MÁY TRA CỨU THÔNG TIN HAY CHỈ LÀ PHẾ LIỆU?
(Sóng trẻ) - Một dự án với tổng kinh phí gần nửa triệu đô la nhưng giờ chỉ còn là đống sắt vụn, nằm đắp chiếu trong sân Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Hà Nội. Điều khiến người dân Thủ đô một lần nữa đặt ra câu hỏi về chuyện lãng phí ngân sách.
Máy tra cứu thông tin du lịch là gì?
Nhằm phục vụ cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2006, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã quyết định lắp đặt 37 máy tra cứu thông tin du lịch tại những vị trí đắc địa của Thủ đô nhằm giúp khách du lịch có thể tra cứu thông tin như đường phố, nhà hàng, khách sạn… Những chiếc máy này được điều hành bằng hệ thống máy tính, được trang bị màn hình cảm ứng với ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt, có vách bao ba phía, thiết kế gần giống những chiếc bốt điện thoại trước kia.
Tuy nhiên sau 7 năm được đưa vào hoạt động, vẫn không có nhiều người dân hay khách du lịch biết đây là máy gì. Có lẽ tác dụng nhất là làm nơi trú mưa, bán hàng của người dân hay treo biển quảng cáo thương mại. Ít ai có thể tưởng tượng nổi những chiếc máy có giá trị 10000 đô la một chiếc giờ chỉ còn là đống sắt vụn, nằm đắp chiếu trong sân của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, chờ đến ngày thanh lý, bán phế liệu.
Điều đáng nói là sau khi 37 chiếc máy trên được dỡ bỏ thì vào năm nái, một phiên bản mới của dự án này lại tiếp tục được lắp đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Phiên bản được thiết kế nhằm khắc phục những điểm yếu của mẫu thiết kế trước như không có vách bao bên cạnh, không treo biển quảng cáo thương mại… nhưng vẫn chẳng có nhiều người dân biết đến tác dụng của nó. Không có bất kì một dòng chữ chỉ dẫn nào xuất hiện trên máy. Thậm chí khi nhìn mặt nài của chiếc máy, nhiều người đi đường còn cho rằng đây chỉ là biển quảng cáo múa rối nước.
Tuy mới chỉ đi mới được lắp đặt vài tháng nhưng chiếc máy này lại một lần không thể hoạt động do cả yếu tố khách quan và chủ quan tác động: thời tiết và chất lượng máy móc. Màn hình máy đã đóng một lớp bụi dày, trên những tấm nhựa che nắng mưa đã xuất hiện rêu mốc.
Chị Quỳnh Nga, du khách từ miền Nam cho biết: “Mình vừa mới tới Hà Nội và cũng có nghe qua thông tin về cái máy này mà không thấy nó hoạt động. Mình toàn dùng ogle để tra.”
Du khách có nhu cầu sử dụng nhưng máy hỏng nên phải hỏi đường người dân hoặc các tư vấn viên trong ki ốt
Trong khi đó, cách chiếc máy này chừng 100m là một ki-ốt thông tin du lịch bày bán bản đồ, sách hướng dẫn và có nhân viên chuyên tư vấn cho khách tham quan về văn hóa, ẩm thực Hà Nội. Điều này khiến cho chiếc máy vài chục nghìn đô bị rơi vào quên lãng và trở thành đống sắt vụn trên vỉa hè vườn hoa.
Theo anh Hoàng Tùng – công ty du lịch An Hoàng Gia: “Nếu du khách đặt tour tới Hà Nội thì có hướng dẫn viên du lịch. Còn đi du lịch bụi thì họ hay tìm tới những quán ăn hay những địa điểm người Hà Nội hay tới. Những địa chỉ này rất nhiều và nếu không được cập nhập thường xuyên thì cũng chẳng có tác dụng gì.”
Hà Nội – thành phố của những công trình nghìn tỉ
Đây không phải trường hợp đầu tiên báo chí hay người dân lên tiếng về tình trạng lãng phí ngân sách của thành phố hiện nay. Khi nhắc đến Hà Nội, người ta thường nhớ tới những dự án, công trình trị giá như bảo tàng nghìn tỉ, con đường nghìn tỉ hay thậm chí nhà vệ sinh cũng tiền tỉ… Tất cả người dân mong muốn những dự án, công trình này phải xứng “đồng tiền bát gạo”, phải thực sự có hiệu quả và đem lại giá trị cho họ cũng như cho thành phố. Nhưng nhìn lại những dự án trên, điều người ta dễ dàng nhận thấy chỉ là sự lãng phí. Bảo tàng 2000 tỉ hiu hắt, không một bóng khách tham quan trong khi đèn điện vẫn phải bật sáng. Những tuyến đường đắt nhất hành tinh vừa thông xe đã xuất hiện tình trạng sụt lún, rạn nứt,… khiến giao thông khó khăn. Nhiều nhà vệ sinh giờ đóng cửa, trở thành “tủ cất đồ” của người bán hàng nước, hàng ăn vỉa hè.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu của người Hà Nội cũng như khách du lịch là điều vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho Thủ đô. Nhiều đề án có hiệu quả tích cực, nhận được sự ủng hộ của người dân như tuyến xe điện phố cổ, tuyến phố đi bộ cuối tuần… Tuy nhiên cần phải có những kế hoạch, đề án đã được nghiên cứu cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng nhằm đem lại hiệu quả cao và tích kiệm tối đa ngân sách.
Nguyễn Ngọc Thu
Cùng chuyên mục
Bình luận