Giáo viên phổ thông dạy mầm non: Đâu phải điều đơn giả
(Sóng trẻ) - 26.000 giáo viên dư thừa trong hệ thống, trong khi 32.000 là con số mà nguồn nhân lực ngành giáo dục mầm non đang thiếu. Điều chuyển giáo viên các bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở xuống dạy mầm non liệu có phải giải pháp thích hợp nhất cho cuộc khủng hoảng thừa giáo viên hiện nay?
Thực trạng cán cân lệch
Tính đến thời điểm tháng 2 năm 2017, ngành giáo dục Việt Nam chính thức ghi nhận con số kỷ lục với tình trạng thừa 26.000 giáo viên trong toàn hê thống, đặc biệt phần lớn là ở bậc Trung học phổ thông (THPT) và Trung học cơ sở (THCS). Trong khi đó nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục mầm non đang thật sự “khan hiếm”. Bà Ngô Nghĩa Bắc (hiệu trưởng trường mầm non Liên Bảo, Vụ Bản, Nam Định) cho biết: “Một trường mầm non nhỏ của địa phương như trường chúng tôi luôn có nhu cầu tuyển thêm giáo viên, hiện nay,số lượng giáo viên mầm non tương đối ít, phân về địa phương lại càng hiếm".
Cả nước đang thiếu hơn 30.000 giáo viên mầm non
Sự mất cân bằng trong việc phân bổ nhân lực các ngành trong hệ thống giáo dục gây nên tình trạng lệch lạc, bên thiếu bên thừa. Một số lượng lớn “Cử nhân sư phạm” bậc trung học ra trường sẽ không biết đi đâu về đâu, trong khi giáo dục mầm non đang thật sự rất “ khát người” .
Giáo viên phổ thông thành cô giữ trẻ?
Một giải pháp mang tính tạm thời mà bộ Giáo dục đưa ra nhằm giải quyết lượng lớn cử nhân thất nghiệp chính là điều chuyển một bộ phận giáo viên từ các bậc trung học xuống dạy mầm non. Bộ phận này sẽ được đào tạo ngắn gọn chuyên ngành sư phạm mầm non trong vòng một năm và được cấp bằng sư phạm mầm non làm văn bằng hai.
Quyết định này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Hoàng Anh (ĐHSP) chia sẻ: “Không thú vị gì khi mình được đào tạo chuyên sâu một ngành và đến khi ra trường lại làm một ngành khác, càng khó hơn khi đó là ngành mầm non".
Trước thực trạng ngao ngán của nhiều sinh viên sư phạm khi vốn kiến thức chuyên sâu bốn năm đại học giờ thành vô ích, buộc lựa chọn hoặc “thất nghiệp” hoặc: “làm trái chuyên môn”.
Hơn thế, giáo dục mầm non là một ngành khá đặc thù, đòi hỏi nhiều kĩ năng nghiệp vụ riêng. Tính chất giữa việc dạy đối tượng đã trưởng thành khác hoàn toàn với việc làm một cô giáo dạy trẻ. Cô Điệp (Trường mầm non Liên Bảo) cho biết: “Nhiều giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chuyên môn đôi khi không kiềm chế được cơn tức giận của mình khi trẻ khóc, quấy, đây là công việc đòi hỏi tính nhẫn nại cao, việc thấu hiểu và yêu thương trẻ quan trọng hơn là truyền tải được bao nhiêu kiến thức".
Và quan trọng , trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chở che, nhiều phụ huynh bắt đầu lo lắng trước cảnh con em họ có thể được dạy dỗ bởi đội ngũ tay ngang, thời gian đào tạo quá ngắn cũng như không mấy thích thú với nghề. Chị M (Hà Nội) e ngai: “Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra đối với trẻ nhỏ, điều chuyển như vậy cần một sự sàng lọc kĩ càng, nghiêm túc và minh bạch".
Kết
Còn quá sớm để đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho cuộc khủng hoảng thừa giáo viên hiện nay. Nhưng câu hỏi mà dư luận quan tâm nhất và cần những người trong cuộc trả lời chính là: “Liệu các giáo viên tay ngang có thể thích nghi được với tính chất “khắc nghiệt” của công việc, liệu họ có thể đặt cả cái tâm của mình vào một công việc do “miễn cưỡng” mà làm? ”
Hiền Lương K36.7