc xe chở chúng tôi cứ bon bon chạy, nghe rõ cả tiếng lốp bám riết mặt đường. Dọc hai bên, những ngôi nhà mọc dày hơn trước, điểm tô nổi bật bởi những ngôi nhà kiểu cách mới, hiện đại. Thượng tá Hà Văn Du kể, hơn 20 trước (năm 1992), sau vài năm công tác ở đơn vị chủ lực, cấp trên điều anh về Ban CHQS huyện Mai Châu nhận nhiệm vụ mới. Lúc đó đội ngũ cán bộ chính trị trong lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình còn thiếu khá nhiều, nên đưa anh về đây công tác cũng là để tăng cường cán bộ trẻ cho cơ quan quân sự địa phương. 

Mặt khác, anh là người con của đồng bào Thái chiếm đa số ở Mai Châu, nên sự “ưu ái” này của cấp trên cũng giúp anh thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình công tác. “Đúng là không có gì thuận lợi hơn khi tôi được về công tác ngay trên chính quê hương mình. Từ ngôn ngữ cho đến đời sống, nét văn hóa của đồng bào… tôi không bị thứ gì ngáng trở khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi được cơ quan giao bám nắm công tác quân sự, quốc phòng ở địa bàn các xã còn nhiều khó khăn, phức tạp”- anh Du trải lòng.

Vậy là hôm nay tôi mới biết anh Du gắn bó nghiệp binh trên chính mảnh đất quê hương mình đã gần tròn 25 năm rồi. Không những thế, anh còn có 16 năm kinh nghiệm về công tác chính trị Ban chỉ huy quân sự huyện Mai Châu. Chẳng thế mà, trong “đội quân công tác” của LLVT huyện từ khi anh được điều về Mai Châu đến nay vẫn còn đọng lại biết bao kỷ niệm. Đó là thời điểm năm 1992, là trợ lý cơ quan chính trị, anh Du được phân công cùng anh em cơ quan về hai xã Pà Cò và Hang Kia làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con dân bản nhổ bỏ cây thuốc phiện để trồng cây lương thực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. 

Anh kể rằng, việc làm này của các anh thời điểm đó gian truân lắm, có phải làm vài ngày, vài tuần hay vài tháng là xong đâu. Hai xã có đến 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế hết sức khó khăn do bà con lúc đó còn chưa biết trồng lúa nước, lại nhiều hủ tục trong đời sống như ma chay, cưới xin, chữa bệnh bằng cúng bái. Người Mông hầu hết đều không sử dụng được tiếng Kinh nên việc tiếp xúc, gặp gỡ bà con để tuyên truyền vận động càng khó khăn. 

Đặc biệt, cây anh túc đã gắn bó bao đời nay với bà con, vừa đem lại cái ăn, vừa là thứ sinh hoạt thường dùng ở mỗi gia đình, nhất là cánh đàn ông. Bởi thế, khi các anh đến tuyên truyền vận động, không chỉ là giải thích cho họ hiểu, mà phải “vừa nói, vừa làm”; nghĩa là thấy chủ hộ gia đình nào “xuôi tai” rồi thì phải nhanh chóng cùng họ đến tận nơi đang có cây anh túc mà nhổ, sau đó cùng họ gieo trồng ngay ngô nương, lúa nương… 

1e0b9006c_mai_chau_tro_chuyen_voi_thanh_nien_xa_hang_kia.jpg

Thượng tá Hà Văn Du, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mai Châu trò chuyện với thanh niên xã Hang Kia

Sau vài năm, việc xóa bỏ hoàn toàn một loài cây đã giết hại biết bao cuộc đời con người, ru ngủ biết bao thế hệ đồng bào người Mông ở Pà Cò và Hang Kia cuối cùng cũng thành công. Chiến công thầm lặng này của bộ đội huyện đã được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao, còn với anh Du, điều quan trọng nhất sau chuyến tham gia “đội quân công tác”, các anh đã xây dựng được niềm tin về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con người Mông ở hai xã nói trên.

Đang mải nghe người cán bộ “bản xứ”- Chính trị viên Hà Văn Du ôn lại ký ức về một thời “xa lắc”, chúng tôi bị cắt ngang câu chuyện bởi Trung tá Quách Văn Quang, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đi cùng hỏi xen vào:

- Bác Lứ còn ở đây hay gia đình đã chuyển lên thị trấn rồi anh Du?

- Còn chú ạ, nhà bác vẫn ở gần trụ sở ủy ban xã. Kia kìa.

Vậy là chúng tôi đã tới trung tâm xã Pà Cò, còn cách xã Hang Kia khoảng 7 cây số nữa…

Chưa rõ bác Lứ là ai thì tôi lại được biết câu chuyện “có một không hai” của anh Quang cách đây ngót 20 năm, khi anh đang là một sĩ quan trẻ vừa ra trường, công tác ở Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3).

Thời điểm đó, phương châm “3 gặp, 4 biết” trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong cả nước vẫn hoàn toàn do đơn vị nhận quân thực hiện. Hằng năm Trung đoàn 2 được trên giao chỉ tiêu lấy quân ở huyện Mai Châu (Hòa Bình), trực tiếp là xã Pà Cò. Là cán bộ chính trị ở đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hơn nữa đại đội của anh Quang cũng chính là đơn vị được giao sau này sẽ tiếp nhận và huấn luyện toàn bộ số chiến sĩ mới là thanh niên ở xã Pà Cò nhập ngũ. 

Trong một lần anh về xã Pà Cò phối hợp với cơ quan quân sự địa phương thực hiện nhiệm vụ “3 gặp, 4 biết” ở các gia đình thanh niên, không ngờ anh đã bị một phen “muối mặt”. Chuyện là khi anh cùng với cán bộ quân sự xã Pà Cò đến một gia đình thanh niên ở bản Pà Háng Con trong diện nguồn sẵn sàng nhập ngũ của xã thì gặp vị chủ nhà là bố của thanh niên này. Sau khi chào hỏi, trình bày lý do, anh Quang lễ phép đưa cho ông xem tờ giấy giới thiệu của đơn vị. 

Giữa chủ và khách đang vui vẻ thì bất ngờ mặt ông chuyển sắc rồi buông những lời lẽ trách mắng anh như “tát nước đổ đi”. Ông cho rằng anh đã có hành động bất nhã, coi thường ông. Lý do ngay sau đó mà anh Quang biết được, đó là do mình vô tình đưa tờ giấy giới thiệu để ông cầm ngược. Nghĩ rằng người cán bộ trẻ coi thường ông không biết chữ nên ông mới xử sự như vậy. Tuy nhiên, rất may anh cán bộ quân sự xã đi cùng đã kịp thời giải thích để ông hiểu. Bác chủ nhà không những bỏ qua, vui vẻ trở lại mà còn mời cả hai vị khách ở lại với gia đình mổ gà thiết đãi. Chầu rượu “sửa sai” hôm đó đọng mãi trong anh Quang cho đến hôm nay. 

Vị cán bộ quân sự xã ngày ấy chính là bác Lứ- Sùng A Lứ mà anh Quang vừa nhắc đến, và sau này ông đã phát triển lên làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Mai Châu rồi nghỉ hưu. Còn cậu con trai bác chủ nhà người Mông “nóng tính” năm nào trước khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã được kết nạp Đảng tại Đảng bộ Trung đoàn 2, Sư đoàn 395.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: Phạm Văn Quyết
Lớp Báo in k37 - Bộ Quốc phòng

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN