Giao lưu trực tuyến: Trò chuyện cùng những “Người truyền lửa”
(Sóng trẻ) - Chiều 6/11, trang thông tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Trò chuyện cùng những “Người truyền lửa”. Sau gần 2 tiếng đồng hành cùng chương trình, BLV Đình Khải và BLV Huy Phước đã mang đến cái nhìn đa chiều, thú vị về công việc, cuộc sống của những “Người truyền lửa”.
Đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự hiện diện của Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang – Tổng Thư ký tòa soạn trang thông tin điện tử Sóng trẻ, Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình.
Đằng sau những giây phút gay cấn, những trận cầu hấp dẫn là là sự đóng góp không nhỏ của những bình luận viên bóng đá. Bình luận thể thao trên truyền hình là công việc nhạy cảm, chính xác và nghệ thuật, nghệ thuật trong sự giản dị, chính xác, do vậy “được lòng” khán giả là chuyện không dễ.
Thời gian gần đây, rầm rộ những scandal liên quan đến nghề bình luận viên. Một vài cái tên “được ưu ái” lọt vào tầm ngắm của cư dân mạng, mạnh nhất là dàn BLV của VTV. Cao trào phải kể đến bức tâm thư bạn đọc gửi bình luận viên bóng đá VTV được ông Đặng Gia Mẫn đọc trong chương trình bình luận sau trận đấu giữa Bỉ và Nga ở World Cup 2014. Bức thư có đoạn: “Câu nói của các BLV bóng đá được người xem chờ đợi nhất là: Xin chào và hẹn gặp lại!”
Giao lưu trực tuyến - Trò chuyện cùng “Những người truyền lửa” đã trở thành nơi gặp gỡ của độc giả Sóng trẻ cùng BLV Đình Khải và BLV Huy Phước. Nơi để những người trong cuộc nói về những câu chuyện xoay quanh chuyện đời, chuyện nghề của một bình luận viên, những niềm hạnh phúc cũng như những gian truân phải đánh đổi của một người làm nghề…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang tặng hoa lưu niệm và chụp ảnh cùng 2 vị khách mời.
Nội dung buổi giao lưu:
Thưa BLV Đình Khải, bác có còn nhớ những ngày đầu làm nghề? Tại sao bác lại đến với chiếc ghế, với micro và những trận cầu nảy lửa rồi gắn bó với nó? ([email protected])
Bình luận bóng đá là nghề tôi đam mê từ nhỏ. Nhưng ngày xưa làm gì có bóng, chúng tôi thường lấy quả bưởi, ngày tết thì quấn lạt mềm thành trái bóng để đá. Lên lớp 8 lên trường huyện trọ học, tôi vô tình nghe được một trận bóng trên đài của chủ trọ, từ đó thì mê bình luận bóng đá.
Chúng tôi thường nghe lỏm bình luận bóng đá trên đài, ông chủ thương tình thì cho vào nghe. Tôi đã ước được gặp người bình luận trên đài là ông Nguyễn Xuân Thu. Sau này, khi được làm việc trong Đài tiếng nói Việt Nam, niềm mong ước của tôi đã thành hiện thực.
Giấc mơ hồn nhiên, cao xa của cậu bé chăn trâu cắt cỏ đã thành hiện thực. Con đường đi của tôi vòng vo lắm, vất vả lắm nhưng khi mình quyết tâm thì không gì không làm được.
Anh Huy Phước ơi, cơ duyên nào dẫn anh đến nghề bình luận nói chung và bình luận bóng đá Đức nói riêng? ([email protected])
Thực sự hôm nay tôi có chút hồi hộp vì lần đầu tiên nói cho nhiều người nghe như vậy. Trước đây nói trong Carbin thì nói cho cả triệu người nghe những không phải là mặt đối mặt trực tiếp
Lần đầu tiên nghe lại là khi lần đầu tiên tham gia thi tuyển và K+. Khi lần đầu tiên nghe lại giọng mình một năm trước thì chỉ muốn tắt đi. Lúc đó, tôi không hiểu sao K+ lại tuyển mình vào làm BLV, có lẽ là họ đã nhìn ra một điều nào đó ở mình. Mà phải sau mất một năm, tôi mới thấy tôi tiến bộ nhiều hơn và K+ cũng chính thức ký hợp đồng
Khi K+ tuyển thành viên, mình đã tham gia dự tuyển. Không ngờ càng thi càng vào sâu. Đó là cơ duyên mình đến với nghề bình luận viên bóng đá.
Về tương lai nghề bình luận viên bóng đá, như bác Khải cũng biết, mảng BLV Ý thì anh Anh Ṇc đang làm rất tốt.
Nên mình quyết định chọn giải Đức để thử sức. Bác Vũ Công Lập là người có kinh nghiệm trong giải này và mình rất muốn làm học trò của bác.
Nghề BLV đòi hỏi thức khuya dậy sớm, và sự tập trung cao độ. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống sinh hoạt? Bác và anh khắc phục điều đó bằng cách nào? ([email protected])
BLV Đình Khải: Cuộc sống gia đình là sự sắp xếp tuyệt vời. Vợ tôi là giáo viên dạy sinh học và là người chăm sóc sức khỏe cho tôi. Những đêm thức trắng xem bóng đá, vợ tôi thường căn giờ nghỉ giữa hai hiệp thì dậy nấu ăn cho tôi. Vợ tôi là chỗ dựa vững chắc để tôi tiếp tục nghề nghiệp của mình.
BLV Đình Khải nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị của các fan bóng đá.
BLV Huy Phước: Thực sự là cũng ảnh hưởng không ít vì tuổi trẻ không chỉ muốn ngủ mà còn muốn đi chơi nữa. Việc thức khuya cũng làm ảnh hưởng khá nhiều, thường xuyên làm tôi mệt mỏi. Tuy nhiên là chỉ ảnh hưởng khía cạnh đó thôi còn về phía gia đình thì mọi người rất ủng hộ
Anh Huy Phước hào hứng trả lời câu hỏi của độc giả gửi về chương trình giao lưu
Những khó khăn "điều mất" thì chúng ta đã điểm qua, bây giờ BlV Đình Khải và BLV Huy Phước có thể chia sẻ về những "điều được" khi làm nghề? ([email protected])
BLV Đình Khải: Cái được thì nhiều lắm! Hôm vừa rồi vợ chồng tôi đi thăm người bạn ở viện, gặp rất nhiều người nhận ra, yêu mến… Có hai ông cháu người Nghệ An cứ xoắn xuýt hỏi thăm. Đó cũng là cái được đấy chứ! Suốt cuộc đời làm BLV bóng đá của mình, tôi chưa bao giờ bị chê trách.
Cái được về chuyên môn nghiệp vụ, đó là rèn luyện được khả năng quan sát, phát hiện vấn đề trên sân cỏ. Tôi có viết sách về những chuyện như thế. Nó giúp cho người làm báo có thể thâm nhập vào hiện trường. Tường thuật bình luận cũng là một thể tài của báo chí. Tôi là giảng viên nhiều năm ở Học viện Báo chí và đi giảng ở nhiều nơi. Nghề BLV giúp tôi rất nhiều. Đó là cách đánh giá, tổng hợp, trình bày vấn đề. Chính bóng đá đã dạy tôi điều đó.
Đồng thời, trong quá trình làm nghề, còn rèn luyện cho tôi đầu óc phân tích tổng hợp, khả năng ngôn ngữ. Các bạn biết đấy, ngôn ngữ Việt mình thì giàu âm thanh, hình ảnh.
BLV Huy Phước: Đó là khả năng phát triển, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như phát triển nhiều khả năng khác. Một thuận lợi của tôi khi làm nghề bình luận là được gia đình ủng hộ vì mọi người trong gia đình đều biết tôi yêu và đam mê bóng đá.
Cá nhân mình trước đây từng mắc phải những sai lầm và phải nhận “gạch đá” của khán giả. Trong một trận đấu nọ, tôi đã tổng hợp sai tỷ số và bị cổ động viên ném đá. Đó là những áp lực mà tôi phải cố gắng vượt qua.
Độc giả chăm chú theo dõi, lắng nghe 2 BLV chia sẻ những câu chuyện nghề
Cảm xúc thường trực của bác Đình Khải và anh Huy Phước trước mỗi trận đấu và khi sắp lên sóng? ([email protected])
BLV Đình khải: Công việc làm nhiều năm quá rồi, cuối những năm 70 của thế kỷ trước rồi, thành ra đó như một công việc thường ngày.Tôi thích làm việc, tôi đam mê bóng đá và tôi thấy việc bình luận bóng đá như một việc không thể thiếu
Bây giờ cũng có nhiều lời mời bình luận trực tiếp nhưng tôi từchối và chỉ nhận tưởng thuật đầu trận hoặc bình luận sau trận. nhưng có lẽ mọi người không để ý. Thậm chí không bình luận trên sóng, tôi vẫn tự bình luận trên Facebook. Tôi có thói quen là không làm gì thì thôi nhưng đã làm thì phải làm đến cùng.
Tôi luôn thấy say mê với công việc, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thiện công việc. Tôi luôn cố gắng để không ai chê mình lười biếng.
Trong tôi có một tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Dù không còn làm bình luận trên sóng nhưng vẫn theo dõi từng trận đấu, nắm rõ từng thông tin rất nhỏ về bóng đá.
BLV Huy Phước: Cảm xúc trước khi tham gia bình luận, rất hồi hộp, kể cả bình luận đêm đến 3, 4 giờ sáng đều không thể ngủ được. Ở K+ thì sẽ có 2 BLV cùng tham gia bình luận song song, ̣i là “trám sóng”. Điều đó để tránh việc nói quá nhiều hoặc quá ít.
Có trận mình cùng bình luận với BLV Đức Huy trong trận đấu giải Pháp. Hai anh em đã cố gắng tìm hiểu thông tin bên lề về hai đội. Bởi khi bình luận những trận mà mình không biết đối tượng sẽ rất khó khăn. Có trận, thậm chí còn không biết tên cầu thủ, thực sự rất căng thẳng.
Một bình luận viên bóng đá có cần trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn cũng như những trải nghiệm thực tế ở các lĩnh vực khác? ([email protected])
BLV Đình Khải: Những trải nghiệm trong những lĩnh vực khác bổ trợ cho nghề BLV rất nhiều. Trước mỗi một tình huống, nhờ có nhiều trải nghiệm mà BLV có thể liên hệ đến những tình huống tương tự để cho cách bình luận sinh động hơn
BLV Huy Phước: Còn về kiến thức chuyên môn thì đương nhiên rất quan trọng. Nếu mình không hiểu về đội bóng mình đang bình luận thì làm sao có thể truyền lửa đến khán giả. Rất có thể còn bị họ ném đá nữa!
Thưa anh Huy Phước, nếu là anh trong trường hợp vì một sai lầm trong khi nói mà bị công chúng trách móc, chắc hẳn anh sẽ rất buồn? ([email protected])
Tôi còn nhớ trong một trận đấu mình từng làm BLV, vì sân nhỏ, đông khán giả, BLV không thể vào sân bình luận. Trận đấu đã diễn ra, giờ lên sóng cũng bắt đầu và tôi cũng như ban kỹ thuật của bên Đài phát thanh cũng quyết định là sẽ phải làm chậm và xin lỗi khán giả. Thông qua chương trình diễn đàn, mình mong muốn các fan bóng đá góp ý một cách thành thực nhưng không ném đá. Các bạn hãy góp ý chi tiết xem BLV sai ở đẫu, nên sửa thế nào?
Bình luận bóng đá ít nhiều mang tính chủ quan của chính người bình luận. Vậy có phải việc thần tượng một đội bóng hay có thời gian theo dõi đội bóng nào đó từ đội hình đến chiến thuật,… thường sẽ khiến bình luận viên có xu hướng chú ý hơn tới đội bóng đó trong một trận đấu? ([email protected])
BLV Đình Khải: Riêng những đội Việt Nam đá thì tôi thiên vị người Việt Nam đó vì đó là đội bóng mang màu cờ sắc áo nước tôi.
Tôi đã gào rất điên cuồng khi Việt Nam thua ở SEA Games. Tôi nhĩ là nếu lúc đó tôi không thiên vị cho người Việt Nam có khi lại bị các bạn chê trách là vô cảm và thiếu nhập cuộc với trận đấu.
BLV Huy Phước: Một người BLV bình luận và nhận xét với tư cách là người thứ 3, không đứng về bên nào. Do vậy, cảm xúc khi 2 đội ghi bàn là như nhau. Khi mình làm BLV thì dù đội nào mình cũng phải ủng hộ.
Bác và anh cảm thấy thế nào trước sự mất đi của các đội bóng cũ? ([email protected])
BLV Huy Phước: Tình yêu bóng đá bây giờ tôi chủ yếu dành cho bóng đá quốc tế, tình yêu với bóng đá Thể Công thì rất chóng vánh.
BLV Đình Khải: Tôi thấy bóng đá trước kia đá có đạo đức. Theo thông tin mà tôi được biết, có thể sẽ khôi phục lại “đế chế” Thể Công. Bóng đá xưa trải qua rất nhiều khó khăn nhưng đá bằng tâm huyết, đá hết mình. Bóng đá ngày nay chịu sức ép của những lợi ích, những ông bầu,... nên không giữ được “chất” như xưa nữa…
Tình trạng BLV tự gây ra những hiểu lầm là có thật, bác có nhận xét gì về chất lượng đội ngũ BLV bóng đá hiện tại? ([email protected])
BLV Đình Khải: Nói thẳng thắn thì tôi thấy trình độ của các bạn ấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thậm chí nhiều BLV nói lan man, không đúng trọng tâm. Số khác thì lại không có giọng điệu phù hợp, không truyền được lửa đến người xem.
Trước tình trạng BLV bị ném đá như vậy thì tôi thấy rất nhiều BLV không đến nỗi quá tệ như những gì khán giả bình xét. Có lẽ một phần là do tâm lý a-dua, hội chứng đám đông, ném đá hội đồng các BLV.
Chắc hẳn bác Đình Khải và anh Huy Phước có biết về sức ép của khán giả với nghề nghiệp của mình, nhiều khi nó đã gây ra những scandal nho nhỏ. Trước tiên xin hỏi BLV Đình Khải, bác có đồng tình với lá thư của khán giả trong tay ông Đặng Gia Mẫn? ([email protected])
BLV Đình Khải: Hôm mà Đặng Gia Mẫn đọc bức thư đó thì buổi sáng tôi đã đọc rồi. Hôm đó Đặng Gia Mẫn làm trận đầu, tôi làm trận sau và quả thực là hôm đó, tôi không ngờ anh ấy đọc bức thư đó lên trên sóng.
BLV Huy Phước: Ở khía cạnh của BLV, có rất nhiều người muốn nổi tiếng còn có những người khác lại chỉ muốn bình thường thôi. Muốn nổi tiếng là sao, tức là họ luôn cài những câu nói hay ho vào, tạo ra phong cách mới. Tuy nhiên, vô tình, họ gặp phải những khán giả khắt khe và bị “ném đá”.
Anh Huy Phước đã từng là 1 nạn nhân của “ném đá”, anh có những phòng bị gì? ([email protected])
Thực ra, ai là BLV cũng sẽ hiểu, khi bạn nhận đưuọc những lời nhận xét chi tiết từ khán giả, những lời khuyên đó có thể ghi nhận.
Khi họ nói những lời nói khiếm nhã, chửi BLV này kém cỏi hơn BLV kia, thì BLV sẽ bỏ nài tai. Bởi không hề có bất kỳ bằng chứng nào.
Việc xây dựng cá tính quyết định như thế nào đến BLV, với bác Khải? ([email protected])
Với quan điểm của tôi, điều này hoàn toàn không cần thiết. Miễn là bạn phải đắm say, cháy hết mình trên sân cỏ, tan mình vào trận đấu.
Đặc biệt, cái tôi của BLV được thể hiện rõ nhất trong những trường hợp tranh chấp, xử phạt của trọng tài. Trên tư cách một BLV, cần dựa trên luật bóng đá để bình luận những trường hợp đó. Anh phải vô tư, phân tích trên cơ sở khoa học kỹ thuật. Có những người nói “đóng”, nói “sống”, bắt người khác phải nghe theo mình. Nhiều bạn nói không có đường rút lui. Có trường hợp BLV vừa nói “không hề phạm lỗi” thì trọng tài lại thổi còi phạt. “Phạm lỗi” và “không hề phạm lỗi” là khác nhau. Khi đó, BLV nên nói là “theo tôi”…
Mình thấy, khá nhiều trường hợp BLV bị chê tơi tả vì lối nói văn hoa, so sánh khập khiễng, thậm chí là cường điệu, lộng ngôn, khoe kiến thức. Theo BLV Đình Khải và BLV Huy Phước, một người truyền lửa phải cân bằng thế nào giữa cảm xúc và khả năng tiết chế, điều khiển tư duy nghĩ và nói? ([email protected])
BLV Huy Phước: Như mình đã nói, có những BLV muốn tạo ra phong cách mới. Điều này nhiều khi đã làm hại họ. Họ mắc lỗi truyền đạt thông tin khó hiểu. BLV cần bình luận những câu đơn, sao cho truyền đạt ý cho khán giả dễ hiểu nhất. Nhiều BLV nói quá dài, từ A mãi mới đến Z, khiến khán giả cảm thấy “biết rồi mà vẫn nói”, văn hoa không cần thiết.
BLV Đình Khải: Thông qua đây, tôi muốn nhắn tới các bannj, nếu sau này có trở thành BLV bóng đá thì nên cố gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Chia sẻ trận đấu mà bác và anh nhớ mãi? ([email protected])
BLV Đình Khải: Trận năm 1998 là một trận thất bại không thể nuốt trôi. Đêm ấy tôi không về được nhà, sân Hàng Đẫy đông trật người, tôi đã phải về đài ngủ. Thật tiếc là cả đất nước mong chiếc cúp vàng nhưng rồi trắng tay.
Trận năm 2008 ở sân Mỹ Đình là một trận thắng không thể quên. Pha Công Vinh đánh đầu vào, tôi đã hò hét đến khản cổ. Đó là trận đã lắm, sướng lắm!
BLV Huy Phước: Tôi có khá nhiều cung bậc tâm trạng trong mỗi trận đấu. Trận đấu đầu tiên mà tôi tham gia bình luận là trận đấu của Pháp. Mọi thứ đều rất khó khăn vì tôi mới vào nghề, còn nhiều bỡ ngỡ.
Còn cảm xúc mà tôi cháy hết mình là trận đấu Bacenonal và Dortmund. Đó là trận đấu tứ kết năm 2013, tôi nhớ lúc bình luận trận đấu, pha ghi bàn cuối cùng tôi đã phải đứng phắt dậy. Có nhiều người nói pha đó tôi hô như trúng cá độ.
Trong một trận đấu mà có BLV đôi, vai trò của 2 BLV có tương đương không? ([email protected])
BLV Huy Phước: Tùy thuộc vào sự phối hợp giữa hai BLV lúc đó. Nếu ăn ý thì phối hợp rất đều.
Phía sau cabin 2 BLV thường ra dấu cho nhau để phân công nhau nói. Đôi khi có sự phân công giữa người bình luận chính trận đấu và người còn lại thì nói ít hơn, chỉ cung cấp thông tin bên lề.
BLV Đình Khải: Tôi và BLV Việt Phương (chuyên bình luận bóng đá Tây Ban Nha) từng định hợp tác bình luận cùng nhau theo lối bình luận dân dã, hài hước nhưng không được sếp đồng ý nên không thể kết hợp với nhau được nữa.
Theo bác Khải, kinh nghiệm để duy trì sự hào hứng khi tường thuật một trận mà có đội sắp thua? (Trưởng FC Totenham - Phan Quỳnh)
Tôi cho rằng bạn vẫn nên theo dõi trân đấu đến cuối cùng. Lúc này cần suy xét đến lý do thua cuộc. anh cần phân tích tại sao đội đó thua, phòng thủ cánh phải, cánh trái ra sao, lỗi tại ai, cá nhân hay tinh thần đồng đội?… Anh phải đọc vị được những điều đó thì mới cảm thấy thanh thản. Nếu đã tìm ra nguyên nhân, thì nếu có thua cũng thỏa mãn.
Dự định tiếp theo của anh Huy Phước là gì? Về bản quyền chương trình, K+ sẽ tiếp tục trình chiếu như thế nào?
Thực ra tương lai mình vẫn sẽ theo đuổi bóng đá Đức thôi. Đây là con đường mình đã lựa chọn từ khi tham gia K+. trước đây mình đã từng bình luận giải nại hạng Anh nhưng có vẻ không hợp lắm! Mình nghĩ, sau khi bình luận các giải Anh, Ý, Đức, chi bằng làm một giải Đức thôi, bởi có người đi trước là bác Lập hướng dẫn.
Có một thông tin hơi buồn về giải bóng đá Đức mình muốn chia sẻ. Vào mùa giải sau K+ sẽ không phát sóng những trận trong giải Đức nữa. Nhưng giải đấu khác nữa. K+ vẫn sẽ cố gắng truyền tải thật nhiều những giải đấu hấp dẫn để phục vụ khán giả.
Video buổi giao lưu trực tuyến
TS Nguyễn Thị Trường Giang tặng hoa, chụp ảnh cho khách mời và BTC chương trình
Buổi giao lưu trực tuyến đã nhận được hơn gần 260 câu hỏi từ quý vị độc giả. Tuy nhiên, vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi sẽ tiếp tục gửi các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và xin hẹn giải quyết vào một dịp giao lưu trực tuyến hoặc bài viết khác trên Sóng trẻ.
Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi và tham gia chương trình của quý độc giả!
Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận