Thiếu nữ Chăm rạng rỡ trong Lễ trưởng thành
(Sóng Trẻ)- Không giống như những cô gái người Kinh hay nhiều dân tộc khác, muốn được mọi người công nhận trở thành một thiếu nữ đã trưởng thành, các cô gái Chăm đến tuổi phải trải qua một nghi lễ đặc biệt với sự chứng kiến của nhiều người - như một quy tắc không thể bỏ qua của người Chăm, đó là Lễ trưởng thành.
Đất nước Việt Nam là một mối keo sơn gồm 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang trong mình những phong tục, tập quán và những truyền thống văn hóa khác nhau. Đối với dân tộc Chăm Bà Ni (Ninh Thuận), Lễ trưởng thành là một nét văn hóa đặc sắc.
Những cô gái Chăm Bà Ni muốn tham gia làm Lễ trưởng thành phải trong độ tuổi từ 9 đến 15 và phải chưa có kinh nguyệt, nghi lễ được diễn ra trong ba ngày và thường tổ chức vào tháng ba, tháng tám và tháng mười theo lịch của người Chăm Bà Ni. Để ba ngày lễ được thành công, phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ trước đó, từ trang phục, lễ vật, bài trí không gian, địa điểm tổ chức nghi lễ đến việc mời các nhân vật tham gia buổi làm lễ.
Buổi làm Lễ trưởng thành
Công việc ngày đầu tiên của buổi lễ là chuẩn bị các lễ vật cần thiết, ngày thứ hai là chuẩn bị bánh trái và làm lễ chứng kiến ra mắt, báo trước cho ông bà tổ tiên của gia đình cô gái đó. Ngày cuối cùng là ngày lễ chính thức, các thiếu nữ được tắm rửa, trang điểm và đưa đến Thánh đường để làm nghi lễ, cúng dâng Thượng đế.
Thông thường, một buổi Lễ trưởng thành sẽ có ba nhân vật chính, đóng vai trò quan trọng. Nhân vật trung tâm của buổi lễ là ba cô gái tham gia làm Lễ trưởng thành. Trong quá trình làm lễ, các cô gái này sẽ được tất cả mọi người chú ý đến, chứng kiến từ khi buổi lễ bắt đầu cho đến khi buổi lễ kết thúc. Nài sự có mặt, giúp đỡ của bố mẹ, lễ trưởng thành của các thiếu nữ còn có sự tham gia của họ hàng và làng xóm. Thầy Cả sư - người trực tiếp tiến hành buổi lễ và các nghi thức thường là người cao tuổi nhất, có vai trò quan trọng nhất, có nhiều kinh nghiệm, được tất cả mọi người kính trọng, nghe theo, có một vị trí đặc biệt về mặt tâm linh của người Bà Ni. Cuối cùng là sự hiện diện của một bé trai, thường là trẻ sơ sinh, chứng kiến các thiếu nữ đã được cắt tóc và nhập đạo Bà Ni, bé trai này sau khi lớn lên sẽ được làm đám cưới đặc biệt hơn so với những thanh niên khác.
Buổi lễ kết thúc cũng chính là lúc các thiếu nữ Chăm Bà Ni đã được tất cả mọi người công nhận là một thiếu nữ Chăm đã lớn. Sau buổi lễ này, các cô gái sẽ được tự do yêu đương và có quyền được kết hôn. Trước sự chứng kiến của mọi người, những cô gái Chăm được trang điểm và mặc quần áo đẹp trở nên duyên dáng với nụ cười rạng rỡ.
Nguyễn Tuyết
Truyền Hình K31 A2
Ảnh: Internet