Gìn giữ một dòng tranh

(Sóng trẻ) - Nghề làm tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) xuất hiện cách đây khoảng vài trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, hiện nay dòng tranh đặc sắc này vẫn đang được lưu giữ, phát triển.
Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ là kĩ thuật làm tranh. Trước hết phải có nghệ nhân khắc tranh lên ván gỗ, sau đó in lên giấy. Giấy làm tranh là loại  giấy dó (làm từ vỏ cây dó) được phết lên trên một lớp điệp. Màu sắc của tranh bao gồm: màu đen là than sau khi đốt lá tre ; màu xanh của lá tràm , màu vàng của hoa hòe , màu đỏ thắm của cây vang,... Trên cơ sở những màu cơ bản ấy, nghệ nhân tiếp tục sáng tạo để làm nên những bức tranh sống động với việc hòa quyện các màu sắc, nét vẽ. Các công đoạn làm tranh hết sức công phu, tỉ mỉ, trải qua nhiều bước liên tục, sau khi sơn hồ lên giấy thì đem phơi khô, quét điệp lên rồi phơi tiếp, khi in thì phải in lần lượt từng màu, mỗi lần phơi lại in một màu khác. 
c45c9544f_1.jpg
Tranh “Nhân nghĩa” với hình ảnh em bé ôm cóc cầu chúc em bé học hành hiển đạt
Tranh Đông Hồ phản ánh đời sống sinh hoạt tinh thần, vật chất của xã hội. Mỗi bức tranh đều đi kèm những thông điệp sâu sắc mà người nghệ nhân muốn gửi gắm: khát vọng hạnh phúc, ấm no, tinh thần đoàn kết, là đặc điểm tích cách, lối sống của người Việt trong ứng xử thường nhật,…
Tranh Đông Hồ có những thời điểm đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu như trước đây là sự tàn phá của chiến tranh thì bây giờ, sự phát triển của công nghệ in khiến cho nghề làm tranh không thể phát triển được như trước. Hầu hết người dân trong làng đã chuyển sang nghề hàng mã với hiệu quả kinh tế cao hơn. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng nỗi đau đáu về cái nghề mà ông cha để lại vẫn cứ ám ảnh những người còn nặng lòng với quê hương. 
Từ 17 dòng họ cùng làm tranh, đến nay chỉ còn 2 gia đình trong làng còn giữ được nghề tranh truyền thống, đó là gia đình của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. 
Ông Nguyễn Đăng Chế cho biết, từ sau khi nghỉ hưu năm 1992, ông bắt đầu cố gắng nghiên cứu, tìm cách phục hồi dòng tranh của làng. Ông tìm mua các bản khắc cổ từ các gia đình chuyển nghề. Sau nhiều cố gắng, đến nay, ông đã lưu giữ được gần 100 bản khắc cổ, có những bản khắc có niên đại 200 năm tuổi. Đồng thời, ông cũng phục chế hàng trăm bản khắc khác. Chính nhờ những nền tảng này, ông Chế đã dần khôi phục được dòng tranh Đông Hồ tưởng như đã rơi vào quên lãng. 
c45c9544f_2.jpg
Mỗi ngày tranh Đông Hồ chỉ được in một màu 
Từ việc xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, đến mở xưởng in tranh, mở cửa hàng quảng bá tại Hà Nội, đem tranh đi trưng bày ở khắp các hội chợ trong và nài nước, những cố gắng của người nghệ nhân này đã thu được thành quả đáng tự hào. Xưởng tranh của ông mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tới tham quan và mua tranh. “ Mình làm vì cái tâm với nghề, với quê hương. Hy vọng rằng trong tương lai khi sống được với nghề,  không chỉ có mình gia đình tôi mà cả làng sẽ đều làm tranh” – ông Chế tâm sự. 
Không chỉ là những cố gắng của các thế hệ đi trước, người trẻ Việt hôm nay cũng có những cách riêng để bảo tồn di sản truyền thống của dân tộc. Nguyễn Xuân Lam, một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp chuyên ngành Hội hoạ tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã gây ấn tượng lớn với dự án “Vẽ lại tranh dân gian”. Anh đã ứng dụng đồ họa vào việc “làm mới” các tác phẩm tranh Đông Hồ. Với nguyên tắc bảo tồn các giá trị truyền thống, anh quyết định vẫn giữ nguyên các tạo hình so với bản gốc, kết hợp thêm hiệu ứng và trau chuốt lại bằng các chi tiết của cá nhân mình cho bức tranh được hoàn chỉnh hơn. Những màu sắc chủ đạo vẫn dựa trên những màu gốc của tranh Đông Hồ đó là xanh, vàng, đỏ, nâu đen.
c45c9544f_3.jpg
Một trong những bản khắc cổ mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn lưu giữ
Không dừng lại chỉ ở những bức tranh được cách tân mà những chi tiết, nét vẽ còn được ứng dụng trở thành họa tiết cho các sản phẩm quen thuộc trong đời sống như quần áo, túi xách, bao lì xì, lịch treo tường,.. Nguyễn Xuân Lam chia sẻ “Mình muốn vẽ lại vì tiếc nuối cái thời hoàng kim của tranh Đông Hồ đã qua, và không muốn chúng cứ mãi nằm im trong tủ kính”. 
Tất nhiên việc cách tân tranh dân gian vẫn cần thêm thời gian để trả lời dấu hỏi về tính bản sắc. Nhưng giữa lúc tranh dân gian đang tìm cách để tồn tại giữa bủa vây của những khó khăn , thì việc góp thêm một cách thức để lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy với một thái độ trân quý là điều xứng đáng được ghi nhận ở những người Việt trẻ.
Nghề làm tranh Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu 2017. Điều này đã mở đường cho việc vinh danh và phát huy một dòng tranh truyền thống. Nhưng để có thể đưa tranh dân gian Đông Hồ trở lại thời kỳ vàng son, chắc chắn không thể chỉ dừng lại ở  nỗ lực của những cá nhân như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hay họa sĩ Nguyễn Xuân Lam mà cần thêm sự cộng hưởng đến từ cộng đồng trên hành trình thực sự gian nan ấy. 
Đình Trường 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN