Gen Z với hoạt động đầu tư “tiền ảo”
(Sóng trẻ) - Là một thế hệ năng động, linh hoạt trong kinh doanh nên việc đầu tư tiền ảo để làm giàu nhanh chóng không còn xa lạ đối với Gen Z, thậm chí nhiều bạn trẻ còn mạnh tay bất chấp rủi ro.
Tiền ảo là một loại tiền tệ số. Sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các dải số học phân cấp. Đồng nghĩa với việc không ai có thể giám sát được tính luân chuyển của nó trên mạng internet. Điều này áp dụng với tất cả mọi người. |
“Cơ hội” kiếm tiền nhanh chóng
Tiền ảo đã xuất hiện từ khá lâu và không còn là khái niệm quá lạ lẫm với những người quan tâm đến đầu tư, kinh doanh. Chỉ đến khi cuộc sống của mỗi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ngồi nhà suốt một thời gian dài, người ta mới nghĩ đến việc kiếm tiền online nhiều hơn.
Ở thời điểm các công việc kiếm tiền online bị ảnh hưởng do dịch, mọi người, nhất là những người trẻ, bắt đầu đổ xô vào chọn lựa một kênh đầu tư cho riêng mình. Với những lời mời gọi ngon ăn về lợi nhuận cao và rủi ro thấp, tiền ảo trở thành nơi chốn mà nhiều Gen Z mong muốn rót tiền vào nhất.
Theo chia sẻ của Ng. 20 tuổi - từng là hội viên V.I.P của một sàn giao dịch điện tử - cô đã từng “xuống ngay” hơn 2 triệu đồng khi được những “chiến thần tiền tệ” hứa hẹn, đảm bảo đầu tư sẽ sinh lời gấp nhiều lần. Những “chiến thần” còn hứa hẹn sẽ đào tạo cô trở thành chuyên gia tài chính mới với tư duy tầm nhìn đi trước thời đại.
Vốn là những đứa trẻ có thể sử dụng điện thoại thông minh trước khi biết đi. Sự hiện diện của Internet và các phương tiện truyền thông như Facebook, Google, Youtube, Instagram, Tiktok là một thực tế hiển nhiên trong thế giới của họ.
Không những vậy Gen Z còn được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá, có tư duy về tiền tệ, kinh tế. Chính vì vậy họ được hy vọng là “thủ lĩnh” trong công cuộc thay đổi và xây dựng thế giới phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, trong mắt của thế hệ đi trước, phần lớn Gen Z đều thiếu kinh nghiệm đầu tư. Nếu như thế hệ X, Y chỉ tham gia đầu tư khi có đủ kiến thức về tài chính thì Gen Z có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn khả năng chi trả.
Họ như một “tấm chiếu mới” khi bước vào “thương trường”. Với tính cách “mì ăn liền”, Gen Z chấp nhận “vay” để đầu tư dù tuổi đời còn ít hơn cả “số nợ”. Mặt khác, ở góc độ “dòng tiền”, thì việc chi mạnh tay sẽ khiến thị trường được cung thêm dòng vốn mạnh mẽ.
Hoàng Tuấn (24 tuổi – Hà Nội) chia sẻ: “Sau vài năm đi làm, mình có khoản tích lũy hơn 300 triệu, do còn độc thân, lại không phải lo chuyện nhà cửa nên mình quyết định chọn đầu tư vào tiền ảo vì đây là kênh sinh lời nhanh, linh hoạt dòng tiền, hơn nữa do mình thấy bạn bè cũng "phất lên" nên cũng mạo hiểm đầu tư”.
“Mặt sau” của tiền ảo
Theo thống kê, tại Việt Nam có đến hàng nghìn sàn giao dịch tiền ảo đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có gần 5% các sàn được xem là uy tín và độ an toàn cao. Bên cạnh bản chất không kiểm soát được của tiền ảo, những kẻ lừa đảo đang sử dụng câu chuyện của những người đã trở nên giàu có để "đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư trẻ”.
Đa phần những bạn trẻ tham gia đầu tư tiền ảo mà không hề biết bất kỳ nguyên lý căn bản về bản chất sản phẩm tiền ảo hay nguyên lý nào của đầu tư tài chính. Trong phỏng vấn với một tờ báo, chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng chia sẻ rằng, lợi nhuận, sự kỳ vọng và cam kết lợi nhuận được trả khi tham gia góp vốn, đầu tư là điều duy nhất làm cho họ “xuống” tiền. Ông nhấn mạnh rằng đây là một thủ đoạn tinh vi khi nhắm vào tâm lý chung của những nhà đầu tư trẻ với mong muốn làm giàu nhanh chóng- một bước lên tiên, tiền về như nước.
Đặc biệt trong thời buổi COVID-19 khi nhiều người trẻ đang “lạc bước” trước những khó khăn về kinh tế của xã hội. Kèm theo áp lực về tài chính và gia đình là sự thiếu kinh nghiệm cùng trải nghiệm thực tế khiến họ dễ mất tỉnh táo và bị lợi ích “dẫn đường”.
Một nhà đầu tư trẻ - Ng. sinh viên năm 2 – tâm sự rằng, vì tin vào lời quảng cáo việc nhẹ, lương cao, hứa hẹn hào nhoáng nên đã nghỉ học để theo các “chuyên gia tài chính” vào Sài Gòn khởi nghiệp. Thậm chí, Ng. còn vay nợ để làm giàu nhưng không thể thu hồi lãi và nợ chồng nợ khiến cuộc sống khốn đốn một thời gian dài.
Trước đó, ngày 27/5 Công an TP. Hồ Chí Minh đã cảnh báo người dân không tham gia các sàn kinh doanh ngoại hối (Forex) trái phép, bởi đây là phương thức đầu tư gây nhiều rủi ro về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Sau khi điều tra, cơ quan công an đã nắm được phương thức, thủ đoạn phạm tội của những người tổ chức sàn FXTradingMarkets. Họ tổ chức nhiều hội thảo làm giàu ở các tỉnh thành để mời chào người tham gia với cam kết ai cũng thắng, rút vốn bất kỳ lúc nào và ngồi im hưởng lãi 1%/ngày.
Chị Nga (TP. Hồ Chí Minh) - một người chơi trong sàn giao dịch tiền ảo cho hay, khi không thể rút tiền và nghe tin các sàn Busstrade, Coolcat sập, mọi người trong nhóm rất lo lắng. Tuy nhiên khi được người quản lý xoa dịu "Sàn mình sư phụ xuất hiện mỗi ngày ngại gì" kèm hàng loạt bài đăng trên Facebook của các nghệ sĩ nổi tiếng kêu gọi đầu tư vào đồng FXT, chúng tôi thấy xuôi.
Anh Tâm (24 tuổi) - một nhà đầu tư khác cũng cho hay: “Tôi đã nạp 2,8 tỷ đồng trong tháng 4 nhưng hiện "bị cháy gần hết". Khi mọi người thắc mắc, đội ngũ quản lý giải thích do dịch bệnh nên Ban Chuyên gia không phân tích được thị trường. Sàn yêu cầu mọi người đổ thêm tiền để được "cứu cháy", ai không nạp thêm và lên tiếng hoài nghi sẽ bị xóa tài khoản, kích ra khỏi hệ thống”.
Có nên đầu tư?
Là một thế hệ ưa mạo hiểm, nhanh nhạy với các xu hướng và công nghệ mới, Gen Z sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy cơ hội kiếm thu nhập “khủng” chỉ qua màn hình máy tính và những cú click chuột bất chấp lời cảnh báo từ các nhà chức trách.
Nhiều bạn trẻ cho hay việc đầu tư vào tiền thuật toán không tốn nhiều thời gian, không đòi hỏi phải làm việc ca muộn hay gò bó như công việc văn phòng. Thậm chí, họ có thể bỏ hết số tiền đang có để đầu tư và nhanh chóng kiếm được thu nhập bằng tổng số tiền lương đi làm vài năm.
Theo đó, ông Phan Dũng Khánh, giảng viên thị trường tài chính Trường Doanh nhân Bizlight nhận định: “Tiền ảo có rủi ro lớn nhất là tính chất pháp lý. Hiện tại ở Việt Nam, đây là kênh đầu tư không chính thống, chưa có luật và chế tài để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hơn hết, tiền kỹ thuật số vẫn chưa được Chính phủ xem là kênh thanh toán hợp pháp. Việc đầu tư tiền kỹ thuật số hiện nay là hoạt động mang tính tự phát. Trong quá trình giao dịch, nếu nhà đầu tư quên mất địa chỉ ví điện tử chứa tiền ảo thì sẽ mất luôn vĩnh viễn, từ đó dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp tài khoản. Điều này hoàn toàn trái ngược với chứng khoán vì được lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán”.
“Nếu nhìn vào những khía cạnh ưu điểm, có lẽ Gen Z nên đầu tư tiền ảo. Nhưng nếu nhìn vào nhược điểm, có lẽ sẽ trả lời không nên. Còn nếu trung hòa được cả hai yếu tố trên, thì việc đầu tư tiền ảo sẽ trở thành cơ hội cho Gen Z”- Ông Khánh nói thêm.
Tuy nhiên, Trung tá Bùi Thế Ngọc, Phòng điều tra án công nghệ cao, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng đưa ra khuyến cáo đối với những bạn trẻ đang có ý định đầu tư tiền ảo: “Phải thực sự hiểu biết và chọn được kênh đầu tư có tính ổn định và được các tổ chức tài chính có uy tín công nhận. Nếu là đầu tư theo xu hướng đám đông thì thực sự bạn sẽ nhận được thất bại, chấp nhận dừng lại càng sớm thì càng giảm thiểu thiệt hại. Nếu còn tiếp tục trong “vòng vây” của đầu tư tiền ảo, góp vốn đầu tư theo phương thức đa cấp hoặc chọn tỷ lệ thắng thua thì còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đừng để đến lúc “tiền mất, tật mang”.