Đón năm Gà – rộn ràng triển lãm
(Sóng Trẻ) - Đón mừng năm mới Đinh Dậu 2017, hàng loạt triển lãm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hình ảnh Gà ra mắt công chúng.
Triển lãm tranh “Kê Ke” của Hà Hoàng (6/1 – 6/2 tại Ke Quán - 81B Xuân Diệu)
Triển lãm do họa sĩ Hà Hoàng tổ chức xuất phát từ lòng yêu mến loài Gà. Với màu sắc tươi vui, khỏe khoắn, “Kê Ke” tập hợp những hình ảnh về Gà trong sắc xuân phơi phới, dáng điệu uyển chuyển, linh hoạt và không kém phần oai phong.
Triển lãm Gà với cái tên rất lạ “Kê Ke”
Triển lãm tranh Xuân lần thứ 5 (19/1 – 26/1 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền)
Triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam mừng ngày thành lập Đảng và đón chào một năm mới an khang thịnh vượng. Triển lãm quy tụ khoảng 200 tác phẩm lấy cảm hứng từ nhựa sống mùa xuân. Đặc biệt nhấn mạnh hình tượng Gà thân thuộc, dũng mãnh, đằm thắm, triển lãm cho người xem thấy những góc nhìn mới khi tiếp cận một hình mẫu đã quá quen trong cuộc sống nhưng khi đưa vào nghệ thuật, đã thăng hoa trở thành nét đặc sắc riêng biệt.
Những tác phẩm lấy cảm hứng từ Gà muôn hình muôn vẻ
Triển lãm Gà của họa sĩ Thành Chương (20/1 – 25/1 tại Hanoi Creative City - số 1 Lương Yên)
Được biết tới là một trong những họa sĩ “cổ thụ” của Mỹ thuật Việt Nam, qua triển lãm này, người xem còn biết tới một nghệ danh khác của ông – “nhà thiết kế Gà”. Khoảng 60 bức tranh với chất liệu bột màu, sơn mài, sơn dầu trùng điệp từ bút pháp hiện thực đến trừu tượng, từ đồ họa trang trí đến lập thể, từ chi tiết đến khái quát trừu tượng, họa sĩ Thành Chương đã thành công tái hiện cuộc sống con người đa sắc màu dưới lăng kính của cuộc sống loài gà.
Tình cảm yêu thương đằm thắm
Khối hình trừu tượng ẩn chứa triết lý sâu xa
Triển lãm “Dậu Dome” của nhóm họa sĩ G39 Hà Nội (13/1 – 23/1 tại số 1 Hàng Da)
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, nhóm họa sĩ G39 tổ chức triển lãm lấy chủ đề 12 con giáp mừng xuân năm mới. Năm 2017, nhóm lấy hình mẫu Gà làm trung tâm với khoảng 60 tác phẩm đa dạng về hình thức nghệ thuật và nội dung truyền đạt. Tiếp nối truyền thống của tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, nhóm họa sĩ G39 đã thổi sức sống mới cho tranh Gà hiện đại. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, mực tàu trên toan, giấy báo, giấy dó, lụa… nài ra còn có gốm có men và gốm không men.
Những bức tranh Gà trong không gian sắp đặt gần gũi với đời sống thường ngày
Hình ảnh Gà được tạo tác tinh xảo và thu hút
Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa chào đón Tết cổ truyền dân tộc đều có sự xuất hiện của những triển lãm tranh chủ đề Gà với quy mô vừa như tại đình Kim Ngân 42- 44 Hàng Bạc (từ ngày 19/1), ại Hoàng Thành Thăng Long (từ ngày 20/1 – 28/2) tổ chức giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội…
Nài ra tại các tỉnh thành phố lớn trong cả nước như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh cũng diễn ra những triển lãm phong phú về nội dung và hình thức với đề tài chủ đạo là chú Gà – đại diện cho năm Đinh Dậu 2017.
Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Bình luận