Làng Vác kiếm “bạc triệu” mỗi ngày nhờ nghề đan lồng

(Sóng trẻ) - Nhắc đến làng Vác (huyện Thanh Oai – Hà Nội), người ta nghĩ ngay tới nghề làm lồng chim đã tồn tại hàng trăm năm nay, truyền từ đời này sang đời khác. Nghề thủ công truyền thống này có thể đem lại thu nhập từ hai đến ba chục triệu mỗi tháng cho người dân nơi đây.

Nghề sai một li, hỏng cả lồng

Cũng giống những nghề thủ công truyền thống khác như  nón làng Chuông, lụa Hà Đông, gốm Bát Tràng… để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, chắc chắn cũng cần nhiều sự khéo léo, tỉ mẩn và trau chuốt. 
Nguyên liệu để làm lồng chủ yếu là cây trúc, được lấy về từ Hòa Bình. Trúc phải được phơi khô khoảng hai tuần, đem đi uốn thành các vanh tròn và nan rồi mới mang luộc cho chín. Tùy từng loại lồng mà số lượng vanh và nan cũng khác nhau. Như với lồng quân minh – loại lồng chuyên để xuất sang Trung Quốc thì có vanh đáy rộng khoảng 3.5cm, vanh lưng từ 0.5 – 1cm. Xung quanh lồng có tất cả 45 nan đã được uốn theo hình chữ L. 

eb9a78ce7_a1.jpg
Ở làng Vác, sân nhà nào cũng xếp đầy trúc phơi khô

Nài ra, lồng làng Vác còn có các bộ phận khác như chóp, mi cửa, đố cửa, chân chiến. Với mỗi loại lồng người thợ lại có cách làm riêng. Có lồng không có chân, lồng chào mào chuyên bán tại Hà Nội thì chân to và cao, lồng quân minh thì chân bé và ngắn hơn. 

85805664c_2.jpg
Một chiếc chân của lồng quân minh đã được chạm khắc chi tiết

Trước khi lắp ghép các bộ phận, người ta phải ép cho vanh thật chắc rồi khoan theo cữ. Mỗi một vanh lại có một cữ riêng: cữ vanh lưng, cữ vanh chóp. Công đoạn này là công đoạn quan trọng nhất vì nó quyết định đến hình dáng của chiếc lồng. Chỉ cần lệch cữ vài mm hay khoan xiên xẹo một chút thôi là lồng sẽ bị co lệch, méo mó. Sau khi cắm que nan vào vanh thì phải so vai cho thật đều. Thế nên mới nói, người thợ khoan sai một li thì hỏng cả lồng. 

Hình dáng, kích cỡ của mỗi lồng cũng khác nhau, phụ thuộc đặc điểm từng loại chim. Có lồng cao, lồng thấp, có lồng tròn, có lồng lại vuông. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà có lồng được chạm trổ long ly quy phượng, hoa văn trang trí…; có lồng lại không đục, không khắc. 

85805664c_3.jpg
Những đôi tay nhanh thoăn thoắt đan nan lồng chim

Để làm ra một chiếc lồng đẹp cũng cần thật lắm công phu. Mới đầu nhìn thì tưởng chừng đơn giản. Đến khi bắt tay vào làm mới thấy cái khó, cái phức tạp trong nó. Từng chi tiết, bộ phận phải làm thật tỉ mỉ, dũa mài kĩ lưỡng, mỗi mũi khoan phải thật chính xác để đảm bảo lồng chắc và đẹp. Khi có đơn hàng lớn, những người thợ đan lồng nơi đây phải khẩn trương làm liên tục mà vẫn phải đảm bảo chất lượng. Có lẽ cũng chính vì vậy, mà lồng làng Vác mới nức tiếng không chỉ với những người chơi chim trong nước mà còn ở tận nước nài.

Nghề đem lại thu nhập bạc triệu mỗi ngày

Trước kia làng Vác nổi tiếng với nghề quạt giấy thủ công. Đã có một thời gian, tưởng chừng như nghề đan lồng này biến mất. Mãi cho đến khoảng chục năm trở lại đây, thú chơi chim nở rộ, tạo điều kiện cho nghề truyền thống này tái sinh lần nữa, làng Vác bắt đầu thay đổi diện mạo. Nhà cửa, đường xá được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Cuộc sống của người dân cũng ổn định, ấm no hơn trước. Tất cả là nhờ vào mức thu nhập nghề truyền thống này mang lại.

Làm nghề này đặc biệt ở chỗ, người dân không phải đi đâu xa. Các lái buôn sẽ tới tận nhà đặt cọc và đến ngày thì về nhận hàng. Lồng làm tới đâu được mang đi tiêu thụ từng ấy. Người làng Vác không phải lo lắng đầu ra, chỉ cần tập trung vào chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. 

85805664c_4.jpg

Tùy vào từng mục đích và yêu cầu của khách mà giá thành của mỗi chiếc lồng cũng khác nhau, từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Lồng rẻ nhất là loại mang đi đổ buôn ở Hà Nội và các tỉnh khác. Loại tầm trung như lồng quân minh thì khoảng 200.000 đồng một chiếc. Những chiếc lồng đắt hơn thì phụ thuộc vào mức độ tỉ mỉ và yêu cầu mà khách đặt. Gia đình chị Linh đã có ba đời làm nghề đan lồng này, chị cho biết: “Có lần khách đặt lồng hàng kỹ mà chị mất cả tháng trời mới làm xong. Làm loại này chị phải chọn nguyên liệu cẩn thận lắm, các vanh các nan phải gần như trơn nhẵn, đều màu, không được trầy xước gì. Giá cả bảy, tám trăm hay vài triệu cũng có”. 

85805664c_5.jpg
Một chiếc lồng kĩ có giá khoảng 4 triệu đồng (Ảnh: sưu tập)

Ở làng này, từ già đến trẻ, ai cũng biết làm nghề và theo nghề. Đối với những loại lồng bình thường, một người quen tay có thể làm từ một đến hai chiếc hàng ngày. Trừ tiền nguyên vật liệu và chi phí sản xuất thì mỗi gia đình cũng có thể thu về gần 2 triệu đồng mỗi ngày. Đây là mức thu nhập khá cao so với những nghề thủ công truyền thống khác. 

Làng nghề Vác phát triển cũng tạo công việc cho những làng xung quanh. Họ mang nguyên liệu đi thuê dũi, cưa hay uốn theo mẫu yêu cầu mỗi sản phẩm để tích kiệm thời gian và giảm bớt lượng công việc khi mỗi đơn hàng có thể từ 40 đến 60 lồng. Chợ ở đây cũng họp tới tận 8h tối, phục vụ các gia đình “mải làm quên thời gian”. 
Ông Phùng, sống tại xóm Đạo, làng Vác đã từng đưa gia đình vào Nam sinh sống và lập nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu may mắn, ông trở về quê với hai bàn tay trắng và quyết tâm làm lại từ đầu với nghề của ông cha để lại. Ông chia sẻ: “Ở cái làng này, các nghề nó tương hỗ với nhau. Nhà nào mải làm không kịp đi chợ thì mua rau dưa muối sẵn của mấy nhà trong xóm. Hay như nhà chú cũng phải mang trúc đi thuê khắc đục theo yêu cầu của khách. Nghề nào cũng cần nghề nào, không bỏ được”. 

Chuyên nghiệp hóa nghề truyền thống

Thời kì đất nước mở cửa hội nhập và triển khai thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới, cả làng Vác quyết tâm bám trụ với cái nghề truyền thống theo hướng hiện đại hóa, tích kiệm thời gian công sức và bảo vệ môi trường.

Không chỉ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, phục vụ cho việc cắt ghép, khoan đục nguyên liệu để sản phẩm tinh xảo và bền đẹp hơn; các gia đình còn chuyển sang hướng sản xuất chuyên môn hóa. Mỗi một thành viên sẽ phụ trách một công đoạn: người thì cưa, khoan, ép vanh; người thì mài chóp, cắm nan, lắp cửa… Mỗi người một việc, kết hợp nhanh chóng, nhuần nhuyễn với nhau tạo ra sản phẩm chất lượng mà tốn ít thời gian.

85805664c_6.jpg
Những chi tiết được chạm khắc cầu kì với nhiều đường nét hoa văn

eb9a78ce7_7.jpg
Máy ép giúp vanh lồng chắc chắn hơn khi khoan cữ

eb9a78ce7_8.jpg

Việc sản xuất lồng chim cũng tạo ra nhiều mùn cưa, bụi bẩn, nhất là trong khâu chà nhám. Vì thế, mỗi gia đình làm nghề ở đây đều lắp đặt một hệ thống ống hút bụi. Ống được làm từ nhựa, nối liền từ nơi sản xuất ra tới thùng rác trước cổng nhà. Mỗi ngày, nhân viên môi trường sẽ đi thu m rác thải sinh hoạt cũng như sản xuất của các hộ gia đình. Việc làm này đáng để các làng nghề truyền thống khác học tập. Nó không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Thương hiệu lồng chim làng Vác hiện nay đã được tạo dựng và khẳng định bởi chất lượng tốt cũng như sự đa dạng về mẫu mã và giá thành của nó. Ngày càng có nhiều khách gần xa tìm về tận Vác, mang theo những đơn hàng giá trị. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình mỗi làng một sản phẩm được quy hoạch và nhân rộng, làng nghề truyền thống đặc biệt này sẽ ngày càng được nhiều người trong nước và quốc tế biết đến như tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông. Và có thể, nơi đây sẽ tiếp tục phát huy những nét đặc sắc vốn có của mình, trở
 thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. 
Nguyễn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN