Giải mã nghề streamer với Tuấn tiền tỉ
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 26/5, tại Hội trường Đại học Giao thông vận tải, số 3 đường Cầu Giấy, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội diễn ra buổi talkshow “STREAMER – Who am I”. Tại đây, Tuấn tiền tỉ, một trong những diễn giả của chương trình đã giúp các bạn trẻ hiểu hơn về nghề streamer, công việc tương đối tiềm năng nhưng còn nhiều định kiến hiện nay.
“STREAMER – Who am I” là chương trình được điều hành bởi MOP Production - một nhóm sinh viên của lớp Quản lí hoạt động tư tưởng văn hóa K36A1 trong khuôn khổ môn học Tổ chức sự kiện, thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Hội sinh viên Đại học Giao thông vận tải.
Buổi talkshow có sự tham dự của PGS.TS Lê Hoài Đức, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Đại học Giao thông vận tải; ThS Tào Thanh Huyền, giảng viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Bùi Bá Hiến, Giám đốc Box Studio; đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Giao thông vận tải cùng các bạn sinh viên, đại diện CLB của trường Đại học Giao thông vận tải và các CLB trường bạn.
Một trong những điều thu hút các bạn trẻ đến với chương trình là những diễn giả nổi tiếng: Tuấn tiền tỉ, chàng trai nổi lên trong làng Đế chế Việt – được mệnh danh là “Linh hồn của AOE”; “bánh bèo mê game” Sunny Phạm, cô nàng streamer xinh đẹp.
Sự kiện thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham dự
Talk show “STREAMER – Who am I” là cơ hội để khán giả có những góc nhìn đa chiều hơn về việc chơi game, tìm hiểu rõ hơn về nghề streamer. Qua đó bạn trẻ yêu thích game và mong muốn theo đuổi nghề streamer sẽ tìm và lựa chọn được hướng đi đúng đắn nhất cho mình.
Nói về lợi ích của việc chơi game, hai streamer cho rằng: “ Điểm tích cực đầu tiên không thể phủ định khi chơi game đó là tính giải trí. Trong cuộc sống nhiều áp lực thì ai cũng cần có một chỗ để giải tỏa, để tìm niềm vui... Hơn nữa, bản thân mỗi game đều chứa đựng trong đó những thông điệp rất thiết thực của cuộc sống mà chúng ta có thể học hỏi để phát triển bản thân.
“Khi chơi trò Buggy, mình học được một điều rằng: bạn luôn luôn phải là người giỏi nhất, luôn luôn phải là số 1 thì lúc đó bạn mới có chỗ đứng trong xã hội và được mọi người tôn trọng...” – streamer Tuấn tiền tỉ
Hiểu một cách đơn giản nhất về công việc streamer này, theo Tuấn tiền tỉ: “Tất cả những gì bạn làm trên máy tính của bạn sẽ được đưa lên mạng xã hội, đó là streamer. Streamer game thì đặc biệt hơn một chút, họ vừa là một người có thể bình luận về game, được gọi là caster, vừa có thể chơi game, player...”.
Để chuẩn bị cho một buổi livestream tốt nhất, Sunny Phạm cho biết: “... Đầu tiên, mỗi streamer phải chuẩn bị cho mình một sức khỏe... Thứ hai là tinh thần phải thoải mái để bước vào ngày live stream và truyền cho mọi người nên năng lượng tích cực. Thứ ba là sự chuẩn bị chủ đề và những yếu tố xung quanh. Bên cạnh đó là kiến thức, kể cả từ trải nghiệm cho đến thông tin cập nhật nữa...”.
Đồng tình với quan điểm của nữ streamer, Tuấn tiền tỉ cho biết thêm về khó khăn của những người theo công việc này: “Khi mới bắt đầu, khó khăn đầu tiên là ít view. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại là lên kịch bản, thứ hai là công đoạn set up, thêm nữa là tâm lý để có thể tự tin và hoạt ngôn...”
Vốn là một công việc gắn liền với công chúng thuộc mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội nên việc bị mắng nhiếc, chửi rủa từ một số người là không thể tránh khỏi với streamer. Thậm chí người làm nghề này còn bị đe doạ, ủy hiếp.
Sunny Phạm: “Với những lời nói tiêu cực, định kiến của người khác thì mình mặc kệ và tiếp tục công việc của mình”
Chia sẻ về những mặt tích cực mà nghề đem lại, nam streamer cho hay: “ Trước hết đó là tiền... Thứ hai là bạn được làm trong một môi trường dễ chịu, có quạt mát, có điều hòa... Thứ ba là được giao tiếp, kết thân với nhiều bạn bè hơn...”
Đan xen buổi trò chuyện là những hoạt động thú vị
Phần sau của chương trình có thêm sự chia sẻ của một diễn giả với tư cách nhà quản lý streamer đó là ông Bùi Bá Hiến, Giám đốc của Box Studio.
Đánh giá về sự phát triển của streamer tại Việt Nam, vị Giám đốc của Box Studio cho biết: “Hiện nay, tốc độ tăng trưởng về số lượng streamer là rất nhanh... Do đó, không thể tránh khỏi sự sàn sàn, thiếu nhân tố nổi bật. Tuy nhiên vẫn có bạn có trình độ và cách stream rất thu hút".
“Thách thức chung của người làm streamer là có ít tài liệu từ tiền bối đi trước, do đây là công việc mới, không có nhiều điều kiện để tiếp cận nên các bạn dễ bỡ ngỡ. Thứ hai là cái nhìn cả xã hội còn nhiều tiêu cực. Từ góc độ nhà quản lý thì khó khăn ở đây là việc tuyển dụng. Vì các bạn vẫn còn chưa hình dung được cụ thể về công việc này nên chủ yếu làm là tự phát. Chúng tôi phải mất rất nhiều công sức để chọn được một người phù hợp...”, ông Bùi Bá Hiến trăn trở.
Ông cũng cho biết thêm: “Với những người mới bắt đầu thì các bạn nên tìm một công ty nào đấy phù hợp. Công ty sẽ hướng dẫn, định hướng để mình đỡ bỡ ngỡ. Có một lưu ý nhỏ là cần có thái độ nghiêm túc vì streamer không phải cứ lên chơi khoảng 3, 4 tiếng bởi còn rất nhiều điều khác trong công việc khiến ta dễ bị stress”.
Và để trở thành một streamer, cả 3 diễn giả đều cho rằng: cần 3 yếu tố quan trọng đó là kiến thức, kĩ năng và thái độ; trong đó thái độ là phần chiếm tỉ lệ lớn nhất vì khi mình có thái độ tốt với nghề này, coi nó là một cái nghề thì mình có thể học hỏi được nhiều kiến thức và kĩ năng để phát triển bản thân. Với streamer nữ thì cái quan trọng nhất là nại hình. Nếu như mình có một hình ảnh dễ nhìn hoặc trước khi làm streamer mình có một tên tuổi nào đó thì khi làm nghề mình sẽ có rất nhiều thuận lợi.
Phần cuối chương trình, hai streamer giải đáp thắc mắc của các bạn tham gia chương trình
Sự góp xuất hiện của ban nhạc Sweepy đã giúp không khí thêm sôi động, náo nhiệt
BTC và các bạn sinh viên chụp ảnh kỷ niệm với khách mời
Đắc Quang
Cùng chuyên mục
Bình luận