Gìn giữ "vốn xưa" bài 3: Nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt

(Sóng trẻ) - Ở một ngôi làng thuần nông ven dòng sông Nhuệ, nằm trên rẻo đất cuối cùng của Hà Nội, tưởng chừng người dân nơi đây một đời chỉ trung thành gắn bó với cây lúa, luống rau. Thế nhưng, hàng trăm năm nay người làng ấy đã mang hơi thở của ruộng đồng phèn đất làm nên cái nôi của bao loại nhạc cụ dân tộc nức tiếng xa gần.

 

image004.gif

Nhạc cụ là một tác phẩm hoàn thiện, hoàn mỹ. Hoàn thiện mới tạo ra cho đời âm thanh chuẩn và hay. Hoàn mỹ mới cho con mắt người đời sự trầm trồ, ngưỡng mộ. Từ xa xưa, làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được biết đến là một vùng quê giàu bản sắc văn hóa bởi nơi đây là cái nôi của nghề làm đàn, là làng duy nhất có nghề làm nhạc cụ, được ví như một bảo tàng sống về loại sản phẩm đặc biệt này. Cách đây gần 200 năm trước, cụ Đào Xuân Lan đã mang nghề làm đàn về quê hương, truyền thụ cho con cháu và sau này trở thành nghề truyền thống của làng. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, người trong làng mưu sinh chủ yếu bằng nghề này. Tiếng đàn Đào Xá khi ấy nức tiếng gần xa, vang vọng từ trong Nam ra ngoài Bắc.

lam-dan.png

Nghệ nhân Đào Văn Soạn (Thôn Đào Xá, xã Đông Lô, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Kể cả xưởng nhạc cụ Quốc dân ở Thanh Hóa cũng là người làng này, đi xa hơn nữa khi người làng này đi di cư, thì Hồ Thị Ngà, Lê Thị Hồng Gấm, các xưởng nhạc cụ đó cũng là của người làng này. Từ Nam Định, Thanh Hóa đến đất Sài Gòn cũng là người làng này hết”.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn của Đào Xá cũng giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra đều được đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, khi nước ta rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp. Những nghệ nhân làm đàn ở làng bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc. Phải tới đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Đảng và Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá mới dần có những bước chuyển mình. Tuy nhiên cũng khó có thể khôi phục lại thời kỳ hưng thịnh như ban đầu.

 

image020.gif

Nếu như ở khâu trình diễn là cao trào của cảm xúc, là thăng hoa của nghệ thuật  thì có lẽ những nguyên liệu vô tri, tiếng đục đẽo thô ráp chính là sự khởi nguyên. Từ những nguyên liệu vật chất bình thường với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những người thợ thủ công đã tạo ra nguồn âm thanh vừa mộc mạc vừa tinh tế, mang đậm dáng vẻ hồn cốt văn hóa dân tộc.

Quy trình làm ra một chiếc đàn Nguyệt

Nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng có lắm công phu. Để làm ra được một cây đàn như ý phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, tài hoa của bàn tay người thợ. Nguyên vật liệu chủ yếu để làm đàn là gỗ trắc và gỗ vông. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện, tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của người xưa để lại. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của làng nghề này.

untitled.png

Nghệ nhân Đào Văn Soạn cho biết: “Nếu muốn làm ra được một cây đàn chuẩn tốt phải kỹ lưỡng từ khâu chọn gỗ, phơi gỗ. Gỗ mua về phải được phơi khô kiệt. Và thông thường gỗ phải để 2 đến 3 năm sau mới cho vào sản xuất chứ không sản xuất ngay. Làm như vậy để tránh sự cong vênh, nứt vỡ, khiến cây đàn được bền hơn. Đồng thời đảm bảo được âm thanh trong, vang, đạt yêu cầu”.

Người làm mộc thì tay mực, tay thước là quan trọng còn người làm đàn thì phải cần thêm cái tai thính để thẩm âm cho chuẩn, cái tay khéo để trang trí cho đẹp. Những nghệ nhân làm đàn ở nơi đây thường đùa với nhau rằng: Làm nghề này cũng có cái phiêu của nó. Khi phôi thai đục đẽo, vẽ, chạm khắc lên hình hài được cái đẹp đã tâm đắc. Khi so dây đánh thử lại được hay thì không gì vui sướng bằng.

Anh Phùng Anh Trung (thợ làm nhạc cụ dân tộc ở thôn Đào Xá) chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu học nghề, làm cây đàn tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ. Có khi làm từ sáng đến tối vẫn chưa hoàn thiện được một phần. Bào đi bào lại vẫn chưa được như ý nhưng dần dần, qua thời gian khổ luyện, trau chuốt, đến khi nhìn thấy cây đàn đầu tiên mình làm ra phát ra được âm hay, cảm giác ấy hạnh phúc lắm”.

image041.jpg
Để theo được cái nghề lắm công phu này, người thợ thường phải học việc từ 2 - 3 năm. Người học phải thật chỉn chu, cần mẫn, và phải có tâm với nghề. Và khi đã theo nghề thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục.
image043.jpg
Sản phẩm của làng Đào Xá cũng rất đa dạng từ cây đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà,… cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu,… Các cây đàn được sinh ra dưới bàn tay của những người “nông dân nghệ sỹ” nơi dây có mặt trên khắp thị trường trong Nam, ngoài Bắc, và thậm chí còn vươn ra khỏi biên giới, ngân vang ở cả những vùng đất xa.

 

image048.gif

Ở Đào Xá hiện không còn nhiều người làm đàn, người dân chuyển nghề khác vì có thu nhập cao hơn. Nguyên liệu lại ngày càng khan hiếm, nhu cầu về nhạc cụ dân tộc cũng ngày càng ít, lượng đàn bán ra vì thế cũng giảm theo. Bên cạnh đó nhiều người trẻ tuổi trong làng dù cũng có yêu thích nghề sản xuất nhạc cụ nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề vì tính phức tạp và sự gò bó của nó. Với họ, hành trình duy trì lửa nghề qua các thế hệ vẫn còn là con đường gian nan. 

 “Lớp trẻ bây giờ không thích nghề này nhiều vì nó đòi hỏi tương đối khắt khe về mỹ thuật, kỹ thuật, học nghề ít ra là phải hai, ba năm mới ra làm nghề được, mà hai năm nhiều khi lớp trẻ hay sốt ruột lắm. Trước đây có một cụ ở Hà Nội cũng làm đàn, nhưng ông ấy mới mất cách đây mấy năm rồi, nên bây giờ chỉ còn đúng mỗi tôi là lứa tuổi cao nhất, giữ nghề cho đến bây giờ. Năm nay tôi cũng gần 80 rồi, chỉ mong giới trẻ quan tâm nhiều hơn để làng nghề không bị mai một” - ông Soạn bộc bạch.

Bạn Phương Mai (21 tuổi) chia sẻ: “Tôi yêu thích nhạc cụ dân tộc nên thường đến đây để tham quan và tận mắt ngắm đàn của làng Đào Xá. Mỗi lần đến đây vừa được xem nghệ nhân làm đàn, vừa được thưởng thức âm nhạc, cảm giác rất yên bình. Âm nhạc và cảnh làng quê thực sự rất tuyệt vời. Là một người trẻ, tôi cũng mong muốn nhiều người biết đến hơn về nhạc cụ truyền thống ở làng Đào Xá.”

Nghề làm đàn không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp làng nghề truyền thống, mà còn mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các thế hệ sau. Những giai điệu ca trù, hát văn, cải lương... từ đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tranh... không phải đi đâu cũng có thể thưởng thức được. Tuy vậy, để có được đam mê và đi theo con đường làm nghề không phải là điều dễ dàng.

image049.jpg
Hành trình truyền lửa, giữ nghề ở làng làm đàn Đào Xá vẫn còn lắm gian nan

Xưa nay nghề làm đàn ở Đào Xá vốn là nghề cầm tay, chỉ việc. Chính vì thế, nghệ nhân Đào Văn Soạn luôn ủng hộ và giúp đỡ cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đến đây học nghề.

“Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tôi sẵn sàng dạy làm đàn miễn phí, chỉ cần đến đây học thôi, căn bản là có đam mê hay không, để còn giữ lấy cái nền âm nhạc truyền thống của dân tộc ta" - nghệ nhân Đào Văn Soạn trăn trở.

Nghề làm đàn ở Đào Xá cũng đã qua nhiều bước thăng trầm, để gìn giữ lửa nghề âm ỉ cháy mãi cho đến ngày hôm nay là một sự nỗ lực rất lớn của các thế hệ nghệ nhân trong làng. Những cây đàn mang hồn cốt dân tộc đã trở thành tâm huyết và niềm kiêu hãnh tự hào của người làng Đào Xá. Họ đang ngày đêm bên những cây cưa, thớ gỗ để góp phần giữ gìn và phát triển thương hiệu đàn Đào Xá. 

XEM ĐẦY ĐỦ TOÀN BỘ NỘI DUNG BÀI VIẾT TẠI ĐÂY.

 

 

 

Gìn giữ "vốn xưa" bài 1: Người hồi sinh chiếu Xẩm

Gìn giữ "vốn xưa" bài 2: Một đời nặng lòng với cây đàn thập lục

Gìn giữ "vốn xưa" bài 3: Nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN