Dòng người nô nức đổ về Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam gần lễ 30/4
(Sóng trẻ) - Hướng về lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút đông đảo du khách trên mọi độ tuổi ghé thăm, tìm hiểu và ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.
Dù đã đi vào hoạt động được hơn 6 tháng, nhưng sức hút của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa hề giảm sút với người dân và du khách. Bất chấp thời tiết nắng nóng, oi bức, hàng dài người vẫn xếp hàng chờ đợi ở các cổng kiểm soát để có được tấm vé trải nghiệm không gian trưng bày bên trong.

Các đoàn học sinh, sinh viên từ các trường cũng đổ về bảo tàng, cùng khoác lên mình những chiếc áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ để hòa mình cùng không khí của những ngày tháng Tư lịch sử. Nhiều bạn trẻ cũng chủ động chọn những bộ trang phục truyền thống hay những chiếc áo in kí họa tôn vinh đất nước đang thịnh hành trên mạng xã hội để bày tỏ niềm tự hào về Tổ quốc.


Tranh thủ ngày cuối tuần, gia đình anh Phạm Quốc Trung tranh thủ từ Ninh Bình đến Hà Nội để tham quan và tìm hiểu không gian nơi đây. Lần đầu tận mắt chứng kiến những khí tài, thiết bị gắn liền với lịch sử đất nước, anh rất ấn tượng về sự đầu tư và nỗ lực của Ban Quản lý để tạo điều kiện cho người dân được tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Anh Trung cho rằng, việc Bảo tàng bắt đầu thu phí du khách tham quan là điều cần thiết: “Để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng và đem về nhiều hiện vật giá trị, mức giá được niêm yết là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, tôi cũng ủng hộ việc ban quản lý có các chính sách giảm giá, ưu tiên cho các đối tượng đặc biệt đến với bảo tàng”.

Trong những ngày cận lễ, các không gian trưng bày, đặc biệt là ở thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo du khách, người dân. Phần lớn người dân tập trung tại phần trưng bày của các bảo vật lịch sử, các sự kiện nổi bật trong 2 cuộc chiến tranh giành độc lập để tìm hiểu cũng như lưu lại những bức ảnh đáng nhớ.

Đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bạn Hoàng Phương Mai (Hải Phòng) không giấu được sự háo hức và tò mò về một thời lịch sử hào hùng của đất nước. “Bản thân mình vừa cảm thấy thú vị, vừa tự hào khi có cơ hội tận mắt chứng kiến các chiến tích của ông cha để lại trong những năm kháng chiến. Qua chuyến đi, mình đã phần nào hiểu thêm về lịch sử, cũng như thêm trân quý sự hy sinh của thế hệ trước để đổi lấy hòa bình cho đất nước hôm nay”, bạn Mai bày tỏ.
Bên cạnh các bạn trẻ, nhiều cựu chiến binh nhân dịp 30/4 cũng đến với Bảo tàng nhằm ôn lại những kỉ niệm đã trải qua trong những năm tháng khói lửa. Xúc động khi xem lại những hiện vật từng gắn bó ở thời kì kháng chiến chống Mỹ, đại tá Nguyễn Duy Nhất bồi hồi: “Tôi vô cùng tự hào bởi bản thân là người lính bộ đội cụ Hồ đã từng tham gia cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”.
“Cảm giác bồi hồi, hãnh diện dâng trào trong lòng tôi khi được nhìn lại những hình ảnh của đồng đội, của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là giây phút trưa ngày 30/4 lịch sử. Dù hiện thực khốc liệt hơn gấp bội, nhưng việc tái hiện lại ký ức trong cuộc kháng chiến là một điều rất tốt cho công tác giáo dục”, đại tá Duy Nhất chia sẻ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho người dân trong những ngày tháng Tư vinh quang của dân tộc. Đây không chỉ là nơi tái hiện, duy trì những bảo vật giá trị mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục, hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tọa lạc tại Km6+500 Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sau khoảng 6 tháng miễn phí tham quan, Bảo tàng chính thức mở bán vé. Theo đó, vé tham quan bảo tàng là 40.000 đồng/lượt. Các đối tượng từ 16-18 tuổi, học sinh, sinh viên sẽ được giảm 50% phí tham quan. Bảo tàng miễn phí vé với các đối tượng: người dưới 16 tuổi; người già từ 80 tuổi trở lên, người tàn tật; thương binh, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động (trừ trường hợp tự nguyện mua vé). |