Gìn giữ "vốn xưa" bài 1: Người hồi sinh chiếu Xẩm

(Sóng trẻ) – Hát Xẩm là một loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xứ dân gian độc đáo mang đậm bản sắc của văn hóa Việt và từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người lao động. Tuy nhiên những thay đổi trong lịch sử đã khiến nghệ thuật hát Xẩm dần vắng bóng trong đời sống. Bằng tình yêu và những nỗ lực không mệt mỏi, cống hiến hết mình cho nghệ thuật hát Xẩm, nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình với mong muốn đưa nghệ thuật hát Xẩm đến gần hơn với công chúng.

 

image003.png

 

Hát Xẩm được coi là một môn nghệ thuật gắn liền với nhân dân lao động và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Thông qua những làn điệu Xẩm, người dân gửi gắm tâm tư, tình cảm, thể hiện ước vọng của mình về cuộc sống.

Ra đời đến nay đã hơn 700 năm, loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp trong xã hội đang dần có nguy cơ bị lãng quên và mai một. May mắn thay, có những người nghệ sĩ bằng tình yêu và tâm huyết đang ngày đêm giữ gìn và khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian này.

Không được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật nhưng ngay từ khi 8 tuổi, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã thi đỗ vào Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (sau này là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) và tiếp tục học sơ cấp đàn Nhị - một trong những nhạc cụ vô cùng khó. Vì trên thân đàn không chia những nốt nhạc, người học hoàn toàn phải tự căn chỉnh bằng nhạc cảm qua đôi tai của mình, có những khi phải ngồi cả buổi để chỉnh vì kéo chưa đúng nốt nhạc.

Cây đàn nhị đối với Mai Tuyết Hoa giống như một cái duyên, cái nghiệp. Chính thầy Lê Quang Đạt - người thầy đầu tiên dạy nhạc của Mai Tuyết Hoa ở trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội đã sớm phát hiện tài năng của cô học trò nhỏ. Chính sự động viên, chăm sóc của thầy đã trở thành nguồn động lực vô cùng lớn lao đối với cô học trò nhỏ năm nào khi theo đuổi loại nhạc cụ này.

image005.jpg
theo-hoc-bo-mon-dan-nhi-khoang-cach-lon-nhat-khong-phai-la-nhung-ky-nang-phuc-tap-cua-nhac-ly-ma-la-su-ky-thi-vo-ly-cua-nguoi-doi.png

 

image016.png

Có thể nói cái duyên của Mai Tuyết Hoa với bộ môn nghệ thuật hát Xẩm đến rất tự nhiên khi cô học hết trung cấp, sơ cấp ở Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội rồi theo học Đại học tại Nhạc viện Hà Nội.

Cũng với cây đàn Nhị, năm 1996, khi còn là sinh viên năm 2, Mai Tuyết Hoa có cơ hội làm thêm ngoài giờ ở Viện Âm nhạc. Đây là bước ngoặt quan trọng của cô khi công việc hàng ngày là nghe các băng đĩa nhạc dân gian, tách nhạc và lời, chép ra tài liệu để làm tư liệu lưu trữ. Đây cũng là giai đoạn Tuyết Hoa tiếp nhận với nhiều loại hình âm nhạc dân gian trong đó có hát Xẩm.

Trong một lần ngồi nghe các băng đĩa nhạc ấy, Mai Tuyết Hoa đã vô tình tìm được 1 báu vật đó là bài hát “Công cha ngãi mẹ sinh thành” do nghệ nhân Hà Thị Cầu hát. Mỗi tiếng đàn lời ca của nghệ nhân Hà Thị Cầu như có sức hút mạnh mẽ với Mai Tuyết Hoa. Cô chìm đắm, say mê trong làn điệu Xẩm. Kể từ giây phút đó, cây đàn vốn đã thân thương gắn bó thì nay lại trở thành đôi cánh để Mai Tuyết Hoa đến gần hơn với nghệ thuật hát Xẩm.

Lửa nghề nhen nhóm, chẳng quản ngại đường xá xa xôi, cô tìm về miền quê Ninh Bình để tìm gặp và thọ giáo những ngón đàn điệu hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu - người cuối cùng và duy nhất có thể truyền lại lối hát truyền thống tức là vừa kéo Nhị vừa hát. Không dừng lại ở đó, Mai Tuyết Hoa tiếp tục tìm gặp cụ Trùm Nguyên, Thân Đức Chinh - những người hát Xẩm nổi tiếng ở phố Khâm Thiên - cùng với sự dìu dắt của các nghệ sĩ ở Viện Âm nhạc, Mai Tuyết Hoa đã thật sự bước vào thế giới âm nhạc truyền thống với tất cả tình yêu say đắm và có những tiến bộ nhanh chóng. Cứ như vậy, từ lúc nào chẳng hay, Xẩm trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Mai Tuyết Hoa.

Nhạc sĩ Giáng Son - một trong những người bạn đồng hành thân thiết của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình chia sẻ: “Để có một Mai Tuyết Hoa như bây giờ, Tuyết Hoa cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Vì từ một nghệ sỹ đàn Nhị chưa bao giờ nghĩ là có thể hát được mà lại còn là hát Xẩm. Một thể loại rất khó, phải hát thật khéo để cho ra đúng chất Xẩm mà không bị lẫn với Chèo, không bị nhầm sang Quan Họ. Phải nói là Hoa đã thực sự vượt lên được chính mình”.

image020.jpg
Mai Tuyết Hoa cùng nhạc sỹ Giáng Son và nhạc sỹ Nguyễn Quang Long

 

image022.png

Mặc dù công việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của cô nhưng bằng tình yêu và những nỗ lực không mệt mỏi, sống hết mình cho nghệ thuật hát Xẩm, nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa cũng đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Cô luôn mong muốn đưa Xẩm đến gần hơn với công chúng. Bởi vậy Mai Tuyết Hoa đã cùng với một số nghệ sĩ trẻ như nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ ca sĩ Giáng son, nghệ sĩ Khương Cường thành lập ra nhóm Xẩm Hà Thành. Chính những tâm huyết và tài năng của các nghệ sĩ trẻ như một làn gió mát khơi thêm nhiệt huyết cho các nghệ sĩ dân gian gạo cội.

Cuộc sống của các nghệ sĩ âm nhạc dân gian đã nghèo, nhưng hát Xẩm còn nghèo hơn bao giờ hết nên những nghệ nhân hầu như không còn ai theo nghề nữa ngoài cụ Hà Thị Cầu nhưng cũng vì lẽ đó lại càng thúc đầy các nghệ sĩ quyết tâm hơn nữa trên con đường hồi sinh điệu hát của đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ xưa.

image024.jpg
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành trong một buổi biểu diễn tại không gian tượng đài vua Lê trên phố Lê Thái Tổ thuộc khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Nhóm sẽ biểu diễn tại đây vào ba ngày cuối tuần nhằm đưa Xẩm đến gần hơn với khán giả.

Đến năm 2009, được sự giúp đỡ nhiệt tình của giáo sư Hoàng Chương và sự tin tưởng của các đồng nghiệp, Mai Tuyết Hoa được giao nhiệm vụ nắm giữ hoạt động của Trung Tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật. Với Mai Tuyết Hoa, đây là bệ phóng vững chắc giúp cô đưa Xẩm đến gần hơn với đời sống văn hóa xã hội.

Không chỉ dừng lại ở trong nước, Mai Tuyết Hoa đã đưa lời ca tiếng đàn, những làn điệu độc đáo của Xẩm đi khắp mọi nơi. Những dự án âm nhạc của cô còn vượt qua cả biên giới Việt Nam, đến với các bạn bè quốc tế.

Với sự thể hiện và cách tân độc đáo nghệ thuật Xẩm, Mai Tuyết Hoa đã đưa Xẩm đến gần hơn với giới trẻ. Cô và nhóm Xẩm Hà Thành đã cho ra đời những tác phẩm mới mang hơi thở thời đại như Xẩm Tiễu trừ Cướp biển, Xẩm Trà đá, Bàn chuyện thời sự, … hay mới đây là Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội hay Xẩm Tiễu trừ Corona. Cho đến nay, Xẩm không chỉ là tiết mục không thể thiếu trong các buổi biểu diễn lớn mang hương vị truyền thống mà loại hình âm nhạc này còn là đặc sản trong những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - thành viên nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: “Khi đưa nghệ thuật truyền thống trở về với đời sống đương đại, yếu tố mà chúng tôi chú ý hàng đầu đó là làm sao để những giá trị truyền thống có thể đến với khán giả một cách gần gũi nhất đặc biệt là các bạn trẻ. Vì các bạn trẻ là những người lưu giữ nghệ thuật truyền thống trong tương lai. Chính vì vậy, chúng tôi tập chung chú ý những vấn đề về tiết tấu, lời ca, sắc thái âm nhạc làm sao phù hợp nhất với người trẻ hôm nay nhưng cũng không mất những giá trị tinh túy nhất của nghệ thuật hát Xẩm cổ truyền”.

image032.jpg
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa và nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cùng kết hợp trong một tác phẩm

Hồi sinh trên nền tảng lịch sử tồn tại hàng trăm năm, với sự tiếp sức nỗ lực của các nghệ sĩ đương thời. Xẩm đang giữ vững những nhịp đập khỏe khoắn trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Cô sinh viên Mai Tuyết Hoa năm nào nay đã trở thành một nghệ sỹ chân chính, tâm huyết, luôn hết mình cho việc bảo tồn và phát triển hơn nữa nghệ thuật truyền thống nói chung và Xẩm nói riêng. Cô tâm sự: “Chắc chắn rằng nếu còn thời gian, công sức và còn những tâm huyết nhiều hơn nữa thì tôi vẫn mong muốn là con đường mà mình đang đi nó sẽ được nối dài”.

Khi đời sống vật chất đã đầy đủ hơn nhưng đời sống văn hóa vẫn còn thiếu món ăn độc đáo thì không có lý do gì trong đời sống hiện đại hôm nay, Xẩm lại không tìm được vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Hy vọng với những nỗ lực không ngừng, với đam mê và nhiệt huyết cháy bỏng của những người như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một ngày không xa những làn điệu nghệ thuật dân gian nói chung và nghệ thuật hát Xẩm nói riêng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người con đất Việt.

XEM ĐẦY ĐỦ TOÀN BỘ NỘI DUNG BÀI VIẾT TẠI ĐÂY.

 

 

 

Gìn giữ "vốn xưa" bài 1: Người hồi sinh chiếu Xẩm

Gìn giữ "vốn xưa" bài 2: Một đời nặng lòng với cây đàn thập lục

Gìn giữ "vốn xưa" bài 3: Nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN