Gắn đào tạo chuyên môn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí

(Sóng trẻ)- Tài và đức là hai yếu tố luôn đi song hành, nó cần cho mọi người và cho mọi nghề. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa tài và đức đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí cũng quan trọng không kém việc đạo tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các em.

Những năm gần đây, chúng ta liên tiếp phải chứng kiến nhiều nhà báo trong làng báo Việt Nam vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Nào là nhà báo ăn hối lộ (như Quang Thắng, nguyên phó ban thư ký báo Công An TP HCM, như Hoàng Linh, phóng viên báo Tuổi trẻ), nhà báo tống tiền (như Nguyễn Hùng Sơn, phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp), nhà báo đi buôn lâụ (như Nguyễn Minh Hải, phóng viên báo Thương Mại), nhà báo hoạt động lừa đảo (như Nguyễn Trọng Giác, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường giá cả)… Đấy là chưa kể còn khá nhiều các nhà báo khác đang lợi dụng tấm thẻ của mình để chạy xin quảng cáo, nếu xin không được thì đe doạ, doạ dẫm sẽ viết thế này thế kia trên báo; nhiều nhà báo còn thiếu trách nhiệm xã hội khi đưa tin như kiểu tin bưởi gây ung thư, ăn gạo có hại, chó biến thành…người…

Những ngày lễ, ngày hè tôi thường về quê để nghỉ ngơi. Nhưng cứ mỗi lần về là mỗi lần được nghe thêm các câu chuyện về sự hành nghề của nhà báo. Nơi trường bố tôi công tác, thường xuyên có nhà báo đến xin viết bài, xin quảng cáo về nhà trường, nhưng khổ nỗi làm gì có nhiều chuyện để mà viết thế. Từ chối mãi thì cũng không được, vì họ cứ đến, đến liên tục, đến dai như đỉa. Cuối cùng, đôi lần ông cụ đành phải đồng ý, mà đồng ý với giá cắt cổ.

Vậy bản thân các nhà báo đó họ có biết là mình vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp không? Tôi dám chắc là họ biết, biết rất rõ là đằng khác. Tại sao họ biết mà vẫn làm, vẫn vi phạm. Họ bị cám dỗ.

Đấy là chuyện của các nhà báo, còn của sinh viên báo chí thì sao? Có một thực tế như thế này:

Tôi có một người quen, có con là sinh viên báo chí. Hôm trước, chị ấy dẫn con đến nhờ tôi liên hệ một nơi để con chị đến thực tập. Khi hỏi về nguyện vọng thì bạn sinh viên đó rất thật thà mà bảo rằng nơi nào cũng được, miễn là họ trả nhuận bút cao và được đi xuống cơ sở nhiều (!) Rồi bạn sinh viên đó rất hồn nhiên kể cho tôi nghe những câu chuyện về sinh viên các khoá trước đi thực tập kiếm được bao nhiêu tiền, xuống cơ sở thì được tiếp đãi thế nào… Đây thực sự không phải là một trường hợp cá biệt, một tâm lý cá biệt !

Đối với khá nhiều sinh viên, tiêu chí để các em chọn và đăng ký nơi đến thực tế, thực tập không phải là sự phù hợp với điều kiện, sở thích, năng khiếu, năng lực của bản thân.  Dù là đi thực tập, nhưng phải nơi nào được trả nhuận bút cao thì họ mới đăng ký, nơi nào được đi nhiều, được bổng lộc lắm thì họ mới thực tập. Đáng ra, trước khi đến một cơ quan báo chí nào đó, sinh viên phải tìm hiểu, phải xem đến đó mình sẽ làm gì và làm như thế nào để có một kỳ thực tế, thực tập hiệu quả nhất thì các em đó lại tìm hiểu xem ở đó họ trả nhuận bút thế nào, bổng lộc ra làm sao. Thực chất, đối với các em sinh viên đó, các kỳ đi thực tế, thực tập chính là cơ hội để họ kiếm tiền nhằm mua thêm điện thoại, quần áo mới… Khi đi thực tập về nhiều sinh viên ngồi tụm năm, tụm ba để hỏi nhau, kháo nhau xem kiếm được bao nhiêu tiền, đi chỗ này, chỗ kia “có gì không” mà ít ai hỏi đã học được những gì, rút ra được điều gì cho nghề nghiệp của mình trong tương lai?

 Lại có nhiều nơi nhờ tôi tìm hộ một vài sinh viên báo chí ra làm việc bán thời gian. Thiết nghĩ, đây là cơ hội tốt để sinh viên của mình thực tập tay nghề, thực tập những điều vừa học được trong nhà trường nên tôi rất hăng hái, nhiệt tình tìm hộ. Nhưng những sinh viên đó ra chưa làm được việc gì, chưa viết được cái tin nào đã đòi hỏi mức lương phải thế này, đãi ngộ phải thế kia mới làm, rồi không bằng lòng và tự ý bỏ về. Các sinh viên đó cũng chẳng thèm báo lại với tôi một tiếng. Về sau, khi gặp lại người quen, tôi cứ thấy xấu hổ và ngượng ngùng vì sự mất uy tín của mình !

Nhiều sinh viên mới ra trường chưa được một năm đã thay đổi chỗ làm việc 5-6 lần, hỏi ra thì biết là lương thấp quá. Tôi cũng tò mò hỏi xem thấp là bao nhiêu? Em đó nói “chỉ có 2,5 triệu một tháng”. Tôi không dám nói gì vì lương của tôi bây giờ mới gần hai triệu một tháng!  

Trường hợp khác, một em sinh viên năm thứ tư chuẩn bị làm khoá luận, nên gọi điện mượn tôi tài liệu. Vì nhà ở xa nên tôi nói em không cần đến nhà mà tôi sẽ mang đến tận trường cho em mượn. Thế rồi, khi em đó làm xong khóa luận, bảo vệ xong thì “lặn” mất tăm, chẳng quay lại cảm ơn cô lấy một câu và tài liệu của cô thì cũng “thó” luôn. Tệ hơn, khi tôi đọc lại khoá luận của sinh viên đó thì có đến 70-80% là copy lại tài liệu mà tôi cho mượn!

Nhà báo Trần Gia Thái (Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội) có nêu một ví dụ trong Hội thảo “Đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội” tổ chức ngày 22/4/2008 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền rằng: Cách đây bốn năm, có em sinh viên con một ông phó chủ tỉnh xin về Đài thực tập. Nhưng suốt kỳ thực tập, em đó không đi thực tập một ngày nào, không viết một tác phẩm nào, chỉ đến Đài hai ngày là ngày đầu tiên và ngày cuối cùng để giới thiệu và xin nhận xét. Mỗi lần cậu ta đến đều đầu tóc bóng mượt, điện thoại đắt tiền cầm tay, nghênh ngang, khệnh khạng…

Còn đang là sinh viên mà các em đã có những hành động và suy nghĩ như thế, đã thiếu lòng say mê với nghề, thiếu sự lăn xả, cống hiến trong công việc như vậy thì khi ra làm báo thực sự sẽ như thế nào? 

Thực tế là có khá nhiều sinh viên của ta cũng năng động lắm, dù đang học nhưng cũng đã tìm cho mình được chỗ làm thêm. Đó là việc tốt, nhưng theo tôi quan sát thì cũng có hai mặt. Mặt tốt là vừa giúp cho các bạn đó có cơ hội gắn kết giữa học và hành, vận dụng những điều lý thuyết trên lớp để áp dụng vào thực tế, vừa giúp các bạn sinh viên có thêm thu nhập. Song cũng có điều chưa hợp lý.

Thứ nhất, công việc làm thêm ít nhiều ảnh hưởng tới thời gian biểu học tập của các em. Những em bỏ học ít thì một vài tiết, một vài buổi một môn, nhiều thì liên miên, có trường hợp tôi dạy em đó đã nhờ bạn ở trường Sư phạm đến học hộ. Thứ hai, phần nhiều các công việc của các em làm chỉ là giải quyết về mặt tài chính, chứ ít gắn kết với công việc làm báo, ít giúp nghề nghiệp của các em sau này. Các em chủ yếu là chạy quảng cáo, viết quảng cáo, tham gia “chân lon ton” trong các chương trình giải trí. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, đến quan niệm về nghề của các em sau này.

Tài và đức là hai yếu tố luôn đi song hành, nó cần cho mọi người và cho mọi nghề. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa tài và đức đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Báo chí là một lĩnh vực có sức ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng, tinh thần và đạo đức của công chúng. Nó được coi như một thứ quyền lực nhằm tạo dựng và định hướng tâm lý và dư luận xã hội. Hơn nữa, vì hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng nên đúng hay sai của một bài báo là sự thể hiện hiệu quả tốt hay xấu vượt ra nài rất xa một bài báo “vật chất” cụ thể. Vì vậy, nghề nghiệp đòi hỏi nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng, giỏi nghiệp vụ mà còn phải có một cái tâm trong sáng. Một nhà báo vì vô trách nhiệm đưa một thông tin không có thật hoặc bóp méo sự thật sẽ có tác hại đến rất nhiều người.

Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên báo chí cũng quan trọng không kém việc đạo tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các em.

Trong khi tìm hiểu để viết bài này, tôi được biết nhiều ngành họ cũng rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ trong ngành, đặc biệt cho sinh viên trong nhà trường. Như trường y họ giáo dục về y đức, trường luật họ giáo dục về đạo đức của làm luật sư, trường kinh tế họ giáo dục về đạo đức của thương gia, trường sân khấu điện ảnh họ giáo dục về đạo đức của người diễn viên…

Hiện nay, cả nước có 4 trung tâm đào tạo báo chí là: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đào tạo cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ; Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học Huế đào tạo cử nhân báo chí đều đã đưa môn học về đạo đức nghề nghiệp và luật báo chí vào giảng dạy chính thức trong nhà trường.

Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, môn học “Đạo đức nghề nghiệp và luật báo chí” đã được giảng dạy từ năm 1995. Cách dạy và phương pháp dạy đã được cải tiến và nâng lên rất nhiều. Đấy không còn là những bài giảng đạo đức chung chung nữa mà đã gắn với thực tế nhiều hơn, sử dụng các tình huống, các trường hợp cụ thể để sinh viên tranh luận, đưa ra ý kiến. Các tình huống đều xoay quanh các mối quan hệ đạo đức nghề nghiệp của nhà báo như: nhà báo với nguồn tin, nhà báo với công chúng, nhà báo với nhân vật trong tác phẩm, nhà báo với đồng nghiệp… Ví dụ như: Một phóng viên được một ngân hàng tài trợ để đi học ở nước nài, khi về họ yêu cầu anh ta viết một bài về ngân hàng (ngân hàng đó làm ăn lành mạnh). Vậy phóng viên đó có nên viết không? Nếu viết thì viết như thế nào? Ban biên tập sẽ kiểm soát bài viết đó như thế nào để nó không trở thành một bài PR? …

Tuy nhiên, thiết nghĩ, điều đó vẫn là chưa đủ. Theo tôi, việc giáo dục đạo đức cho sinh viên báo chí không chỉ là nhiệm vụ của riêng thầy cô nào, của riêng môn học nào. Không chỉ mỗi môn học “Đạo đức nghề nghiệp và luật báo chí” sinh viên mới được biết về đạo đức nghề nghiệp mà là tất cả các môn học chuyên ngành đều có thể lồng ghép nội dung này vào bài giảng bằng những ví dụ, những hiện tượng tiêu biểu liên quan đến môn học của mình.

 Nài ra, rất cần các cơ quan báo chí nơi có sinh viên báo chí ra thực tế, thực tập không chỉ tạo điều kiện, sự quan tâm để các em có thể luyện nghề mà còn có sự giám sát chặt chẽ hơn, quan tâm nhiều hơn tới rèn nghề, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các em.

 
                                                      Trường Giang

                                                        Khoa Phát thanh - Truyền hình

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN