Giải pháp phòng chống nguy cơ cháy nổ do sử dụng điện mặt trời áp mái
(Sóng trẻ) - Tại hội thảo chuyên đề “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp điện mặt trời áp mái” diễn ra ngày 08/05, Trung tá Lê Đình Hải đã trình bày nội dung liên quan đến các phương án an toàn phòng cháy chữa cháy khi sử dụng giải pháp năng lượng tái tạo này.
Tính đến hết năm 2022, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã lên đến hơn 9.000 MW, chiếm khoảng 12% trong hệ thống điện quốc gia. Có thể thấy, nguồn năng lượng tái tạo này đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp như giảm chi phí điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra hay giảm phát thải khí nhà kính. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế bền vững, đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết “Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025” (Net zero).
Tuy nhiên, do tính chất bất định và phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, một số hệ thống điện mặt trời áp mái chưa được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ. Đặc biệt, việc bùng nổ các đơn vị cung cấp, thi công, lắp đặt khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nguy cơ cháy nổ và chập điện ngày càng cao.
Tham gia thảo luận tại hội thảo chuyên đề, đồng chí Lê Đình Hải (Trưởng phòng Phòng công tác Phòng cháy chữa cháy Bộ Công an) nêu lên thực trạng: “Chỉ trong vài tháng trở lại đây, tại Gia Lai đã liên tiếp xảy ra hai trường hợp cháy nổ liên quan đến các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái. Cụ thể, vào ngày 23/09/2023, khu vực Cụm Công nghiệp Diên Phú (thành phố Pleiku) đã bất ngờ xảy ra vụ cháy 60 tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai”.
Từ thực trạng đó, có thể thấy, công tác quản lý cũng như các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với hệ thống điện mặt trời áp mái cần được khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm chỉnh. Song, hiện nay, theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, trước đó là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái không thuộc diện các dự án, công trình hay cơ sở độc lập trong quản lý về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, nếu hệ thống được lắp đặt trên các tòa nhà, cơ sở khác thì sẽ có ảnh hưởng đến những điều kiện, yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Do đó, các doanh nghiệp cần phải xem xét, áp dụng các biện pháp, hướng dẫn phòng ngừa, xử lý rủi ro cháy nổ trong quá trình thi công, lắp đặt và sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo này.
Trung tá Lê Đình Hải đưa ra khuyến cáo: “Cần xác định rõ điện mặt trời là hạng mục gắn liền với công trình, vì vậy cần tuân thủ các nội quy, quy định và yêu cầu chung về an toàn phòng cháy chữa cháy. Ví dụ, đối với các công trình nhà ở, cơ sở, yêu cầu cần có lối lên mái phòng trường hợp khi xảy ra cháy nổ, người dân không thể thoát ra ngoài từ cửa chính. Đồng thời, đây cũng là phương án hỗ trợ các lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp cận hiện trường, cứu người kịp thời. Do đó, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nên lưu ý không che đi phần lối thoát hiểm quan trọng này.”
Bên cạnh đó, trung tá cũng đề xuất một số giải pháp khác liên quan đến việc tính toán rõ ràng kết cấu của hệ thống mái trước khi lắp đặt điện mặt trời để tránh tình trạng bị xuống cấp, gây tai nạn sau một thời gian sử dụng. Để ngăn cháy lan khi có sự cố xảy ra, cần bố trí các tấm pin đảm bảo khoảng cách với nhau.
Riêng đối với việc trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, đồng chí Lê Đình Hải cũng đưa ra lời khuyên: “Do hệ thống điện mặt trời thường được lắp đặt ở vị trí trên mái nên theo quy định, không yêu cầu bổ sung các thiết bị như bình cứu hỏa, vòi phun, máy bơm nước… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cả con người và tài sản, chủ đầu tư nên xem xét lắp đặt các trụ chữa cháy dưới mái, phòng trường hợp khi xảy ra cháy nổ ở trên có thể kéo vòi nước kịp thời triển khai các phương án chữa cháy.”
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường và tài chính cũng tiếp tục đào sâu các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi lắp đặt hệ thống PV nhằm đảm bảo an toàn và tối đa hoá sản lượng.