Hoàng Hoa Thám – Gạch nối quan trọng giữa hai khuynh hướng cứu nước
(Sóng Trẻ) - “Hoàng Hoa Thám (1836-1913)” là tên cuốn sách chuyên khảo mới nhất về Hoàng Hoa Thám của Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm được ra mắt qua buổi hội thảo diễn ra chiều ngày 11 tháng 2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace 24 Tràng Tiền.
Buổi hội thảo giới thiệu cuốn sách diễn ra dưới sự dẫn dắt của diễn giả Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm và Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ ( 1884-2014). Cuốn sách dày 752 trang, gồm 13 chương với nhiều ảnh tư liệu, hồ sơ giới thiệu một cách chính xác về gia tộc, quê hương… của Hoàng Hoa Thám qua một số thông tin sử liệu mới được tìm thấy.
Ảnh bìa cuốn sách “Hoàng Hoa Thám (1836-1913)”
Tác giả Khổng Đức Thiêm, đồng thời là nhà diễn giả của buổi hội thảo, cho biết điểm mới của cuốn sách chuyên khảo này là biết được chính xác năm sinh của người anh hùng Hoàng Hoa Thám - năm 1836. Các nhà nghiên cứu cũng xác định được ông là người gốc họ Đoàn, quê ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ - Hưng Yên; vai trò chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hà Thành năm 1908, những đánh giá về vai trò của Lê Hoan đối với Hoàng Hoa Thám và những lí giải xung quanh thời điểm Hoàng Hoa Thám mất. Ông khẳn định cuốn sách là cầu nối gắn kết cuộc khởi nghĩa Hà Thành với cuộc khởi nghĩa Yên Thế đồng thời khẳng định được vai trò lãnh đạo tài tình của Hoàng Hoa Thám... Qua cuốn sách, nhiều mối nghi ngờ về người anh hùng đã có rất nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà đã có câu trả lời.
Tác giả - diễn giả Khổng Đức Thiêm (bên trái) và người dẫn chương trình - Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nài ra, cuốn sách cũng đã khái lược cuộc đời của Hoàng Hoa Thám qua những dấu mốc hoạt động lịch sử. Phải kể đến như trận đánh dẹp Thanh Phỉ, xây dựng làng chiến đấu, đánh quân Pháp xâm lược (1876-1885), những năm tháng mất mát nặng nề nhưng đầy oanh liệt (1890-1892), khởi nghĩa Hà Thành (1908), Yên Thế quật khởi (1909)... Đó là những dấu ấn khẳng định tài năng chiến đấu và tên tuổi của ông trong lịch sử. Chương cuối cùng của cuốn sách chính là chương quan trọng, đánh giá bàn luận về cuộc đời của người anh hùng dân tộc vĩ đại.
Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê chia sẻ tại buổi ra mắt: “Cuốn sách đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá đây là tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám, là sự kế thừa là tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và nài nước về một vĩ nhân lịch sử không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử (những năm bản lề của Thế kỉ XIX-XX) mà còn là gạch nối quan trọng giữa hai khuynh hướng cứu nước : theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy Tân)”.
Cuốn sách thực sự là cuốn tư liệu với những thông tin hữu ích về Hoàng Hoa Thám và là món quà để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc nhân kỉ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế, cuộc khởi nghĩa vang danh tên tuổi của ông. Buổi hội thảo kết thúc bằng lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Linh- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Ông đánh giá rất cao những đóng góp của tác giả cuốn sách trong việc giới thiệu, khơi gợi nhiều giá trị mới có ý nghĩa lịch sử đối với vị anh hùng Hoàng Hoa Thám.
Trần Thu Trang
Lớp Truyền hình K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận