Ly hương mới giàu
(Sóng trẻ) - Sau 4, 5 năm trời học hành, cầm tấm bằng đại học trong tay, những tưởng sinh viên ra trường sẽ tìm được một công việc như ý. Thế nhưng rất nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp lại phải ngậm ngùi theo con đường xuất khẩu lao động ra nước nài làm ăn với hi vọng đổi đời.
Lập nghiệp ở quê: Còn lắm gian nan
Trong suy nghĩ của nhiều người và của cả xã hội, học đại học vẫn là một con đường vô cùng quan trọng dẫn đến thành công. Tuy nhiên ngày nay, số trường đại học cũng không ngừng tăng lên, tỉ lệ nghịch với số lượng sinh viên học đại học ngày càng nhiều, dẫn tới tỉ lệ sinh viên ra trường không có việc làm đang ngày càng cao, trở thành vấn đề đáng báo động đối với toàn xã hội.
Tấm bằng chẳng còn nhiều giá trị và cũng không thể đảm bảo một vị trí tốt cho người sở hữu nó. Nhiều sinh viên ra trường phải lao đao kiếm việc làm. Thậm chí có tìm được việc đi chăng nữa thì tiền lương cũng không đủ trang trải cuộc sống và đảm bảo tương lai. Rất ít sinh viên có thể làm đúng ngành nghề mà mình đã theo học.
Đi đến các khu công nghiệp, các nhà máy hiện nay, không khó để tìm thấy được những công nhân từng là sinh viên đại học. Họ được đào tạo bài bản, họ bỏ ra tuổi trẻ, thời gian và tiền bạc nhưng cuối cùng nhiều người lại trở về xuất phát điểm như một người ít học bình thường. Đặc biệt với các gia đình ở nông thôn với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu thì hầu hết đều phải vay mượn để có tiền cho con đi học đại học với hi vọng thoát nghèo. Gánh nặng nợ nần, vì tương lai, vì cuộc sống, những thanh niên này phải loay hoay tìm một con đường khác để đi.
Ly hương với khát vọng làm giàu
Chật vật ở quê với mức lương không đủ sống, nhiều thanh niên buộc lòng ra đi những mong đổi đời. Trong đó, xuất khẩu lao động là con đường được nhiều thanh niên lựa chọn vì khả năng làm giàu nhanh. Người ta truyền tai nhau câu chuyện làm giàu nơi xứ người và thực tế rất nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang sau vài năm cho con đi lao động nước nài.
Các nước Nhật, Hàn, Đức, Nga là đích ngắm của rất nhiều thanh niên bởi độ tin cậy cao, mức lương đảm bảo. Thực tế thì công việc họ làm bên nước nài cũng chỉ là bán hàng, công nhân may, đóng gói, thợ sửa móng tay,… nhưng số tiền nhận được lại là niềm mơ ước ở quê. Trừ tiền sinh hoạt thì mỗi tháng họ cũng có thể để ra hơn chục triệu đồng. Với mức lương cao, ăn ở ổn định, sau 3 năm họ sẽ có một số tiền lớn gửi về giúp gia đình trang trải nợ nần và lấy vốn làm ăn. Chính vì mức lương hấp dẫn như vậy mà dù làm trái ngành, trái nghề nhưng nhiều người vẫn quyết định gác tấm bằng lại để lên đường.
Dù không muốn xa quê nhưng rất nhiều thanh niên vẫn phải chấp nhận lập nghiệp nơi xứ người. Làng quê thiếu vắng người trẻ. Một người cha có con đi nước nài tâm sự: “Không muốn xa con chút nào nhưng vì tương lai, sự nghiệp của các con thì phải cố gắng. Các con đi được đã là rất hạnh phúc và may mắn rồi”. Tại vì sao nhiều sinh viên ra trường đành phải “bỏ xó” tấm bằng? Tại vì sao nhiều thanh niên muốn lập nghiệp trên chính quê hương mà cuối cùng đành phải ly hương? Thật sự, làm thế nào để tạo điều kiện cho thanh niên có thể làm giàu trên chính quê hương của mình là một câu hỏi rất cần suy nghĩ.
Hồng Nhung
Truyền hình K32A1
(ảnh: Internet)
Cùng chuyên mục
Bình luận