Giọt lệ trong đêm đông

(Sóng trẻ) - Lau vội giọt nước mắt nơi khóe mi, những mảnh đời vất vả của người lao động nghèo trong đêm tựa như những nốt trầm trong bản giao hưởng cuộc đời. Dẫu mang trong mình bao nỗi niềm riêng, họ vẫn gắng hướng về một ngày mai tươi sáng.

Nốt lặng giữa chợ đời náo nhiệt

Gió bấc hun hút luồn qua những con hẻm nhỏ, mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt của đêm đông Hà Nội. Ở một góc phố khuất, gần cổng sau chợ đầu mối Long Biên - nơi hàng hóa tấp nập ra vào suốt đêm, nơi tiếng còi xe hòa lẫn vào nhau ánh đèn vàng vọt hắt lên bóng dáng gầy guộc của một người đàn bà. Bà Lan, 80 tuổi, ngồi lặng lẽ bên gánh hàng nước nhỏ xíu, như một nốt lặng cô đơn. Khuôn mặt bà hằn sâu những nếp nhăn, từng đường nét như khắc họa dấu ấn không thể xóa nhòa của thời gian. Đôi mắt bà đục ngầu, nhưng vẫn ánh lên một tia nhìn xa xăm, như đang tìm kiếm một điều gì đó trong màn đêm vô tận.

anh-1.jpg
Bà Lan nở nụ cười tươi dù cuộc đời chẳng mấy tươi đẹp với bà. (Ảnh: PV)

Âm thanh xô bồ của chợ đêm như một bản giao hưởng đầy hỗn tạp. Giữa sự ồn ã ấy, bà Lan vẫn ngồi đó, quen thuộc và lặng lẽ. Vài người dừng xe, mua ủng hộ bà chai nước, hay gói thuốc lá, rồi lại vội vã rời đi. Sau mỗi giao dịch chóng vánh ấy, những tấm lòng hay chút tiền lẻ lại là niềm động viên, cỗ vũ lớn lao đối với bà Lan.

Giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên khuôn mặt phờ phạc của bà Lan khi nhắc đến chuyện gia đình, một nỗi niềm day dứt trong tim. Bà Lan không có một mái ấm hoàn chỉnh, không chồng con. Căn bệnh tim quái ác đã đeo bám bà từ năm 35 tuổi. Nó không chỉ cướp đi sức khỏe mà còn đẩy bà vào cái vòng xoáy của sự cô đơn và nghèo khó. “Bà nhiều bệnh lắm con ạ, tim, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu”, bà tâm sự.

Bà kể, từ ngày bệnh tật ập đến, sức khỏe suy yếu, bà phải chuyển sang bán hàng nước đêm. “Tính ra bà không muốn lên đây đâu, mà tiền thì không có”. “Hôm nào nhiều khách thì được hơn 200 nghìn, hôm nào ít khách thì chỉ được hơn 100 nghìn”. Bà nhớ những lần đi khám bệnh, được người ta cho đi mổ tim, nhưng rồi lại phải bỏ dở vì không có tiền. “Khổ lắm con ạ”, bà tủi thân. 

Bà bám trụ vào gánh hàng nước với cái ghế nhựa cũ đã sờn màu, mấy chai nước ngọt, gói trà đá, mặc kệ những khó khăn. Bà không than vãn, không oán trách mà chấp nhận số phận, tự nhủ với mình: “Không có tiền thì phải cố”. Mỗi ngày, bà bắt xe buýt từ nhà trọ đến chỗ bán, gánh hàng được gửi nhờ ở nhà người hàng xóm. Bà tâm sự: “Các chú tốt lắm, cho bà gửi nhờ. Sáng thì nhờ chú ấy đẩy ra, tối nhờ chú ấy đẩy về”. 

Bà kể, bà có những người con, người cháu không cùng dòng máu nhưng luôn quan tâm, chăm sóc. Họ là những người khách quen, là những người hàng xóm tốt bụng. Họ cho bà tiền, quan tâm nhiều đến sức khỏe của bà. Bà khoe sắp được một cháu gái tối nay sẽ mang tặng bà chiếc áo khoác với giọng tràn đầy vui vẻ. Bà kể về những người thân không chung huyết thống bằng ánh mắt ấm áp, chan chứa yêu thương. Có lẽ, tình người vẫn là thứ duy nhất an ủi bà trong cuộc đời đầy sóng gió này.

Chị Thảo Trang, một tiểu thương trẻ, sau khi hoàn thành công việc nhập hàng, liền tìm đến gánh nước của bà Lan, thực hiện lời hứa tặng bà chiếc áo ấm trước đó. Chị ân cần trao tận tay bà món quà. Bà vui mừng nhận lấy, rồi nhanh chóng mặc vào. Khuôn mặt khắc khổ của bà bỗng bừng lên một nụ cười hiền hậu, cảm ơn chị không ngừng. Chị Trang định giúp bà dọn dẹp, bà xua tay ngăn cản: "Thôi cháu ơi, bẩn lắm, cháu cứ để bà”. Bà ngại làm phiền, sợ làm bẩn người khác. Hành động ấm áp của chị Thảo Trang và sự từ chối đầy trân trọng của bà Lan đã tạo nên một bức tranh đẹp về tình người giữa dòng đời xô bồ khiến đêm đông trở nên ấm áp hơn.

Nhìn vào bà Lan, có thể thấy được sự đối lập sâu sắc giữa cái ồn ào, náo nhiệt của chợ đêm và sự lặng lẽ, cô đơn của một phận người. Bà là một mảnh ghép nhỏ bé nhưng lại mang trong mình một câu chuyện lớn lao, một bài ca về nghị lực và những khát khao sống còn đang ẩn sâu bên trong tuy khó khăn nhưng không ngừng hướng về ngày mai.

Phố là nhà, trời là màn, đất là chiếu

Đêm Hà Nội lặng lẽ trôi qua, mang theo cả những nỗi niềm riêng của mỗi người. Trong khi bà Lan vẫn ngồi lặng lẽ bên gánh nước nhỏ, ở một góc khuất ở quận Hoàn Kiếm, bóng dáng cô độc của ông Nguyễn Văn Phương tại một mái hiên hàng quán đóng cửa lại khiến cho đêm sương thêm phần cô quạnh. Ông Phương (69 tuổi, Thanh Hóa) phải rời xa quê hương đến với nơi phố thị kiếm tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho người vợ ốm yếu. Đôi mắt ông mỏi mệt vì thiếu ngủ, đôi bàn tay gầy guộc run rẩy vì lạnh. Dù cuộc sống khó khăn, ông Phương vẫn ấp ủ trong tim hy vọng, khao khát cháy bỏng  sớm được trở về quê hương. Trong trái tim ông, luôn có một nỗi nhớ da diết về người vợ và các con và gia đình chính là nguồn động lực để ông vượt qua mọi khó khăn.  

anh-2_1.jpg
Ông Phương co ro trong cái lạnh, nghỉ ngơi tạm bợ dưới hiên nhà đã đóng chặt cửa. (Ảnh: PV)

1h sáng là lúc ông tạm dừng công việc, chọn đại hiên nhà một cửa hàng đã đóng cửa để làm nơi nghỉ ngơi tạm bợ. Xem phố là nhà, màn trời chiếu đất, tấm áo khoác mỏng manh không đủ sức sưởi ấm cho ông dưới cái rét. Ông không có một chút tư trang nào quý giá, chỉ có chiếc túi nhỏ đựng vài vật dụng cá nhân và chiếc xe đạp cũ kỹ chất đầy phế liệu là công cụ mưu sinh duy nhất của ông. Mỗi ngày, số tiền ông kiếm được chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đồng. Số tiền ít ỏi mà ông dành dụm hàng tháng chỉ được khoảng hơn 1 triệu đồng để chăm lo thuốc thang cho vợ. 

anh-3.jpg
Chiếc xe đạp cũ kỹ của ông Phương chất đầy những “chiến lợi phẩm” sau ngày dài mưu sinh (Ảnh: PV)

Trong sương đông, bệnh viêm phổi của ông lại tái phát. Những cơn đau phổi và tiếng ho dài của ông vang vọng rồi tan trong đêm đen lạnh giá. Dù vậy, ông vẫn cười thật lớn và tự nhận bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì đã có một công việc kiếm tiền chính đáng, dùng sức mình để trang trải cho bản thân cùng người vợ thân yêu, không phải để các con lo lắng. Ngày mai khi ngày mới bắt đầu, khi quán hàng mở cửa, ông lại tiếp tục hành trình mưu sinh với niềm hy vọng to lớn. 

Hình ảnh ông Phương với chiếc xe đạp cũ kỹ chất đầy phế liệu như một lời nhắc nhở về những phận đời còn chênh vênh, những con người đang phải vật lộn từng ngày để mưu sinh. Đó không chỉ là hình ảnh của người lao động nghèo khó, mà còn là hình ảnh của người cha, người chồng, của con người với những khát khao bình dị, những ước mơ giản đơn. Ông là một biểu tượng cho sự kiên trì, sự hy sinh, và sức mạnh của tình thân gia đình. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, ông vẫn sẽ tiếp tục bước đi, bởi bên trong con người gầy gò ấy, luôn có một trái tim ấm áp và một ý chí mạnh mẽ.

Cũng như ông Phương, đâu đó trong ngóc ngách của Hà Nội về đêm, có những phận đời mưu sinh vất vả, những mảnh ghép không hoàn thiện của cuộc sống. Trong bóng tối hiu quạnh, bóng dáng người đàn ông nhỏ bé đang cặm cụi buộc những mảnh giấy carton lên chiếc xe đạp cũ kỹ. Ông Hoàng, 68 tuổi, Nam Định với khuôn mặt khắc khổ hằn in dấu vết của thời gian và những nhọc nhằn mưu sinh.  

anh-4.jpg
Đêm muộn, ông Hoàng vẫn cần mẫn cố định chiếc xe để chất đầy những bao tải rác. (Ảnh: PV)

40 năm, trên con xe đạp cọc cạch, ông Hoàng rong ruổi trên khắp các con phố, len lỏi vào từng ngõ ngách, nhặt nhạnh từng miếng bìa cát tông đến cả rổ rá nhựa. Trước khi đến với nghề này, ông từng bươn chải khắp nơi, làm thuê đủ thứ việc để kiếm sống. Nhưng rồi, như một cái duyên, cái nợ, nghề đồng nát đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông. Đây là cái nghề mà ông bảo "quen rồi", mang lại cho ông sự "tự do", "thích đi lúc nào thì đi, nhặt được cái nào bán cái đấy". Cái "tự do" ấy, nghe có vẻ phóng khoáng, nhưng thực chất lại là sự bất định, là gánh nặng mưu sinh mà ông không thể nào trút bỏ. 

Ông bắt đầu hành trình mưu sinh từ 8 giờ tối đến khi đôi chân mỏi nhừ. Đi qua những con phố, những ngõ hẻm hun hút, ông nhặt nhạnh những thứ mà người khác bỏ đi. Có những đêm, may mắn mỉm cười, ông kiếm được khoảng 150-200 nghìn đồng. Một con số ít ỏi, nhưng lại là nguồn sống duy nhất để ông nuôi hai đứa con thơ dại: một cô con gái lớn hơn 40 tuổi bị câm, một cậu con trai út 30 tuổi thần kinh không ổn định. Vợ ông đã mất vì bệnh tim từ lâu, một mình ông phải cáng đáng tất cả, từ việc kiếm tiền, đến chăm sóc và lo lắng cho các con.

Những đồng tiền kiếm được, ông không dám tiêu pha cho bản thân mình. Ông ăn uống nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Ông tá túc ở khu nhà trọ, nơi hội tình nguyện thuê giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông kể về những người tử tế ông đã gặp, những người xa lạ nhưng luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. "Có lần xe tôi bị đổ, người xung quanh chạy đến đỡ ngay. Có người đi ô tô, ăn mặc lịch sự, vàng đeo đầy người, họ cũng xắn quần lên nhặt đồ giúp tôi. Họ đâu có ngại bẩn", giọng ông nghẹn đi vì xúc động. Đôi lúc ông cũng gặp kẻ xấu. Có lần chúng trộm mất 1,3 triệu đồng khi ông ngủ quên vì mệt…

"Làm việc nào cũng áp lực, cứ cái gì phải lo bằng tiền thì đều áp lực hết. Đi làm lúc nào chú cũng thấy cô đơn nhưng mà biết làm sao được nên cứ kệ nó, cười mà sống thôi", ông Hoàng nói. Trong nụ cười ấy, có thể thấy sự cam chịu, sự lạc quan, và cả sự kiên cường của một con người đã quá quen với những thăng trầm của cuộc sống. 

Giải pháp giảm nghèo: Bức tranh còn nhiều gam màu tối

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đối diện với thách thức giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người lao động thu nhập thấp. Dù kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vẫn ở mức 2,93%, đồng nghĩa hàng triệu người dân chật vật với cuộc sống khó khăn. Dù chính sách hỗ trợ đã có, nghèo đói và bất bình đẳng vẫn tồn tại, nhất là ở nông thôn, miền núi, thu nhập thấp hơn mức trung bình, công việc bấp bênh, thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQG) theo Quyết định số 90 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng chưa đủ sức tạo ra sự chuyển biến căn bản. Để nâng cao hiệu quả chương trình, cần những giải pháp đồng bộ, cụ thể, thiết thực, không chỉ dừng ở chính sách vĩ mô mà phải đi sâu vào đời sống từng người lao động nghèo.

Để người lao động nghèo có thể vươn lên, chìa khóa nằm ở việc đảm bảo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản. Cần thiết phải mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời tăng cường hỗ trợ chi phí y tế cho những hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người mắc bệnh mãn tính. Các chương trình khám sức khỏe định kỳ miễn phí hoặc chi phí thấp cần được tổ chức thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh tật. Bên cạnh đó, đầu tư vào giáo dục là yếu tố then chốt. Con em các gia đình nghèo cần được hỗ trợ học phí, sách vở, cũng như các chi phí học tập khác. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng miễn phí hoặc chi phí thấp cần được mở rộng để trang bị cho người lao động nghèo những kỹ năng cần thiết, từ đó mở ra cơ hội việc làm ổn định. Vấn đề nhà ở cũng không thể bỏ qua. Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội giá rẻ, hoặc cho thuê với giá ưu đãi, cùng với hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới nhà ở cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là những giải pháp thiết thực để cải thiện cuộc sống của người lao động nghèo.

Việc tạo ra sinh kế bền vững là nền tảng để người lao động nghèo thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Cần tạo ra những công việc không chỉ mang lại thu nhập mà còn đảm bảo các quyền lợi chính đáng. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Xây dựng các mô hình kinh doanh nhỏ, phù hợp với điều kiện và khả năng của người lao động nghèo cũng là một giải pháp cần thiết. Các khóa đào tạo nghề phải gắn liền với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp người lao động nghèo có tay nghề để tìm được công việc tốt hơn. Việc kết hợp đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sẽ giúp họ tự tạo ra sinh kế, không còn phải phụ thuộc vào các công việc bấp bênh.

Một hệ thống an sinh xã hội vững chắc đóng vai trò như một lưới an toàn, bảo vệ người lao động nghèo trước những rủi ro của cuộc sống. Mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ giúp người lao động nghèo được hưởng các quyền lợi khi ốm đau, tai nạn hoặc về hưu. Nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng yếu thế, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi là điều cần thiết. Đặc biệt, những người như bà Lan, ông Phương, đang phải đối mặt với bệnh tật và tuổi già, cần được hưởng những chính sách hỗ trợ đặc biệt. Các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và người có bệnh mãn tính cần được chú trọng.

Lao động di cư là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế, nhưng họ thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất công. Để bảo vệ quyền lợi của họ, cần có các chính sách đồng bộ. Cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho lao động di cư, giúp họ hiểu rõ quyền lợi của mình và tránh bị lợi dụng. Xây dựng các kênh thông tin chính thống, giúp họ tìm được việc làm ổn định và chỗ ở an toàn. Các khóa đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng nghề sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn vào môi trường làm việc mới.

Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các chính sách. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn thường xuyên sẽ giúp họ có đủ kiến thức và kỹ năng để triển khai các chương trình hỗ trợ hiệu quả. Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả các chương trình giảm nghèo một cách minh bạch, công khai để đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích. Các cán bộ cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc hết mình vì người nghèo.

Một vấn đề khác cần được giải quyết chính là tình trạng thiếu cơ hội việc làm ổn định và an sinh xã hội cho lao động di cư. Những người này thường thiếu kỹ năng và không quen với môi trường sống mới, dễ bị lợi dụng và thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ công cộng. Để giảm bất bình đẳng, cần có chính sách đồng bộ bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở. Việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, và tăng cường đào tạo nghề là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng sống cho người lao động nghèo và di cư, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Không chỉ có chính sách, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ như mua ủng hộ hàng hóa của bà Lan, giúp ông Hoàng thu nhặt phế liệu, hay đơn giản là một lời hỏi thăm, động viên, đều mang ý nghĩa lớn lao. Sự tử tế và lòng nhân ái sẽ là động lực để những người lao động nghèo vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Đêm Hà Nội vẫn cứ lặng lẽ trôi, ôm ấp những mảnh đời mưu sinh đầy gian khó. Dù là gánh hàng nước nhỏ của bà Lan giữa chợ đêm náo nhiệt, hay bóng dáng cô độc của ông Phương trong hiên nhà vắng, hoặc chiếc xe đạp cũ kỹ của ông Hoàng rong ruổi khắp phố phường, tất cả đều là những nốt trầm trong bản nhạc cuộc sống. Dù mỗi người một hoàn cảnh, nhưng trong sâu thẳm, họ đều mang chung một khát khao sống, một niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn. Có lẽ, chính sự kiên cường, sự hy sinh và tình người ấm áp mới là thứ trường tồn mãi với thời gian.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN