Gập ghềnh trên con đường “hồi hương”
(Sóng trẻ) - Những chuyến xe hồi hương không chỉ chở theo nỗi lo về miếng cơm manh áo của nhân dân mà còn là nơi bắt đầu của những sự sống “mầm non”.
“Bão dịch” COVID-19 kéo dài, nhiều dân lao động ở phía Nam lâm cảnh thất nghiệp. Trong những lúc khó khăn nhất kèm theo nỗi lo dịch bệnh, họ chọn quê hương làm nẻo quay về.
Tại Quảng Bình, ước tính khoảng 2500 người đã di chuyển qua địa phận tỉnh trong ngày 4/10 bằng các phương tiện xe gắn máy. Tại chốt kiểm dịch số 2 Sen Thuỷ, các lực lượng chức năng đã tổ chức hỗ trợ người dân di chuyển như cung cấp thức ăn, nước uống, xăng xe hay tiền đi đường.
Trong lượng người di chuyển, khoảng 200 người có địa chỉ thường trú tại địa phương được test nhanh, khai báo y tế và đưa đến các khu cách ly tập trung. Người dân ngoại tỉnh được cơ quan công an hỗ trợ và bàn giao cho các tỉnh khác tại các địa phận giáp ranh. Đến sáng 6/10, lượng người về quê vẫn đi qua Quảng Bình thông qua chốt số 2 Sen Thuỷ. Tuy nhiên, con đường về quê của những người con xa quê chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tấm áo trải vội trên nền đất...
Đường về nhà chưa bao giờ là xa như vậy đối với gia đình anh Hiệu (sinh năm 1996), quê Thanh Hóa. Sáng 8/10/2021 gia đình anh gồm 4 người lớn (trong đó có một bà bầu 8 tháng), 1 trẻ nhỏ (sinh năm 2018) di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Khi đang dừng nghỉ ở đường tránh lũ thuộc địa phận Hưng Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, anh Hiệu đã dùng xăng để mồi lửa bật bếp hâm lại cháo, chẳng may bị lửa bén gây bỏng.
Lực lượng CSGT Quảng Bình đã kịp thời gọi xe cứu thương chở người bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện Hữu nghị Việt nam Cuba Đồng Hới, và sử dụng xe chuyên dụng chở toàn bộ người nhà, phương tiện về tại điểm chốt Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Sau khi nhiều địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách, một số người dân Nghệ An đang làm việc ở Đồng Nai cũng đã di chuyển xuyên đêm để về quê tránh dịch. Hành trình “hồi hương” của cả đoàn đã bắt buộc phải hoãn lại khi đến địa bàn huyện Quảng Trạch - Quảng Bình, do thời tiết mưa lớn trong đêm khuya và nhiều xe bị thủng lốp khiến cho cả đoàn không thể tiếp tục di chuyển. Trong tình thế khó khăn đó, cả đoàn đã phải kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm trên nhóm facebook “Người Quảng Bình”.
Câu chuyện về quê tránh dịch của cả đoàn đã được chia sẻ rộng rãi và may mắn được nhiều mạnh thường quân, người dân gần khu vực đoàn lưu trú đến động viên và giúp đỡ sửa xe, tặng thức ăn và tiền đi đường.
Anh Phan Văn Định (Quê ở Yên Thành - Nghệ An) chia sẻ về hành trình đặc biệt ngày hôm đó của cả đoàn: “Khi đi qua đoạn đường trên địa bàn huyện Quảng Trạch thì không may xe bị thủng săm. Trong lúc tuyệt vọng thì đã có một anh tên Trường chạy ra giúp đỡ, không những thế người dân sau khi nghe tin đã tìm đến cho mình thức ăn và 200.000 tiền mặt. Tôi đã rất xúc động vì trong hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn có người sẵn sàng giúp đỡ. Tôi thực sự rất cám ơn người dân Quảng Bình và các anh chị đã giúp đỡ chúng tôi trong đêm hôm đó”.
Sự trở về chưa phải là “kết thúc”
Những chuyến xe hồi hương không chỉ chở theo nỗi lo về miếng cơm manh áo của nhân dân mà còn là nơi bắt đầu của những sự sống “mầm non”. Ngày 9/10, trên đoàn tàu chuyên biệt SE16 đưa bà bầu, trẻ em và người già từ vùng dịch miền Nam về Quảng Bình đã xảy ra một tình huống rất đặc biệt.
Khi chạy trên tuyến ga Tuy Hòa - Diêu Trì, tiếp viên phụ trách toa 9 của đoàn tàu SE16 cho biết có một sản phụ trở dạ. Nhận được thông tin, đoàn Công tác tỉnh Quảng Bình nhanh chóng đến hỗ trợ sản phụ vượt cạn thành công, một bé trai khoảng 3kg chào đời ngay trên tàu trong sự vui mừng của tất cả mọi người.
Liên hệ với sản phụ, chị Nguyễn Thị Nhâm cho biết hai mẹ con hiện sức khỏe đã ổn định. Con trai được bố đặt là Trương Quốc Huy: “Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người trên tàu hôm đó đã giúp đỡ để mẹ con tôi được như ngày hôm nay”.
Cùng ngày, câu chuyện hai vợ chồng chở theo con 3 tháng tuổi đi xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh về Yên Bái được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến không ít người phải xót xa.
Trao đổi với PV, anh Hoàng Trung - Đội trưởng đội Phản ứng nhanh tại Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi nhận được thông tin bà con trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh về quê. Trong đó, có trường hợp hai vợ chồng chở theo con nhỏ mới 3 tháng tuổi đang nghỉ chân bên đường quốc lộ thuộc Lý Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Vì thế, Đội Phản ứng nhanh đã tiếp cận và liên hệ với chính quyền làm giúp giấy tờ, đồng thời hỗ trợ 10 triệu đồng trích từ quỹ do các cá nhân tổ chức trên cả nước đóng góp để gia đình cháu bé có thể về quê sớm hơn, đỡ vất vả hơn.”
Do các đoàn khách trở về từ thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều F0, tất cả những “chiến sĩ” tham gia vào công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh đều mang một tâm lý chung là lo sợ. Tuy nhiên, trước đó, gia đình cháu bé đã được đưa tới khu cách ly y tế gần nhất để xét nghiệm COVID-19. Khi nhận được kết quả âm tính đội mới đưa gia đình cháu bé về Yên Bái để đảm bảo an toàn chung, anh Trung chia sẻ thêm.
Trong những đoàn người hồi hương, có nhiều gia đình không còn đủ kinh tế để trang trải dọc đường và gặp những tình huống phát sinh vô cùng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ từ địa phương, con đường trở về “nhà” của họ cũng phần nào bớt gập ghềnh hơn…