Lê Huy Tiếp – Chặng đường 50 năm nghệ thuật trĩu nặng hơi thở thời cuộc
(Sóng trẻ) - Triển lãm "50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp" được tổ chức từ 23/12 đến 30/12/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).
Triển lãm mang đến cho người thưởng ngoạn hơn 120 tác phẩm hội hoạ (sơn dầu, acrylic, sơn mài, bút sắt, màu nước...) và đồ họa tranh in (khắc cao su, khắc kẽm, in lưới, in litho trên đá...) từ 12 bộ sưu tập của bảo tàng và tư nhân tại Việt Nam, Úc và Mỹ.
Tại đây, công chúng có cơ hội được khám phá nhiều tác phẩm hiếm khi trưng bày như “Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ” (1972), “Trời và đất” (2003), và đặc biệt là các tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2007 như “Đợi” (1977) và “Eva trở về” (1997).
Hội họa hiện thực của Lê Huy Tiếp đã đi xa hơn nhiều hiện thực của thị giác, đánh thức những rung động sâu thẳm trong lòng người xem về một triết lý phương Đông. Thông qua từng nét vẽ của ông, vẻ đẹp của con người và cuộc sống được tôn lên nhờ ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, quá khứ và hiện tại, cái thiện và cái ác, cũng như những giá trị tư tưởng được nhận ra giữa ranh giới chiến tranh và hòa bình.
Chia sẻ tại triển lãm, họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết: “Với tôi, tranh là cuốn nhật ký của người họa sĩ, là cuộc hội ngộ ngẫu nhiên giữa suy nghĩ với thực tế cuộc sống. Qua mỗi tác phẩm, tôi đem đến cho công chúng cái đẹp của sự hoàn thiện, chỉn chu và ẩn chứa những thông điệp nhân văn, sâu sắc”.
Đứng trước những bức tranh sơn dầu của Lê Huy Tiếp, PGS.TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương – Trưởng khoa Đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Nghệ thuật của Lê Huy Tiếp thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm cái đẹp của thị giác qua kỹ thuật điêu luyện, bút pháp hiện thực có yếu tố siêu thực và tượng trưng. Đặc biệt là sự tổng hòa giữa mỹ thuật lãng mạn phương Đông và duy lý phương Tây”.
Triển lãm đánh dấu những thay đổi về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình trong chặng đường 50 năm làm nghề của hoạ sĩ Lê Huy Tiếp. Bút pháp tả thực, kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu nhuần nhuyễn cùng với những suy tư của người họa sĩ về một thế giới với đủ đầy hương vị và màu sắc, đủ đầy vui buồn, đậm nhạt, sáng tối… đã mang đến cho người xem những ấn tượng mạnh mẽ.