Làng điêu khắc Nhân Hiền – khắc ghi những giá trị văn hóa

(Sóng Trẻ) - Thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín là một làng nghề điêu khắc có lịch sử lâu đời, cho đến nay vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật sâu sắc. 

Một làng nghề truyền thống

Thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang nằm ở phía Tây huyện Thường Tín, Hà Nội, trên tuyến đường 427, một vị trí thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.  Nhân Hiền là một làng nghề điêu khắc truyền thống lâu đời với sản phẩm chủ yếu là chạm khắc tượng phật, phù điêu,... từ hai nguyên liệu là gỗ và đá. 

Ngày xưa, công việc điêu khắc thường được người dân trong thôn thực hiện trong những lúc nông nhàn, đến nay điêu khắc đã trở thành nghề chính, nghề truyền thống của nhiều gia đình, các sản phẩm được thực hiện, phân phối, đưa ra thị trường một cách bài bản, có quy trình. 
 
840f4de14_10.png
Làng nghề điêu khắc truyền thống Nhân Hiền

Anh Nguyễn Văn Khâu (đội 3, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang) là một thợ điêu khắc sinh ra trong gia đình có truyền thống điêu khắc mộc, anh cho biết, để trở thành một thợ điêu khắc bản thân anh đã cần đến gần 10 năm học nghề từ các bậc cha chú trong nhà mới được coi là thành thạo. Một sản phẩm điêu khắc được hoàn thành trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng tùy theo kích cỡ, các yêu cầu về kỹ thuật và thẩm mỹ của sản phẩm. 

Để tạo ra một tác phẩm điêu khắc tốn không ít công sức, nhưng điều khó nhất đối với người thợ là làm sao tạo nên được những đường nét, thần thái sống động, hay còn gọi là cái “hồn” của tác phẩm: “Nhiều tác phẩm điêu khắc cần những biểu cảm như thật, thường là những tác phẩm điêu khắc tượng Phật, khó nhất là làm thế nào để không chỉ giống thật mà khi nhìn vào còn cảm nhận được cảm xúc” – anh Khâu chia sẻ.
 
840f4de14_11.png
Nghệ nhân thực hiện điêu khắc gỗ
 
840f4de14_12.png
Tạo nên một tác phẩm điêu khắc cần rất nhiều thời gian và công sức

Cơ sở sản xuất của anh Khâu hiện có khoảng 5 thợ thường xuyên làm việc tại xưởng, những lúc đơn hàng nhiều, các sản phẩm cần hoàn thiện nhanh, anh còn phải mời thêm những thợ điêu khắc khác đến làm việc cùng.  

Anh chia sẻ: “Làng nghề trở nên nổi tiếng thì càng có nhiều gia đình gắn bó với nghề hơn, trước chỉ là nghề phụ khi làm nông nay chúng tôi phát triển thành nghề chính. Các sản phẩm được biết đến rộng rãi, đơn hàng cũng đến từ nhiều nguồn hơn, không chỉ trong nước mà còn có những đơn hàng đến từ nước nài nữa”. 

Sản phẩm điêu khắc có mẫu mã rất đa dạng, nài những mẫu truyền thống sẵn có, cũng có những mẫu được đặt theo yêu cầu của khách hàng. Người thợ điêu khắc khi thực hiện tác phẩm phải luôn đặt vào đó tâm trí của mình, không chỉ làm theo đúng nguyên mẫu mà còn phải đảm bảo các yếu tố nghệ thuật, giá trị văn hóa trong từng đường nét. 

Ở thôn Nhân Hiền, những người theo nghề điêu khắc không chỉ có đàn ông mà những người phụ nữ với bàn tay khéo léo cũng hàng ngày đưa từng nét chạm khắc tạo nên tác phẩm. Họ kiên trì, nhẫn nại trong từng nét khắc, đưa cảm xúc của mình vào trong tác phẩm, vì vậy có thể nói một tác phẩm điêu khắc được tạo ra cũng chứa đựng phần nào xúc cảm của người thợ lúc đó. 

Nơi khắc ghi những giá trị văn hóa 

Sự nổi tiếng của làng điêu khắc Nhân Hiền gắn với truyền thống lâu đời và những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng. Nhiều bức tượng Phật gỗ nổi tiếng bao gồm: tượng Phật Di Lặc, tượng Thích Ca, tượng Quan Âm Bồ Tát, tượng các vị La Hán, tượng các vị Hộ Pháp... được thực hiện phục vụ cho việc trùng tu đền chùa trong cả nước đều được thực hiện dưới những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thôn Nhân Hiền. 

Không chỉ đến với những ngôi chùa trong nước, nhiều bức tượng điêu khắc đã đến được với những ngôi chùa ở nước nài, trở thành một phần yếu tố văn hóa tâm linh đối với những người Việt xa xứ để họ có thể hướng về cội nguồn. 
 
840f4de14_13.png
Tượng Phật gỗ làng Nhân Hiền

Nài gỗ, đá cũng là một trong những nguyên liệu được sử dụng để tạo ra các tác phẩm điêu khắc. Những sản phẩm điêu khắc từ đá thường là các sản phẩm đa dạng về kích cỡ, công phu, sử dụng để trưng bày như: các loại bình, hộp chạm khắc, tượng chân dung, tượng hình thú... được nhiều khách hàng yêu thích lựa chọn để trang trí trong nhà. 
 
840f4de14_14.png
Đá cũng là một nguyên liệu được sử dụng trong điêu khắc tại Nhân Hiền
 
bb93b62f9_15.png
Một sản phẩm điêu khắc đá

Mở rộng các mặt hàng giúp thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng rộng hơn, sản phẩm điêu khắc làng Nhân Hiền đến nay không chỉ có mặt trong nước mà còn được xuất khẩu ra các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Anh... Nghề điêu khắc truyền thống đã xây dựng cho địa phương một thương hiệu, đồng thời mang lại công việc và thu nhập cho rất nhiều gia đình. 

Trải qua nhiều thăng trầm của năm tháng, nghề điêu khắc thôn Nhân Hiền vẫn lưu giữ được giá trị văn hóa và nghệ thuật trong những tác phẩm. Chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc tinh xảo được tạo ra bởi bàn tay của các nghệ nhân nơi đây, ta có thể cảm nhận được những nét văn hóa đặc trưng như: các yếu tố Phật giáo qua những bức tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Âm, tượng La Hán...; những chi tiết chạm khắc rất Việt Nam: hoa sen, áo dài, nón... cho đến những vật rất đỗi thân thuộc như: ngôi nhà, các con vật... đều vô cùng sống động và giàu tính thẩm mỹ. 

Có thể nói, qua từng nét khắc, đục, chạm, người nghệ nhân Nhân Hiền không chỉ đưa cảm xúc, cái hồn vào tác phẩm mà họ còn dùng cách riêng của mình để lưu lại những ký ức, những nét văn hóa, tâm linh của dân tộc. 
Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền giờ đây đang không ngừng đổi mới và phát triển, thương hiệu Nhân Hiền đang đi đến khắp nơi trên thế giới, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và cũng lặng thầm lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ sau. 

Hà Phương

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN