Nghĩa cử cao đẹp giúp nhiều cuộc đời hồi sinh
(Sóng trẻ) - Chiều 28/10, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp nam bệnh nhân chết não đã hiến tạng để cứu 4 người. Những nghĩa cử cao cả này đang truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều bạn trẻ đăng ký hiến tạng với mong muốn giúp đỡ những số phận bất hạnh.
“Cho đi là còn mãi”
Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, anh Lê Tiến S (36 tuổi) vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng. Được sự đồng ý từ gia đình, ngày 26/10, gan của anh được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép cho người bệnh suy gan, hai quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận tại Bệnh viện Bạch Mai, và trái tim được vận chuyển vào Huế để cứu sống một bệnh nhân khác bị suy tim.
Chia sẻ về quyết định này, bố của bệnh nhân nghẹn ngào nói: "Sự ra đi của con trai vì trọng bệnh khiến gia đình tưởng như sụp đổ vì đau buồn. Nhưng các bác sĩ đã đưa con tôi sống lại trong hình hài người khác. Với gia đình, con trai vẫn còn sống".
Chị Phan Châu Lan (29 tuổi, sinh sống tại TP HCM) cho biết ý định đăng ký hiến tạng đã được bản thân ấp ủ từ lâu. Nhưng vì gia đình phản đối nên chị chưa thể thực hiện được. Mãi đến năm 2023, khi vô tình đọc một bài báo về câu chuyện một bạn trẻ 17 tuổi không may mất vì tai nạn giao thông, sau đó nhiều bộ phận trên cơ thể được tận dụng để ghép tạng cho nhiều bệnh nhân khác, ý định hiến tạng của chị Lan càng mạnh mẽ hơn. Chị gửi bài viết này cho mẹ và kiên trì thuyết phục thành công gia đình mình.
Chị Lan đi đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đăng ký hiến xác tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Chị chia sẻ: “Hiến tạng là một hành động nhân văn vì nhờ y học mà một người sau khi mất có thể cứu sống cho khoảng 8 người khác. Nhưng vì thế hệ của cha mẹ mình còn thiếu thông tin, cùng với ảnh hưởng của các phong tục tâm linh lạc hậu nên còn ngần ngại chuyện này”.
Bạn Nguyễn Thị Yến Nhi (19 tuổi, Đại học Thương mại) cũng vừa đăng ký hiến tạng vào đầu năm 2024. Trong vòng 15 phút hoàn thành giấy tờ tại bệnh viện Việt Đức, Nhi cảm thấy đó là lúc tự hào nhất về bản thân.
Nhi thường tham gia các hoạt động tình nguyện tại bệnh viện và chứng kiến không ít trường hợp các bạn nhỏ vật lộn chống chọi với bệnh tật, chờ được hiến tạng. “Khi mình mất đi, bản thân cũng không thể làm gì tốt hơn cho họ. Nếu mình đăng ký thì biết đâu sau này, đến thời khắc nào đấy cơ thể mình sẽ giúp những người đó tiếp nối được những ước mơ còn dang dở”, Nhi nói.
Lan toả hành động đẹp về hiến mô, tạng
Theo Bộ Y tế, một người đã chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 - 10 người khác. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng ý hiến tạng thực tế của đối tượng này tại Việt Nam còn khá thấp. Năm 2023, nước ta có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca, nhưng 95% là từ người cho còn sống, chỉ có 5% từ những bệnh nhân chết não. Trong khi đó, nhiều nước phát triển trên thế giới có 80 - 95% tỷ lệ hiến tạng từ người cho đã chết não.
Khi chia sẻ ý định đăng ký hiến tạng, nhiều bạn trẻ bị gia đình phản đối. Bạn Nguyễn Bảo Thy (22 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình rất mong muốn được hiến tạng nhưng cơ thể này không phải của riêng mình. Bố mẹ mình còn khá e ngại vấn đề này vì các quan niệm tâm linh. Mình đang cố gắng thuyết phục họ hiểu về giá trị của việc hiến tạng và khi gia đình hoàn toàn ủng hộ thì mình sẽ đăng ký".
Trong chương trình giao lưu trực tuyến "Tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam" ngày 14/10, TS. Nguyễn Hoàng Phúc (Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia) đánh giá thông điệp truyền thông, vận động hiến tạng, mô tạng hiện nay chưa liên tục cho mọi tầng lớp, đối tượng nhân dân.
Ông Phúc nói: "Nhiều người dân chưa hiểu rõ ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của việc hiến tạng, mô tạng. Cùng với đó, quan niệm ‘chết phải nguyên vẹn’ của một bộ phận người dân vẫn còn nặng nề. Do vậy, việc mở lòng, đăng ký hiến tạng, mô tạng chưa trở thành hoạt động thường xuyên ở Việt Nam".
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Hội vận động hiến tạng, mô tạng Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tăng cường truyền thông tới mọi tầng lớp nhân dân để thay đổi nhận thức, tiến tới tăng số người đăng ký hiến tạng, mô tạng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ trải nghiệm của bản thân, chị Phan Châu Lan cho rằng các trang mạng xã hội là công cụ hữu ích để truyền thông nâng cao nhận thức về hiến tạng. "Sau khi hoàn thành đăng ký, tôi đã làm một vài video chia sẻ trải nghiệm này trên nền tảng Tik Tok, có hơn 100 bạn nhắn tin hỏi tôi về điều kiện đăng ký, thủ tục cũng như cách thuyết phục gia đình. Phần lớn là các bạn vừa từ quê lên học đại học. Vì vậy tôi nghĩ rất cần có thêm nhiều bài viết, video chi tiết để mọi người hiểu rõ về hiến tạng”, chị Lan cho biết thêm.
Năm 2023, thông qua series "Những điều nhỏ xíu" trên Tiktok, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã kêu gọi hơn 1.000 lượt đăng ký hiến mô, tạng tại chùa Giác Ngộ. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm và ủng hộ ngày càng nhiều của giới trẻ với hoạt động nhân đạo này. Sức mạnh của truyền thông và những người có tầm ảnh hưởng đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc hiến tạng.