Kì thi Năng khiếu báo chí 2016: Con thi Đại học, bố mẹ ôm nỗi niềm
(Sóng trẻ)- Chiều 10/8, tại Học viện Báo chí và tuyên truyền diễn ra kì thi năng khiếu báo chí 2016. Đây là năm thứ 2 Học viện tổ chức thi năng khiếu để tuyển sinh những thí sinh có tài năng và đam mê với ngành báo chí. Bên cạnh tâm trạng hồi hộp của các sĩ tử thì các bậc phụ huynh cũng có nhiều nỗi niềm lo lắng trước bước nặt lớn của cuộc đời con em mình.
Năm nay lượng hồ sơ nộp vào nhóm ngành báo chí tăng mạnh với con số lên tới 1400, cao gấp 1.5 lần năm 2015. Chính vì vậy tỉ lệ chọi, cạnh tranh là điều mà nhiều thí sinh, bậc phụ huynh lo lắng.
Cô Mạc Thị Thúy (Quảng Ninh) chia sẻ: “Cháu nhà cô thi chuyên ngành báo ảnh vì đó là đam mê từ nhỏ của em. Trước kì thi cô thấy con gái cũng lên mạng tìm hiểu kĩ về cách học, cách thi hiệu quả. Năm nay thi năng khiếu báo ảnh nghe nói có phần xem ảnh rồi bình luận, phỏng vấn nên cô rất lo lắng, không biết con có làm bài và hoàn thành tốt bài thi, yêu cầu đặt ra hay không. Cô chỉ mong con có thể tự tin, bình tĩnh làm bài để có thể theo học ngành con yêu thích.”
Các bậc phụ huynh hồi hộp ngồi chờ con làm bài thi
Nét mặt không giấu được sự lo lắng khi chờ đợi của các bậc cha mẹ
Bác Nguyễn Anh Dũng (Mỹ Đức) không giấu nổi sự lo lắng: “ Nhà bác cách trường 50km, 4h30 sáng nay bác và em đã phải dậy chuẩn bị giấy tờ để kịp lên trường làm hồ sơ, thủ tục thi lúc 7h. Thật ra bác thích con theo ngành y nhưng con gái bác thích học báo nên bác cũng tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của con. Con gái bác thì vì cũng trải qua nhiều kì thi nên nó bình tĩnh, lúc nào cũng động viên bố yên tâm nhưng là bậc cha mẹ bác vẫn rất lo lắng, chỉ sợ thi vào chỗ con không biết hay học chưa kĩ. Bác cũng có nhà ở gần đây nhưng bác không về nghỉ ngơi mà đợi con gái thi 3 tiếng xong rồi cùng về. Về nhà chờ xót ruột lắm, bác không yên tâm.”
“Gia đình cô cũng hoàn cảnh lắm, lại đông con mà sức khỏe 2 vợ chồng yếu nên cái nghèo đeo bám mãi. Định chỉ cho con tốt nghiệp trung học rồi đi làm công ti phụ giúp gia đình nhưng thương con nên cho con tiếp tục học với ngành nó yêu thích. Chỉ có học giỏi mới thoát nghèo được. Cô ngồi đây đợi con thi mà nóng ruột nóng gan lắm, chỉ mong hết giờ nhanh để hỏi con có làm bài ra sao. Nói thật cho con thi vậy chứ nếu con đỗ cô mừng nhiều nhưng cũng lo nhiều lắm, không biết có sức làm để có tiền đóng học phí cho con không. Rồi lên đây lạ nước lạ cái chỉ sợ con nó hư hỏng” cô Nguyễn Thị May (Thanh Hóa) trải lòng.
Lo lắng, hồi hộp có lẽ là tâm trạng chung của tất cả bậc phụ huynh khi đưa con đi thi. Ai cũng mong con mình có thể hoàn thiện bài thi tốt nhất để có thể theo đuổi ước mơ, đam mê của mình trên con đường tương lai phía trước.
Với kì thi năng khiếu báo chí, Học viện hi vọng có thể tuyển sinh những thí sinh thật sự có năng lực, yêu thích ngành báo chí. Dự kiến 13/8 thí sinh trúng tuyển ngành báo chí sẽ được công bố.
Bài thi Năng khiếu báo chí 2016 gồm 2 phần: - Phần thứ nhất (3 điểm): Tất cả thí sinh dự thi ngành Báo chí làm Bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: kiểm tra hiểu biết chung (nội dung đề thi nằm trong các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12). - Phần thứ hai (7 điểm): + Đối với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí: (1) Xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết bình luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem, thời gian làm bài 30 phút (3 điểm); (2) Trả lời phỏng vấn trực tiếp để thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí; kiến thức về tạo hình và bố cục, tư duy hình ảnh; ý tưởng sáng tạo; khả năng giao tiếp… (4 điểm) + Đối với thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí: Làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút. Câu 1 (3 điểm): Đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình. Câu 2 (4 điểm): Đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.
|
Dương Nhung
Báo mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận