Lớp học tình thương, nơi 'gieo chữ' cho những người đặc biệt
(Sóng trẻ) - Căn nhà cấp bốn nằm sâu trong con ngõ nhỏ đường Kim Giang, suốt bao năm qua đã trở nên quen thuộc với nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại TP Hà Nội. Đó là nơi “bà giáo” Lã Thị Bảy (sinh năm 1958) vẫn miệt mài đứng lớp, gieo con chữ.
Chúng tôi tìm đến lớp học của cô Bảy đúng vào lúc các em học sinh đang được ra chơi. Thấy sự xuất hiện của tôi, các em nhanh chóng khoanh tay lễ phép chào. Đứa nhanh hơn thì chạy vào thưa: "Thưa cô có người đến tìm cô ạ".
Từ nhỏ, cô Bảy nuôi niềm đam mê đứng trên bục giảng để truyền dạy những lời hay ý đẹp. Khi lớn lên, cô quyết tâm thi vào ngành Sư phạm và trở thành giáo viên dạy môn Ngữ văn tại trường THCS Giao Yến (Giao Thủy, Nam Định).
Gắn bó với sự nghiệp "trồng người" suốt nhiều năm liền. Sau khi rời bục giảng nhà trường, cô lên Hà Nội sinh sống cùng con cái. Thế nhưng, duyên nghề giáo vẫn chưa dừng hẳn, cô Bảy nung nấu ý tưởng mở một lớp học nho nhỏ dành cho các học sinh đặc biệt. Từ đó đến nay, cô đã gắn bó với lớp học tình thương được 4 năm.
Lớp học của cô Bảy hiện có khoảng 20 bạn đang theo học. Thời gian đầu đi dạy, cô gặp khá nhiều khó khăn bởi đây là một lớp học đặc biệt. Để có thêm kỹ năng truyền đạt kiến thức, cô thường xuyên tham gia dự giờ từ nhiều lớp học khác nhau. Thêm vào đó, mỗi ngày cô đều tìm tòi, tích góp một tí kinh nghiệm để tìm ra phương pháp dạy phù hợp nhất cho các học sinh.
Học sinh đến học tại lớp học tình thương thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều phụ huynh chia sẻ, khi con bị bệnh nặng, họ tìm mọi cách chữa chạy tại các bệnh viện. Thế nhưng, hy vọng ngày càng mỏng manh, họ đành lòng chấp nhận số phận của con mình và bắt đầu tìm đến việc học hành cho các con. Tuy nhiên, nếu cho con theo học các trường công thì chưa chắc đã được nhận, còn các trường tư thì học phí đắt đỏ nên khi phụ huynh biết đến lớp học miễn phí của cô Bảy, họ vô cùng phấn khởi.
Cô Bảy tâm sự, ở lớp học, cô không chỉ dạy cho các bạn kiến thức mà còn dạy cho các bạn kỹ năng sống. Mặc dù kiến thức cô dạy hằng ngày cho các bạn đôi khi rất nhỏ nhưng cứ tích dần theo từng ngày rồi các em cũng sẽ tiến bộ. Có những bạn học sinh gia đình chuyển ra xa địa điểm học, bố mẹ không yên tâm để các bạn tự đi lại nên các bạn ấy ngày nào cũng gọi điện cho cô để nhờ cô thuyết phục bố mẹ. May mắn thay, sau một vài lần trao đổi thì cô cùng các phụ huynh đã tìm ra những phương án tốt nhất cho các bạn ấy.
“Tôi vẫn nhớ trường hợp của em Công Thành - một trong những học sinh xuất sắc của lớp. Một thời gian nghỉ học ở nhà em tăng 3-4 cân vì ở nhà chỉ làm lặp lại những công việc như phơi áo quần, ăn cơm và nằm ngủ thôi. Nhưng khi quay trở lại lớp học, em Thành đã biết tự bắt xe buýt để đi, biết thêm được rất nhiều điều mà trước đây em không hề biết. Tôi cũng thấy em dần trở nên năng động, hoạt bát và vui vẻ hơn”, cô Bảy chia sẻ.
Công việc của một giáo viên bình thường đã rất bận rộn nhưng khi dạy cho những học sinh “đặc biệt” như thế này thì đòi hỏi người giáo viên càng phải bỏ ra nhiều công sức và trí lực. Thế nhưng, cô Bảy chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc. Với cô Bảy, đây chính là duyên kết nối và dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách để cả cô và trò cùng vượt qua.
“Rất nhiều người lo lắng nên cũng hỏi tôi về dự định trong tương lai, rồi cũng khuyên tôi nên nghỉ ngơi vì cũng đã có tuổi. Nhưng tôi thấy mình vẫn còn khỏe lắm. Chỉ khi nào tôi không đủ điều kiện về sức khỏe thôi, chứ gia đình tôi luôn luôn sẵn sàng tạo điều kiện để tôi làm. Học phí của tôi không trả bằng tiền, bằng vật chất, mà học sinh trả cho tôi bằng tình cảm trong trẻo của những đứa trẻ thơ. Chính sự trưởng thành, ngoan ngoãn của các em tạo cho tôi thêm động lực và quyết tâm bám lớp”, cô Bảy tâm sự.
Lớp học được duy trì bằng sự nhiệt huyết, tình yêu thương, lòng sẻ chia của một "bà giáo". Mỗi ngày qua đi, dưới bàn tay dạy dỗ của cô Lã Thị Bảy, những bạn học sinh lại có thêm một chút kiến thức và kỹ năng, với hy vọng có thể lo cho cuộc sống của mình, của gia đình và thậm chí giúp ích cho xã hội.