Giải “bóng đá làng” và câu chuyện về tình yêu thể thao của người dân Trần Phú
(Sóng trẻ) - Giải “bóng đá làng” của người dân thôn Trần Phú (xã Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội) là một sự kiện văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng tại địa phương. Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện lễ hội rằm tháng 8 của người dân nơi đây.
Tại thôn Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội), không khí bóng đá đang lan tỏa trên khắp các đường làng và ngõ xóm. Sau 18 năm duy trì, giải bóng không chỉ là niềm tự hào của người dân thôn Trần Phú, mà còn là biểu hiện của tinh thần thể thao luôn được gìn giữ và phát huy của người dân tại ngôi làng được mệnh danh là “làng biển giữa đất Hà Thành”.
Hằng năm, cứ đến những ngày cận rằm tháng 8, thôn Trần Phú lại tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí thu hút đông đảo người dân tham gia. Đối với họ, tháng 8 âm lịch không chỉ có ngày Lễ Trung thu (Tết đoàn viên), mà còn là lúc những nông dân trong làng thu hoạch nông sản, có một mùa màng bội thu. Chính vì vậy, những hoạt động cộng đồng truyền thống, đặc biệt là giải đấu bóng đá thanh niên rất có ý nghĩa đối với họ.
Dù chỉ là giải đấu cấp thôn, nhưng với nhiều năm liên tục tổ chức thành công, hoạt động đã tạo được uy tín trong cộng đồng người dân trong cả huyện. Qua mỗi năm, giải được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn, từ khâu bốc thăm, chia bảng đến công tác tổ chức. Giải đấu còn được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo tính công bằng của trận đấu như màn hình livestream trực tiếp, trọng tài chuyên nghiệp cấp thành phố, công nghệ var,...
Ông Đinh Văn Quyền, trưởng thôn Trần Phú cho biết: "Dù chỉ là giải đấu ở thôn, công tác chuẩn bị rất công phu. Chúng tôi đã vận động nguồn kinh phí, mời các đội bóng trong và ngoài xã tham gia. Sân bãi, trọng tài, cúp, cờ, trang trí, màn hình livestream... đều được phân công rõ ràng để tạo khí thế cho các trận đấu. Trước mỗi trận đấu, thông tin được thông báo rộng rãi qua mạng xã hội và loa phóng thanh để người dân thu xếp thời gian đến xem và cổ vũ".
Đối với người dân, không khí tại sân bóng, với tiếng reo hò cổ vũ, tiếng trống, và sự vui tươi tràn ngập, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống cộng đồng. Những trận đấu không chỉ là màn trình diễn của các cầu thủ mà còn là cơ hội để gắn kết, nơi mọi người cùng nhau thưởng thức những khoảnh khắc đáng nhớ.
Theo ông Đinh Văn Quyền, việc thực hiện tốt các phong trào về thể thao như vậy không chỉ giúp người dân trong thôn có được những giây phút giải trí sau ngày làm việc vất vả, mà còn có thể giúp thanh niên trong làng có cơ hội rèn luyện thể thao lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
"Giải bóng đá thôn là một phần quan trọng trong đời sống của chúng tôi. Sau những ngày lao động mệt nhọc, việc đến sân bóng xem các trận đấu và cổ vũ cho các đội không chỉ mang lại niềm vui mà còn tạo cơ hội để gắn kết cộng đồng. Không khí tại sân bóng rất sôi động và vui tươi." - ông Phạm Đắc Thái, người dân địa phương hào hứng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Linh, cầu thủ đội 10 chia sẻ: "Giải đấu luôn được tổ chức rất chuyên nghiệp và bài bản. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi được đại diện cho xóm của mình tham gia tranh tài. Mỗi trận đấu đều rất gay cấn và hấp dẫn, và chúng tôi rất tự hào khi thấy sự quan tâm của người dân."
Ngoài các trận đấu, giải bóng đá thôn còn là dịp để tổ chức các hoạt động văn hóa và nghệ thuật khác, như các tiết mục ca nhạc và trò chơi dân gian, tạo nên không khí lễ hội sôi động và phấn khởi.
Mặc dù chỉ là giải đấu cấp thôn, những trận cầu tại thôn Trần Phú vẫn đầy nhiệt huyết. Tinh thần ấy cần được phát huy và nhân rộng, vì điều này không chỉ là khơi dậy niềm đam mê bóng đá, mà còn tạo động lực cho phong trào thể thao quần chúng và tăng cường sức mạnh đoàn kết tại các khu dân cư.