Lợi ích “kép” từ dịch vụ kinh doanh hồ câu cá giải trí
(Sóng trẻ) - Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mô hình kinh doanh dịch vụ câu cá giải trí của nhiều hộ gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh còn góp phần đáp ứng thu vui và niềm đam mê của người dân.
Đáp ứng nhu cầu giải trí
Những năm gần đây, ở Hà Tĩnh hoạt động câu cá đã nâng tầm thành môn thể thao giải trí được nhiều người yêu thích. Vì thế, nhiều hộ gia đình đã tận dụng những ao hồ sẵn có, tìm hiểu hình thức đầu tư để mở các dịch vụ câu cá giải trí.
Sự phồn hoa, náo nhiệt của đô thị lắm lúc lại khiến một số người choáng ngợp và muốn tìm lại khoảng không gian bình lặng để trầm tư suy xét thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống. Trong rất nhiều bộ môn giải trí, anh Nguyễn Đình Đức, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh yêu thích câu cá.
Anh Đức chia sẻ: “Ngoài thời gian làm việc kiếm sống, tôi lại thích đi câu để giải tỏa áp lực. Tôi thường rủ nhóm bạn đi câu vào dịp cuối tuần, chiều về lấy cá làm mồi nhậu lai rai, trao đổi kinh nghiệm với mấy đứa bạn. Mỗi lần đi câu, tôi thấy tất cả cực nhọc tan biến, nhìn cần câu dính cá nặng trĩu, đọt câu cong vút là cảm xúc lâng lâng vô bờ. Thời gian ngắn thì đi câu hồ, gần nhà, tại các khu giải trí có câu cá, thời gian rộng thì tổ chức cả nhóm đi xa, câu ở các sông lớn”.
Anh cho biết thêm: “Câu cá là thú vui, môn giải trí kén người chơi bởi những đặc tính vốn có của nó. Nhưng một khi đam mê với bộ môn này, người chơi sẽ bị cuốn hút và xem nó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Ai đã đam mê môn thể thao này thì phải dùng từ “nghiện” mới chính xác, bởi một tuần mà không đi câu cá thì rất khó chịu”. Với anh được buông cần, thả câu trên sông nước là niềm đam mê. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi giữa khung cảnh thiên nhiên, thư thái tâm hồn và chờ cá cắn câu.
Dạo một vòng quanh thành phố Hà Tĩnh, ở nhiều hồ câu đều bắt gặp hàng chục “cần thủ” đang say sưa móc mồi, thả câu. Kẻ đứng, người ngồi, họ chờ đợi và tán chuyện với nhau một cách rôm rả. Đôi lúc, họ lại vui mừng reo hò với nhau khi cá cắn câu. Mỗi lúc như vậy, không chỉ riêng người câu được cá vui mà những người xung quanh cũng hào hứng, chạy đến xem và giúp đỡ.
Tại hồ câu cá Đại học Hà Tĩnh thành phố Hà Tĩnh hàng ngày luôn thu hút đông các “cần thủ”. Anh Ngô Anh Toàn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang câu cá tại đây cho biết: “Ngày trước mỗi lần đi câu thường men theo bờ sông, đoạn nào cây cối thưa thớt thì thả cần. Còn bây giờ hồ câu cá dịch vụ phát triển nên tôi thường chọn hồ câu cá Hà Tĩnh để câu vì có cảnh đẹp, hồ rộng rãi thoáng mát”.
Nói về sức hút của hoạt động câu cá giải trí đối với người chơi, anh Ngô Anh Toàn nhận định: “Cái hay, cái làm nên nét thu hút riêng biệt của hoạt động này so với các hoạt động khác đó là rèn luyện tính kiên nhẫn và tỉ mỉ cho người câu”. Anh Toàn giải thích: “Tính cách con người bộc lộ rất rõ ràng khi ngồi câu. Người điềm tĩnh, nhẫn nại, ít có sự thay đổi thì có thể ngồi lì hàng giờ thậm chí cả ngày ở một địa điểm duy nhất từ lúc đến cho đến khi xách cần ra về. Nhưng người hay lo lắng, ưa thay đổi thì “chạy” khắp hồ, chỗ này một chút, chỗ kia một chút, không ở yên một vị trí nào quá lâu”.
Theo anh Toàn, nói về độ “chịu chơi”, mức độ đầu tư cả thời gian cũng như tiền bạc thì dân câu không hề tỏ ra kém cạnh. Có những người sở hữu bộ cần câu lên tới cả trăm triệu đồng. Bản thân anh Toàn, tuy là tay câu trẻ nhưng cũng đã “sắm” cho mình bộ cần câu với mức giá trung bình 1 triệu đồng/cần câu; cần đắt nhất có giá hơn 7 triệu đồng.
Anh Toàn hào hứng cho biết thêm, bản thân anh vừa đạt giải nhất trong kì thi câu cá do chủ hồ câu Đại học Hà Tĩnh mở cuộc thi. Vượt qua 49 “cần thủ” để trở thành tay câu giỏi nhất, với anh Toàn cảm giác đó rất tự hào và hạnh phúc. Bởi với anh câu cá là một niềm đam mê lớn.
Mang lại thu nhập
Xuất thân từ một gia đình thuần nông chưa có ai làm kinh doanh dịch vụ, anh Nguyễn Văn Thông là hộ gia đình đầu tiên triển khai mô hình câu cá giải trí tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vào đầu năm 2019, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện và khả năng kinh tế của gia đình có thể phát triển dịch vụ câu cá giải trí, anh Thông đã mạnh dạn đầu tư hồ câu Đài Lò Vôi Nghi Xuân để phục vụ nhu cầu câu cá.
Anh đầu tư trang thiết bị gồm lán, sạp cho khách đến câu, hệ thống đường điện, máy xay ốc làm mồi câu… với chi phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Tính đến nay, anh Thông đã khai thác dịch vụ câu cá giải trí được gần 2 năm. Anh cho biết, mô hình dịch vụ này được phát triển xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Thường thì hồ câu của anh Thông đón khách từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm, trung bình mỗi ngày khoảng 20 khách đến câu. Hiện hồ câu của anh đang thả các loại cá trắm, chép,mè…
Anh Thông chia sẻ thêm: “Dịch vụ câu cá giải trí đã đem lại lợi ích “kép”, từ đam mê cá nhân, tôi tạo được điểm vui chơi lành mạnh cho các “cần thủ” và bản thân cũng có thêm thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình”. Đều đặn mỗi tuần, anh Thông lại thả khoảng 70 con cá trắm đen, cá trôi, cá mè và cá chép xuống hồ để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Còn với anh Lê Đức Việt chủ hồ câu Tép Cò ( thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình, TP Hà Tĩnh) khi được hỏi về mô hình kinh doanh này, anh Việt cho hay: “Xuất phát từ niềm đam mê câu cá của bản thân, để có sân chơi lành mạnh cho những người chung sở thích, tôi đã đầu tư hồ câu cá quy mô lớn phục vụ cần thủ trong và ngoài tỉnh”.
Sau nhiều năm trải nghiệm thực tế, anh hiểu được những người yêu thích câu cá mong muốn gì từ dịch vụ này. Từ đó, anh nghiên cứu và quyết tâm đầu tư bài bản. Bắt đầu hoạt động từ năm 2021 nhưng hồ câu của anh Việt thu hút rất đông lượng du khách già, trẻ,... Mỗi tháng, gia đình anh Việt có nguồn thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng.
Hiện tại, hồ câu của gia đình anh Việt đang thả từ 15 – 20 loại cá khác nhau, bao gồm cả cá truyền thống nước ngọt như cá trôi, cá trắm, cá chép... đến những loại cá đặc sản như cá vược, cá leo, cá lăng... Mức giá của các loại cá được tính theo giá cá thị trường như: Cá vược dao động trong khoảng từ 150 – 200.000 đồng/kg; cá quả có giá từ 80 – 100.000 đồng/kg.
Câu cá giải trí thường luôn đem lại những phút giây sảng khoái, thư giãn và rèn luyện sự kiên trì, khéo léo. Đồng thời, nó còn là cơ hội để những chủ hồ và những cửa hàng bán đồ câu gia tăng thu nhập.
Nguồn: Sóng trẻ