Mùa hè xanh: khi tình thầy trò thắp lên những ước mơ

(Sóng Trẻ) - Mùa hè tình nguyện là sự ghi dấu của những người trẻ tuổi nơi miền đất còn khó khăn của Tổ quốc. Những chuyến đi ấy mang đến cho mỗi người một trải nghiệm mới với những bài học và những kỉ niệm đáng nhớ. Và sau mỗi mùa hè xanh, có những tình cảm thầy trò lại nảy nở để chúng tôi có động lực nối dài hơn hành trình yêu thương…

Màu áo xanh đến với lớp học vùng cao

Những lớp học đơn sơ cạnh triền núi, những đứa trẻ đến trường trong nỗi lo của bữa no, bữa đói; những thầy cô giáo cố bám trường, bám lớp vì đàn em… Cảm nhận của mỗi chúng tôi khi đến với bà con Văn Chấn, Yên Bái trong chiến dịch Mùa hè xanh là sự nghèo khó, xơ xác đến nhói lòng. Và thương hơn cả là những gương mặt hồn nhiên, những nụ cười trẻ thơ vương lại cả chút buồn của một vùng quê nghèo.

Mỗi mùa hè đến, những tình nguyện viên của đội TNTN Sông Mã lại lên đường, bắt đầu hành trình tình nguyện mới của mình. Những miền đất xa lạ, những con người mới lần đầu gặp mặt, những khó khăn khi đi làm tình nguyện… tất cả không thể ngăn được những màu áo xanh. Họ đến để mang lại tiếng cười, niềm vui và cái gì đó tươi mới cho bản làng. Và có lẽ tiếng cười rộn vang nhất là trong những lớp học, trên những gương mặt trẻ thơ… Tôi đã bắt đầu Mùa hè xanh đầu tiên của mình ở mảnh đất Văn Chấn – Yên Bái với công việc dạy học.

Tất cả các tình nguyện chúng tôi đều không phải là sinh viên khối ngành sư phạm, chưa từng có kinh nghiệm dạy học nhưng đã đến với các em bằng tình yêu thương. Một chương trình dạy học đã được chúng tôi chuẩn bị kĩ từ ở nhà, đó là giáo án cho những buổi ôn tập văn hóa, là trò chơi cho những buổi sinh hoạt nại khóa. Nhưng tôi đã không thể dạy theo những gì mình đã soạn trước và thực sự ngỡ ngàng khi lần đầu tiên lên lớp dạy các em nhỏ ở trường tiểu học Suối Bu. Những bài viết chính tả còn khá nhiều lỗi sai, những lần đọc bài ấp úng vì còn chưa nhớ hết mặt chữ, những câu trả lời rụt rè và đôi khi còn là im lặng. Đến tận lúc ấy tôi mới hiểu được, với các em đến trường được đã là một nỗ lực, để có thể học hành như bạn bè đồng trang lứa dưới xuôi là cả một chặng đường dài… 

10 ngày của một chiến dịch Mùa hè xanh liệu có thể dạy cho những đứa trẻ ấy được bao nhiêu kiến thức? 10 ngày liệu kể được cho các em bao nhiêu câu chuyện và lắng nghe các em kể được bao nhiêu về cuộc sống nơi đây? Có lẽ điều chúng cần là yêu thương, là người khích lệ và sẻ chia cùng chúng.

Và những điều còn đọng lại…

10 ngày trong kí ức của tôi và có lẽ là của các em, điều đáng nhớ nhất không phải là những buổi học, là những phép toán, bài viết chính tả mà là những khi cô trò ngồi thủ thỉ. Tôi còn nhớ mãi Thảo, với câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của em. Em bảo thích đi học vì về nhà không có ai chơi cùng, và tôi không hiểu tại sao mà trong câu nói của một đứa trẻ lại có nhiều từ “chán, buồn” đến vậy.

Các em còn kể tôi những ước mơ thấp thoáng chút rụt rè và đôi khi thật đến đau lòng: Em không có ước mơ… Những lúc ấy chỉ mong em có được một ước mơ giản dị như bạn bè đồng trang lứa, mong em có được trọn vẹn niềm vui trẻ thơ, được đến trường trong sự hồn nhiên ở cái tuổi của em. Nhưng chỉ cần sau 10 ngày của chiến dịch, cầm trên tay bức vẽ Ước mơ của em, đã thấy vui và tự hào lắm. Đơn giản, em ước mơ được trồng rừng, ước mơ sẽ xây cho ba mẹ một ngôi nhà, ước mơ sau này cũng được mặc áo xanh tình nguyện như thầy cô… Chúng tôi biết cái mình dạy được cho các em không phải là tri thức mà là cách tin tưởng, dạy các em biết và dám ước mơ.

Với mỗi tình nguyện viên thì điều quan trọng nhất mà chúng tôi nhận được là tình yêu chân thật, hồn nhiên đến vụng về của những đứa trẻ vùng cao. Hành trang chúng tôi mang về Hà Nội là những bức vẽ, là bông hoa em gấp tặng; là bài hát trong đêm chúng tôi hành quân đến Suối Bu; là cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt ngày chia tay.

Sau một chiến dịch tình nguyện, lại có thêm những tình cảm thầy trò được thắp lên để đến hôm nay vẫn nhận được tin nhắn trò chuyện từ các em. Vẫn là những câu chuyện nương rẫy, những bữa cơm chỉ với món duy nhất bọ xít rang; nhưng đã thấy thấp thoáng cả nụ cười khi khoe: “Cô ơi, hôm nay em được đọc sách trong thư viện các cô mang lên tặng trường rồi”…

Có lẽ cuộc sống khó khăn đã dạy cho những đứa trẻ ấy biết sống tình cảm và yêu thương nhiều hơn. Một bông hoa em gấp tặng ngày về, một cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt đã thay cho tất cả những gì muốn nói. Các em yêu thương thầy cô mặc áo xanh của mình một cách vụng về đến đáng yêu.

Và chúng tôi lại tiếp tục lên đường, lại rạo rực chuẩn bị cho những mùa hè yêu thương tiếp theo, cho những vùng đất và con người mới… Mùa hè về, mùa hè tình nguyện, mùa hè yêu thương và tin tưởng. 

Nguyễn Thị Minh Phương 
Lớp Truyền hình K31A2


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN