Hà Nội đẹp cổ kính với những địa danh trăm năm tuổi
(Sóng trẻ) - Hà Nội là mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi đây không chỉ là trái tim của đất nước Việt Nam mà nó còn là linh hồn của Tổ Quốc. Hà Nội mang vẻ đẹp của một thủ đô hòa bình, vẻ đẹp của những con người Tràng An và vẻ đẹp của những địa danh hàng trăm năm tuổi.
Làng cổ Đường Lâm (hơn 500 năm tuổi)
Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Địa danh này đã xuất hiện cách đây trên dưới 1000 năm. Năm 1496, trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc Tản Hồng, Ba Vì) và thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên. Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) do bị ngập lụt, nước làm lở thành, trấn sở được dời về Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm). Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa lúc đó (nay thuộc nội thị Sơn Tây).
Đường Lâm hiện có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Có có những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 17, tính đến nay đã hơn 300 tuổi. Đường Lâm thu hút du khách bởi những nếp nhà cổ kính và không gian văn hóa của một làng Việt xưa có sức sống trường tồn theo năm tháng.
Văn miếu Quốc Tử Giám (hơn 900 năm tuổi)
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên ở nước ta. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ được vẻ cổ kính với đặc điểm kiến trúc của nhiều thời đại và là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và quan trọng bậc nhất của Thủ đô và cả nước…
Hồ Hoàn Kiếm (hơn 600 năm tuổi)
Hồ Hoàn Kiếm thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Nơi đây được coi là hòn ngọc của Thủ đô, hay như du khách nước nài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố". Theo các nhà khoa học, hồ là một đoạn sót lại của sông Hồng sau khi sông đã chuyển dòng như hiện nay. Sự việc sông nước biến thiên ấy diễn ra cách đây vài nghìn năm. Trước đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh. Thế kỉ 15, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.
Chùa Một Cột (hơn 600 năm tuổi)
Chùa Một Cột nằm trong quần thể chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội, ở bên phải Lǎng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Theo Đại Việt ký sự toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1409) đời Lý Thái Tông. Chùa Một Cột đã được Tổ chức châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” vào năm 2012. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Hoàng Thành Thăng Long (hơn 1000 năm tuổi)
Năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để chuyển kinh đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Thành cổ Thăng Long – Hà Nội đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1999 và nay ở trung tâm Hà Nội, thuộc quận Ba Đình. Thành cổ Thăng Long – Hà Nội và các di tích nằm trong thành cổ đã trải qua hơn 10 thế kỉ, kể từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh hiện nay. Vào ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới.
Khu phố cổ Hà Nội (hơn 700 năm tuổi)
Được hình thành từ thời Lý – Trần, Khu phố cổ Hà Nội là tên gọi thông thường của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở nài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Trần Thị Hồng
Báo Phát thanh K32
Cùng chuyên mục
Bình luận