Hà Nội xưa và nay qua bộ sách "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX"
(Sóng Trẻ) - Với sự tham gia của Họa sĩ - nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, buổi tọa đàm mang đến cái nhìn rõ hơn về lịch sử cũng như con người của Thủ đô ngàn năm văn hiến ở nửa đầu thế kỉ XX.
Tối 5/10, tọa đàm “Hà Nội xưa và nay” diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Hoạt động được tổ chức nhân dịp tái bản bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn.
Họa sĩ, nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng (giữa) và Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (bên phải) trong buổi tọa đàm
Tọa đàm “Hà Nội xưa và nay” bàn về những thay đổi của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai, cũng như là không gian để thảo luận về "Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX", tư liệu được coi là bộ “Hà Nội sử” mà bất kỳ ai muốn hiểu về Hà Nội đều phải đọc.
Rất nhiều khán giả đã đến tham gia buổi tọa đàm
Bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX” gồm 2 tập được chia làm 6 quyển, dựa trên các khu vực của thành phố. Mỗi quyển có một bài mở đầu nêu những đặc điểm riêng của khu vực nói trong tập đó, rồi lại chia tiếp thành các phần, chương theo đặc điểm địa lý và dân cư.
Bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX”
Sách có phụ lục Về tên phố của Hà Nội, Danh sách Toàn quyền Đông Dương từ 1884 đến 1945 và Những đơn vị hành chính của Hà Nội từ sau 1945, bản đồ và các chỉ dẫn khác phục vụ cho việc tra cứu.
Anh Nguyễn Xuân Minh - Trưởng phòng kế hoạch về bản quyền của Nhã Nam cho biết: "Nhã Nam đã lên kế hoạch phát hành những bộ sách về Hà Nội từ lâu và "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX" là bộ sách giá trị nhất đã được trao giải thưởng Thăng Long. Khi đọc bộ sách thì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị rất lớn nên đã quyết định liên hệ với gia đình cụ Nguyễn Văn Uẩn để có thể tái bản lại bộ sách này"
Về tác giả Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) sinh tại làng Thượng Cốc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sớm tiếp thu truyền thống hiếu học của gia đình, ông tốt nghiệp trường Bưởi năm 1931. Sau khi đi kháng chiến về, ông trở thành giáo viên dạy văn, sử, nại ngữ ở các trường trung học và đại học Hà Nội. Nguyễn Văn Uẩn có nhiều duyên nợ với nghiên cứu lịch sử và dành mối quan tâm đặc biệt đến lịch sử Hà Nội. Ông từng thực hiện các chương trình nghiên cứu độc lập và tham gia biên soạn những giáo trình lịch sử lớn như: Lịch sử Việt Nam sơ khảo (1946), Việt sử cương yếu (1948), Lịch sử thủ đô Hà Nội (1962) và Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX |