Khung dệt cuối cùng ở làng chiếu Cẩm Nê
(Sóng trẻ) - Bước chân dọc con đường làng khang trang ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đến với Cẩm Nê, một ngôi làng dệt chiếu truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, tọa lạc tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
Trong văn bia làng Cẩm Nê ghi rõ: “…Ngoài việc lấy nghề trồng trọt làm trọng, tổ tiên ta còn truyền lại con cháu nghề dệt chiếu tài hoa mà sản phẩm chiếu Cẩm Nê từng được sắc phong và làm rực rỡ hoàng cung Triều Nguyễn vẫn mãi mãi còn đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của quê hương ở hiện tại và tương lai”. Nơi đây, những sản phẩm chiếu mang trong mình giá trị văn hóa vô cùng to lớn. Thế nhưng, ngày nay, làng nghề này đang đối mặt với nguy cơ mai một hoàn toàn.
Khi ghé thăm một gia đình trong làng, bà Nguyễn Thị Hai - một người dân trong làng chia sẻ: “Làm chiếu rất công phu, không dễ dàng gì để tạo ra một chiếc chiếu. Ngày trước, hầu như tất cả các hộ dân đều gắn bó với nghề dệt, và hương thơm từ sợi cói lan tỏa khắp không gian.”
Chiếu Cẩm Nê rất phong phú về hình thức và mẫu mã, với nhiều kích thước khác nhau. Nguyên liệu chính để dệt chiếu là sợi lác (cói), thường được thu mua từ các vùng lân cận. Trong những ngày hoàng kim của nghề dệt, vợ chồng bà Hai thường phải đến tận Cẩm Kim, Hội An để mua sợi, sau đó phơi khô, nhuộm màu và dệt trên khung cửi.
Ký ức về những ngày tháng đó vẫn sống động trong tâm trí những người con của Cẩm Nê. Mọi người đều nhiệt tình sản xuất, duy trì nghề truyền thống. Để tạo ra một sản phẩm, cần đến hai người: một người luồn sợi và một người dệt. Mỗi gia đình đều có ít nhất một khung dệt; nhiều gia đình còn thuê thêm nhân công. Trong thời kỳ đỉnh cao, nghề dệt chiếu mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây.
Dù đã trải qua thời kỳ thịnh vượng, hiện nay, nghề dệt chiếu Cẩm Nê đang đứng trước nguy cơ biến mất. Làm thế nào để vực dậy và phát triển làng chiếu Cẩm Nê, cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm chiếu vẫn là một bài toán khó đối với các cấp quản lý và người dân nơi đây.
Tuy nhiên, cùng với phát triển của thời đại, đã xuất hiện các sản phẩm chiếu công nghiệp với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng như chiếu nhựa hay chiếu tre đã dần làm mất đi lợi thế của chiếu truyền thống Cẩm Nê. Chi phí sản xuất cao khiến nhiều gia đình không thể duy trì nghề, buộc họ phải chuyển sang các công việc khác để kiếm sống. Bà Hai nhớ lại: “Tôi vẫn còn sợ cái thời kỳ khó khăn đó. Giờ tôi không còn giữ khung dệt nữa, chỉ để lại những kỷ niệm của nghề.”
Theo chỉ dẫn của bà Hai, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân cuối cùng còn làm nghề dệt chiếu ở làng - bà Dương Thị Thông. Bà Thông sinh năm 1963 trong một gia đình có truyền thống làm nghề dệt chiếu lâu đời. Ông bà nội và cha mẹ bà cũng là những nghệ nhân dệt chiếu trong làng. Tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử đất nước, gia đình bà vẫn cố gắng giữ cho được nghề. Ngay từ năm 10 tuổi, bà Thông đã được cha mẹ truyền lại và cho đến nay, bà đã gắn bó với nghề hơn 50 năm.
Dệt chiếu đã từng là nghề mưu sinh chính của gia đình bà. Xã hội càng phát triển, nghề làm chiếu truyền thống lại càng khó khăn, thu nhập ít ỏi nên gia đình bà cũng phải làm thêm các nghề khác để duy trì cuộc sống. Bà nhìn xa xăm: “Khi nào có khách đặt mới làm, luồn chiếu để giữ vậy thôi, chứ lợi nhuận thì không có”. Với nỗi niềm trăn trở về nghề truyền thống, người nghệ nhân được xem như cuối cùng của làng Cẩm Nê, dù gặp phải nhiều khó khăn, vẫn quyết tâm gìn giữ nghề dệt chiếu gia truyền: “Mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình”.
Bà Thông cho biết, hiện nay, chiếu Cẩm Nê mà bà sản xuất chủ yếu phục vụ cho các trường học và khách du lịch đến trải nghiệm nghề truyền thống. “Du khách rất thích sản phẩm vì chúng bền đẹp,” bà vui mừng chia sẻ.
Thời gian trước, một nhóm sinh viên đã tạo ra một bộ trang phục từ chiếu Cẩm Nê, khiến bà cảm thấy tự hào và hy vọng vào tương lai nghề dệt chiếu được khôi phục. Đôi tay bà vừa thoăn thoắt dệt, bà vừa tự hào kể lại: “Năm trước, sinh viên làm đồ án thời trang từ chiếu Cẩm Nê, vậy mà làm ra được một bộ đồ”.
Năm 2017, bà Dương Thị Thông được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa Vang hỗ trợ 45 triệu đồng, để tiếp tục sản xuất chiếu, lưu giữ nghề truyền thống. Hơn nữa, chính quyền TP Đà Nẵng cũng luôn tích cực ủng hộ, động viên gia đình bà và các gia đình khác giữ niềm đam mê với sợi cói và tìm đầu ra cho sản phẩm chiếu Cẩm Nê.
Dù đã có thời kỳ hưng thịnh, tuy nhiên đến nay, chiếu Cẩm Nê của người dân Hòa Tiến đang đứng trên "bờ vực" bị xóa sổ. Để vực dậy, làm “sống lại” làng chiếu Cẩm Nê ngày một phát triển và sản phẩm chiếu Cẩm Nê được sử dụng rộng rãi hơn, vẫn là một bài toán nan giải cho cả các cấp quản lý và người dân nơi đây.